Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 11/4/2014 14:54'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Ngày 11-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo toàn quốc về Công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, HSSV có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với thế giới, với các tri thức mới và văn hóa nhân loại. Song bên cạnh đó, HSSV cũng phải đối mặt với nhiều tác động không tốt từ mạng internet, từ ngoài xã hội. Để đảm bảo công tác giáo dục đạo đức, lối sống tại các cơ sở giáo dục phát huy các mặt mạnh, khắc phục các hạn chế, cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức, nhân cách cho gần 22 triệu HSSV được tốt hơn trong thời gian tới. Hơn lúc nào hết, công tác giáo dục đạo đức, lối sống và trang bị kỹ năng cho HSSV cần được toàn xã hội coi trọng, ưu tiên chăm lo và đầu tư. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Hội thảo lần này nhằm đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên (HSSV) và công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, cũng như tìm ra phương hướng để triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thi trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (trong đó, có nhiệm vụ rất quan trọng về giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên) và thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên trong ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai đoàn khảo sát, làm việc trực tiếp với đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; gửi phiếu khảo sát và phỏng vấn sâu với hơn 3.000 cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên và các đơn vị phối hợp tại địa phương về thực trạng đạo đức lối sống của HSSV cũng như công tác giáo dục đạo đức, lối sống. Song song với quá trình khảo sát, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các Sở và các cơ sở đào tạo trong toàn quốc xây dựng báo cáo về thực trạng đạo đức, lối sống của HSSV và công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các báo cáo nói trên, tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã đưa ra đánh giá về thực trạng đạo đức, lối sống hiện nay của HSSV.

Về phẩm chất tư tưởng chính trị, hầu hết HSSV có tinh thần yêu quê hương đất nước, tin tưởng và chấp hành đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự thành công của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước (94,35% HSSV được hỏi tự hào về quê hương đất nước). Đa số HSSV đồng ý với việc cần thiết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập với thế giới hiện nay, quê hương, cội nguồn dân tộc vẫn là quan trọng (có 93,20% đồng ý).

Về đạo đức, đa số HSSV có nhận thức và hành vi trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Các phẩm chất như nhân ái, tương thân tương ái giúp đỡ nhau, có có nghĩa tình, cần cù kiên trì, hiếu học, tôn sư trọng đạo, trung thực, đoàn kết được đại đa số HSSV nhận thức và phát huy. Hầu hết HSSV có ý thức trách nhiệm với gia đình, với việc học tập rèn luyện bản thân. Có 97,61% HSSV được hỏi cho rằng họ thích được chăm sóc những người thân trong gia đình.

HSSV đều biết và thực hiện sống, làm việc tuân thủ theo pháp luật; ý thức và trách nhiệm công dân được tăng cường hơn rất nhiều. Có 96,36% HSSV được hỏi cho rằng HSSV của Nhà trường thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các em rất coi trọng sự trung thực. Có 91,38% cho rằng các em cảm thấy hối hận, khổ tâm khi buộc phải nói dối hoặc làm việc không trung thực, Trong trường hợp nếu làm sai quy định, nội quy, trái pháp luật mà không ai biết đến thì có đến 99,33% vẫn lo sợ. Đa số thái độ của HSSV có thái độ không đồng tình với gian lận trong thi cử, đề cao tính trung thực trong học tập và trong cuộc sống.

Có 60,62% HSSV được hỏi không đồng tình với gian lận trong thi cử. Có 3,07% đồng tình, còn 35,92% đang trong tình trạng phân vân. Nhiều HSSV dám đấu tranh quyết liệt với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Khi được hỏi về các biểu hiện trọng lớp, trong trường thì có 91,12% ủng hộ cái đúng, cái không đồng tình với việc làm sai trái. Có 2,11% có thái độ thờ ơ, không quan tâm.

HSSV cũng tích cực tham gia hoạt động tập thể, các phong trào xung kích, sáng tạo tình nguyện vì cộng đồng. Phong trào tình nguyện do Đoàn TN, Hội SV tổ chức đã trở thành phong trào chung, thường xuyên trong tất cả các nhà trường với nhiều hình thức phong phú.

Về lối sống, hầu hết HSSV đều có lối sống lành mạnh, biết chia sẻ, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai (có 100% HSSV tham gia các hoạt động nhân đạo, tình nghĩa, trong đó có 95,40% HSSV tham gia tương đối nhiều; chỉ có 4,6% tham gia ít).

Phần lớn HSSV có lối sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú và phê phán những tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi trái thuần phong mỹ tục dân tộc. Hầu hết HSSV không sa vào tệ nạn xã hội. Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc vận động do ngành giáo dục, ngành văn hóa phát động.

Trong cuộc sống hiện đại, HSSV quan niệm rằng hợp tác giúp tạo nên sức mạnh và khiến công việc đạt hiệu quả cao hơn (89,91% đồng ý).

Tuy nhiên, bên cạnh những biểu hiện tích cực nêu trên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ HSSV có ý thức phấn chưa cao, thờ ơ với các vấn đề chính trị - xã hội, phai nhạt lý tưởng cách mạng, không xác định được mục tiêu, lý tưởng cuộc sống; có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Một số HSSV đề cao lối sống thực dụng, ích kỷ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa lãng phí, xem nhẹ các giá trị tinh thần, không quan tâm đến cộng đồng, ít tham gia các hoạt động xã hội và cộng đồng, sống khép mình và đề cao chủ nghĩa cá nhân, xa rời tập thể...

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV là công tác quan trọng, thường xuyên, liên tục của ngành giáo dục. Cán bộ, giáo viên và HSSV đều coi trọng công tác giáo dục ĐĐLS (có 94,73% HSSV và 93,55% CBGV được hỏi cho rằng việc giáo dục ĐĐLS là cần thiết).

Trong những năm gần,  công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV đã được đổi mới nội dung và phương pháp thực hiện và thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Thể hiện ở những điểm chính như sau:

Một là, chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu mới hiện nay, phương pháp giáo dục ở nhiều nơi chậm đổi mới do tư duy giáo dục chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Hai là, các điều kiện đảm bảo công tác giáo dục ĐĐLS còn nhiều bất cập. Đội ngũ giáo viên phụ trách công tác giáo dục ĐĐLS còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó,  cơ sở vật chất trong nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu; ngân sách cấp cho công tác này chưa được ưu tiên.

Ba là, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương chưa được thể chế hóa nên nhiều cấp chính quyền thiếu chủ động trong việc đưa ra chủ trương và giải quyết các vấn đề cụ thể của công tác giáo dục tại địa phương.

Bốn là, các yếu tố tiêu cực, khách quan của xã hội thâm nhập vào nhà trường, ảnh hưởng tới ĐĐLS của HSSV. Ở các trường ĐH, CĐ, TCCN, công tác quản lý HSSV, nhất là HSSV ngoại trú còn rất hạn chế, chưa thực sự đảm bảo an toàn an ninh trường học.

Năm là, công tác phối hợp giữa các nhà trường, gia đình và xã hội còn lỏng lẻo, cơ chế trao đổi còn yếu và xử lý thông tin chậm được xử lý.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất, đánh giá các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV, tập trung vào các vấn đề:

Thứ nhất, đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ĐĐLS trong các nhà trường.

Thứ hai, xác định cơ chế quản lý, phối hợp và điều kiện đảm bảo, đánh giá kết quả sự phối hợp với giáo dục, đạo đức, lối sống giữa nhà trường và gia đình, nhà trường với địa phương, nhà trường với các tổ chức Đoàn, Đội, Hội.

Thứ ba, quy định nội dung, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện đảm bảo và tổ chức bồi dưỡng nâng cao thường xuyên đối với cán bộ giáo viên trực tiếp làm công tác giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo trong nhà trường.

Thứ tư, có quy định mới về bố trí giáo viên tư vấn học đường, hỗ trợ học tập, rèn luyện cho học sinh trong các trường phổ thông. Xem xét thành lập Tổ tư vấn (nhất là tư vấn tâm lý, kiến thức kỹ năng sống...) để hỗ trợ HSSV trong mỗi nhà trường.

Thứ năm, xây dựng cơ chế để duy trì việc đối thoại giữa giáo viên và học sinh, giữa nhà trường và gia đình học sinh.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế hỗ trợ, quản lý, giáo dục học sinh đối với Ban Đại diện cha mẹ học sinh, tổ chức Đoàn, Đội, Hội và các tổ chức xã hội – chính trị tại địa phương.

Thứ bảy, đề xuất cơ chế cụ thể trong việc phối hợp giữa Bộ Giáo dục đào tạo với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để cùng nhau triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV trong thời gian tới.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất