Sau những giờ học căng thẳng, sinh viên, học sinh luôn cần những giây phút thư giãn, vui chơi giải trí lành mạnh và bổ ích. Vậy hiện nay, đời sống văn hóa của sinh viên, học sinh có được chú ý đúng mức?
Ngoài những phong trào tình nguyện vì cộng đồng đã làm nên truyền thống và tạo nên một dấu ấn rất riêng của sinh viên, học sinh TPHCM như Chiến dịch Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi… từ nhiều năm qua, đông đảo thanh niên, sinh viên, học sinh TPHCM còn quan tâm đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và các hoạt động về nguồn. Cụ thể và thiết thực nhất có thể kể đến chương trình “Hành trình đến với bảo tàng” do Thành đoàn, Sở GD-ĐT và Sở VH-TT-DL TPHCM cùng phối hợp tổ chức.
Thông qua các tổ chức Đoàn cơ sở và các đơn vị trường học, “Hành trình đến với bảo tàng” đã đưa hàng trăm ngàn lượt học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông đến với bảo tàng và các di tích lịch sử văn hóa của TPHCM.
“Em rất thích giờ học ngoại khóa, tham quan tại các bảo tàng. Cách bố trí các hiện vật trưng bày theo mốc thời gian và sự kiện giúp chúng em dễ học và dễ nhớ. Chỉ 1 ngày đến bảo tàng thôi, chúng em đã ghi chép và học được rất nhiều điều” - em Hoàng Phúc Thiên Ân, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, cho biết sau chuyến tham quan tại Bảo tàng TPHCM.
Giống như Thiên Ân, em Võ Thị Tuyết Như, học sinh Trường THCS Tân Tiến, bày tỏ sau chuyến về nguồn thăm di tích lịch sử cách mạng địa đạo Củ Chi: “Thăm địa đạo Củ Chi em đã học được nhiều điều, đó là sự mưu trí, dũng cảm của các thế hệ cha ông trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, đó là truyền thống cách mạng hào hùng, đó là những con người bất khuất, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc”.
Theo Sở VH-TT-DL TPHCM, từ 2008 đến 2011, các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa tại TPHCM đã thu hút trên 1,5 triệu lượt học sinh, sinh viên đến tham quan tìm hiểu, học tập.
So với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu có một lợi thế rất lớn trong việc chuyển tải những đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thông điệp cuộc sống đến với sinh viên, học sinh. Đồng thời, trong từng tác phẩm sân khấu luôn chứa đựng những giá trị chân - thiện - mỹ… rất cần thiết cho sinh viên, học sinh.
Tuy nhiên, tiếc rằng thời gian qua, những người làm sân khấu chưa thể khai thác hết lợi thế của mình để có thể dễ dàng tiếp cận sinh viên, học sinh. Trước đây, có một dạo, một số sân khấu đã tổ chức nhiều suất diễn phục vụ học sinh như: Sân khấu Kịch IDECAF phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức “Đưa kịch lịch sử vào trường học” với hàng trăm suất diễn phục vụ học sinh thành phố, rồi Nhà hát Kịch TPHCM, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thực hiện dự án “Tiếng nói trẻ thơ” biểu diễn suốt 3 năm phục vụ miễn phí học sinh, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện chương trình “Sân khấu học đường” ở nhiều trường học… Tất cả đã bước đầu tạo được sức hút với các khán giả trẻ này.
Thế nhưng hiện nay, hầu hết các dự án, chương trình này đều đã… tạm ngưng vì chưa tìm được nguồn kinh phí mới! Chỉ còn một vài nhóm kịch thỉnh thoảng phối hợp cùng Thành đoàn TPHCM diễn kịch, tuyên truyền an toàn giao thông phục vụ sinh viên, học sinh là còn duy trì.
|
Học sinh quận Bình Tân xem chương trình sân khấu Tiếng nói trẻ thơ của Nhà hát kịch TPHCM. |
Nhìn lại các hoạt động âm nhạc hướng đến sinh viên, học sinh, sẽ thấy có không ít chương trình đậm chất sinh viên, học sinh, các show diễn dành cho giới trẻ được đầu tư công phu, góp phần không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của bạn trẻ. Điển hình là điểm hẹn NVH Thanh niên - nơi thường xuyên tổ chức những chương trình, hoạt động nghệ thuật, chuyên đề, trưng bày triển lãm, biểu diễn nghệ thuật… hướng đến mục tiêu phục vụ, góp phần nâng cao nhận thức, thị hiếu văn hóa thẩm mỹ cho số đông công chúng trẻ.
Bên cạnh đó, thị trường ca nhạc cũng đa dạng các show diễn của ca sĩ phục vụ miễn phí cho sinh viên, chương trình tiếng ca học đường của Đài Truyền hình TPHCM tạo cơ hội để đối tượng sinh viên - học sinh có sân chơi ca hát, NVH Sinh viên TPHCM thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động giao lưu văn hóa, hội thi, hội diễn văn nghệ - là nhịp cầu nối sinh viên thành phố…
Đặc biệt, có không ít nghệ sĩ, nhạc sĩ, giảng viên âm nhạc tâm huyết với ý tưởng đầu tư giáo dục âm nhạc học đường đã và đang từng bước tiến hành trong khả năng có thể như: GS Trần Văn Khê truyền dạy các kiến thức quý giá về âm nhạc dân tộc tại nhiều trường đại học, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM thực hiện các chương trình biểu diễn phục vụ sinh viên tại một số trường đại học, ở NVH Thanh niên, đã giúp khán giả trẻ mở rộng sự hiểu biết, nắm được những kiến thức căn bản nhất về âm nhạc cổ điển, nghệ thuật múa balê, nhạc kịch… Hàng loạt các chương trình vì khán giả trẻ vẫn đang tiếp tục được các cá nhân, đơn vị thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công chúng trẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - người có rất nhiều sáng tác dành cho sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên, chia sẻ: “Ngày nay, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ, sinh viên, học sinh rất phong phú và đa dạng, thế nên, để đáp ứng được nhu cầu của các bạn trẻ hôm nay rất cần có nhiều tác phẩm tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục tính thẩm mỹ trong thưởng thức âm nhạc cho các em là việc làm rất cấp thiết. Hiện nay giáo viên dạy nhạc trong các trường phổ thông còn thiếu nhiều nên việc phổ cập môn mỹ học âm nhạc trong nhà trường đang còn là ước mơ của nhiều người. Tôi nghĩ, có một vấn đề khả thi trước mắt và cần thiết là đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy trong nhà trường”.
Theo SGGP