Khó khăn lớn nhất trong việc mở lớp sơ cấp LLCT là số lượng học viên có nhu cầu ngày càng ít. Bởi hiện nay, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng nâng cao, đa số đã có bằng đại học, cao đẳng, có trình độ chính trị tương đương chương trình sơ cấp LLCT. Đối tượng phải đi học lớp sơ cấp LLCT tập trung hầu hết vào các đối tượng là công nhân ở các khu công nghiệp hoặc đang tham gia công tác ở địa phương. Tuy nhiên, các công ty thường quản lý công nhân rất chặt chẽ, không dễ để xin nghỉ được dài ngày trong khi thời gian học lớp sơ cấp là 30 ngày. Thực tế, có học viên xin nghỉ đi học được vài ngày thì lãnh đạo công ty lập tức cho thôi việc.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiểu, Phó bí thư đảng bộ xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên: “Qua rà soát, năm 2016, toàn xã có 12 đồng chí trong diện phải đi học, nhưng các chi bộ cho biết nhiều đồng chí xin cho nghỉ học giữa chừng, chỉ có một số đồng chí đang công tác ở trường mầm non, ở xã, thôn mới tham gia học tập được”.
Trong 11 xã, thị trấn của huyện Văn Lâm, tổng số đối tượng phải đi học lớp sơ cấp LLCT trung bình mỗi năm trên 35 người, nhưng do quân số đăng ký thấp nên Trung tâm phải dồn 2 năm mới mở 1 lớp. Ở huyện Văn Giang trong 11 năm (2008-2018) chỉ mở được 4 lớp với vẻn vẹn 98 học viên. Huyện Mỹ Hào, Trung tâm BDCT phải tham mưu với Huyện ủy có công văn chỉ đạo tới đảng ủy các xã, thị trấn quan tâm đôn đốc học viên lớp sơ cấp LLCT này. Trung tâm BDCT Thành phố Hưng Yên trong 3 năm (2015-2017) không mở được lớp sơ cấp. Hiện nay, số đảng viên chưa tham gia học tập lớp sơ cấp LLCT này ở các huyện còn khá nhiều.
Khó khăn thứ hai là việc quản lý duy trì quân số lớp học không đạt được tỷ lệ cao, bởi thời gian học tập trong 1 tháng, có một số đồng chí không thu xếp nghỉ được nên việc tham gia học không đều, nghỉ nhiều. Mặt khác, trong tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn hiện nay phải từ Trung cấp LLCT trở lên, do đó tâm lý không có “động lực” để học trình độ Sơ cấp LLCT nảy sinh. Vì vậy, trong quá trình học tập, bên cạnh việc thông qua quy chế học tập ngay từ buổi học đầu tiên nhưng đồng thời gần như “vừa dạy, vừa dỗ” động viên học viên nêu cao ý thức tham gia học tập với sự cố gắng cao nhất. Vì vậy mà trong các năm tổ chức, quân số học tập lúc đầu cho tới lúc kết thúc khóa học thường bị hao hơn 10 học viên.
Khó khăn thứ ba là tài liệu chương trình Sơ cấp LLCT biên soạn còn dài, một số bài có nội dung trùng, gần giống với lớp bồi dưỡng đảng viên mới, chưa có các học phần cụ thể như Triết học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng.
Đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên nói chung và lớp sơ cấp LLCT nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành thế giới quan, phương pháp luận trong thực tiễn công tác. Do đó, để việc tổ chức lớp học này đạt hiệu quả cao, cần triển khai một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng về vị trí, vai trò lớp đào tạo Sơ cấp LLCT trong tổng thể giáo dục LLCT.
Thực hiện tốt Quy định số 54-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng. Hoàn thành sơ cấp LLCT là cơ sở và là điều kiện để cán bộ, đảng viên tiếp tục học các chương trình chính trị cao hơn.
Hai là, Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn lại chương trình sơ cấp LLCT trong đó, các học phần triết học, kinh tế chính trị, lịch sử Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh cần đầy đủ, khoa học và chinh xác, không trùng lặp với chương trình lớp Đảng viên mới.
Ba là, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện cần đa dạng hơn trong tổ chức các hình thức học tập hợp lý phù hợp với điều kiện làm việc của các đối tượng, như việc học vào ngày nghỉ, học buổi tối…
Cao Văn Khởi
Trung tâm bồi dưỡng chính trị Văn Lâm, Hưng Yên