Thứ Bảy, 27/7/2024

Thanh Hóa đổi mới việc đánh giá cán bộ

Ðánh giá cán bộ hằng tháng

Nằm sát thị trấn Yên Cát của huyện Như Xuân nhưng xã Yên Lễ đời sống dân sinh, kinh tế còn nhiều khó khăn. Ðầu nhiệm kỳ này, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn chiếm tới 30%. Xã có đội ngũ cán bộ, viên chức đã đạt chuẩn, người hoạt động không chuyên trách đông nhưng hiệu quả lãnh đạo, điều hành đạt thấp, Vậy nhưng, kết quả đánh giá cán bộ, viên chức hằng năm phần lớn đều hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước thực trạng trên, năm 2016, cấp ủy, chính quyền xã Yên Lễ cụ thể hóa tiêu chí, thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC) hằng tháng, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở các tiêu chí ban hành, đăng ký kế hoạch công tác, tự đánh giá của mỗi cá nhân; cập nhật, theo dõi công việc, giám sát của bộ phận liên quan; lãnh đạo cấp ủy, các tổ chức đoàn thể, chính quyền xã thực hiện chấm điểm thi đua trong tháng. Qua đó kịp thời nhắc nhở, đôn đốc, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, động viên mỗi cá nhân nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ðây cũng là cơ sở để đánh giá cán bộ, viên chức, đảng viên trong năm; xét nâng lương trước thời hạn và bình xét các danh hiệu thi đua. Ðồng chí Ðỗ Văn Chung, Bí thư Ðảng ủy xã Yên Lễ ghi nhận: Ðăng ký kế hoạch, đánh giá kết quả công tác hằng tháng giúp cho người lãnh đạo, điều hành cập nhật được tình hình thực hiện, kịp thời trao đổi, đôn đốc, uốn nắn mỗi cán bộ, viên chức, đảng viên thực hiện tốt công việc, nhiệm vụ đề ra. Hiện mỗi cá nhân chủ động thực hiện nhiệm vụ; lãnh đạo, điều hành thông suốt, hiệu quả; duy trì nền nếp, chỉnh đốn tác phong công tác. Cán bộ từ xã đến thôn sâu sát cơ sở, gần dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh. Thành tích nổi bật là 11 trong tổng số 12 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và xã Yên Lễ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Qua thực tế đánh giá, xếp loại hằng tháng ở xã Yên Lễ, Huyện ủy, UBND huyện Như Xuân xây dựng, ban hành quy định thí điểm đánh giá, xếp loại CBCCVC làm việc trong cơ quan Ðảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội hằng tháng. Nội dung, các tiêu chí đánh giá được cụ thể hóa thành thang điểm; mỗi cá nhân thực hiện đăng ký công việc cụ thể trong tháng; trao thẩm quyền cho người đứng đầu nhận xét, đánh giá các cá nhân trong tháng. Nguyên tắc chung là đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức; năng lực, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; lấy hiệu quả công việc để đánh giá CBCCVC đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ. Qua đó cập nhật tiến độ, tình hình thực hiện nhiệm vụ của mỗi tập thể, cá nhân; nắm bắt năng lực, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ðồng chí Trần Mạnh Long, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Như Xuân nhấn mạnh: Trước mắt, kết quả đánh giá được cập nhật, diễn tiến liên tục và đòi hỏi kiên trì việc thực hiện đánh giá, xếp loại hằng tháng để sử dụng đánh giá, phân loại CBCCVC cả năm, đồng thời là cơ sở xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua khen thưởng đối với CBCCVC. Trong đánh giá CBCCVC cả năm, ngoài căn cứ hiệu quả công việc, đòi hỏi người đứng đầu mỗi tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị khách quan, công tâm, tổng hợp nhiều kênh đánh giá. Căn cứ kết quả đánh giá của mỗi cá nhân trong các tháng và tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao, đại diện tổ chức cấp trên gợi ý kiểm điểm, nhận xét sâu hơn đối với những CBCCVC năng lực yếu, chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm quản lý, người đứng đầu ở đơn vị thực hiện nhiệm vụ còn trì trệ, hiệu quả công việc đạt thấp. Ðánh giá tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý thực hiện theo phân cấp, bám sát các tiêu chí, thang điểm đề ra, khắc phục bệnh hình thức, nể nang, né tránh. Những tổ chức đảng, đơn vị trực thuộc có biểu hiện nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên không sâu, sát, Thường vụ Huyện ủy xem xét, đánh giá lại. Qua đó có một Chủ tịch UBND xã hai năm không hoàn thành nhiệm vụ đã bị HÐND xã bãi nhiệm; một số trường hợp xã đội trưởng, công chức địa chính, kế toán xã được gợi ý kiểm điểm về ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nền nếp cơ quan, đơn vị, thực hiện các quy định, đánh giá sát hiệu quả lãnh đạo, tổ chức thực hiện, mức độ hoàn thành nhiệm vụ...

Gắn kết quả đánh giá cá nhân với tập thể

Ðồng chí Ngọc Thị Bách, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Ngọc Lặc trao đổi: Trên cơ sở quy chế đánh giá tập thể lãnh đạo, quản lý theo Quyết định số 488 và quy chế đánh giá cán bộ, lãnh đạo quản lý theo Quyết định 489 của Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa 17, từ năm 2012, Ðảng bộ huyện Ngọc Lặc cụ thể hóa thành hai quy chế đánh giá tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý, cập nhật quy định, hướng dẫn của Trung ương, cụ thể hóa thành các tiêu chí, thang điểm phục vụ cho việc đánh giá. Qua rà soát, kiểm tra đánh giá của đảng bộ cơ sở cho thấy, kết quả đạt được của cá nhân công chức, đảng viên, lãnh đạo quản lý không nhất quán, phù hợp với thành tích chung của tập thể. Từ năm 2015 trở lại đây, huyện Ngọc Lặc thực hiện đánh giá cán bộ, công chức trước, sau mới đến đánh giá đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý, bảo đảm đánh giá cá nhân đồng bộ, thống nhất, sát, đúng, gắn với tập thể. Căn cứ thành tích, kết quả của tập thể để đánh giá cá nhân người đứng đầu và kết quả đánh giá tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý tương xứng, phù hợp với kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng theo Hướng dẫn số 27 của Ban Tổ chức Trung ương. Lượng hóa các tiêu chí theo thang điểm, tự đánh giá của tập thể, cá nhân thiết thực, chính xác hơn. Qua đó, nhiều trường hợp cá nhân bị hạ mức xếp loại cho phù hợp với thành tích tập thể. Việc đánh giá cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý sát, đúng, đã tạo động lực cũng như gợi mở hướng phấn đấu cho mỗi cá nhân, đồng thời mỗi tập thể, cá nhân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong tự đánh giá, xếp loại. Kết quả đánh giá cán bộ hằng năm là cơ sở thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp, bố trí vị trí công tác. Cuối năm 2017, Huyện ủy Ngọc Lặc xây dựng, công khai kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ; triển khai thực hiện đồng loạt từ đầu năm 2018.

Cũng trong công tác đánh giá cán bộ, TP Thanh Hóa chú trọng cập nhật phản biện của Mặt trận Tổ quốc, đóng góp của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Ðảng; quy định rõ trách nhiệm cá nhân theo dõi, phụ trách từng lĩnh vực; gửi báo cáo kiểm điểm, đánh giá của tập thể Ban Thường vụ về các đảng ủy phường, xã tranh thủ đóng góp ý kiến. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Thanh Hóa Ðàm Văn Thê cho biết: Trước khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, bắt buộc phải lấy ý kiến nơi cư trú, đồng thời căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ, đảng viên ba năm liên tục. Ðáng chú ý, thành phố tổ chức các đoàn công tác làm việc với các xã, phường nhằm nắm bắt tình hình, dư luận nhận xét về cán bộ, đảng viên. Thường xuyên theo dõi, kịp thời điều chỉnh, giải quyết những vấn đề nảy sinh. Hằng năm, TP Thanh Hóa tổ chức diễn đàn lắng nghe đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhất là tiếp thu những ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ. Thành phố mở rộng dân chủ, tiếp thu nhiều kênh nhận xét, lấy hiệu quả công tác làm thước đo, đánh giá cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu.

Ðồng chí Lại Thế Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: Cụ thể hóa Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến, từ năm 2012, tỉnh đã ban hành hai quy chế về đánh giá tập thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý. UBND tỉnh cũng sớm ban hành quy định tiêu chí, chấm điểm đánh giá, xếp loại; ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tỉnh ủy Thanh Hóa còn ban hành quy định về cấp ủy cấp trên dự sinh hoạt với cấp ủy cấp dưới. Theo đó, việc đánh giá cán bộ được thực hiện sâu sát, nền nếp; nội dung đánh giá được xây dựng thành các bảng tiêu chí chấm điểm; quy trình, phương pháp đánh giá được mở rộng dân chủ. Kết quả đánh giá, xếp loại hằng năm đi vào thực chất, khách quan, sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài huyện Như Xuân, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thí điểm ban hành quy định, thực hiện đánh giá cán bộ hằng tháng, qua thực hiện sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng trong toàn tỉnh.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất