Thứ Sáu, 22/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 1/4/2019 9:22'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị

Đồng chí Võ Văn Phuông - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho các thí sinh tham gia Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018

Đồng chí Võ Văn Phuông - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho các thí sinh tham gia Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018

BƯỚC CHUYỂN TRONG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU VÀ GDLLCT 

Công tác nghiên cứu và GDLLCT trong thời gian qua có nhiều chuyển biến, tiến bộ, góp phần xứng đáng trong việc thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ công tác tư tưởng, đóng góp vào thành tựu của công cuộc đổi mới, tạo đà cho sự phát triển hơn nữa công tác GDLLCT trong giai đoạn mới. 

Thứ nhất, đã triển khai thực hiện hệ thống chương trình học tập đa dạng, phong phú cho nhiều đối tượng, do Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban, ngành biên soạn như chương trình bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng; chương trình bồi dưỡng đảng viên mới; chương trình bồi dưỡng bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở; chương trình sơ cấp lý luận chính trị (LLCT), các chương trình bồi dưỡng dành cho cán bộ, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội, các chương trình chuyên đề... Năm 2017, theo số liệu các địa phương báo cáo về Ban Tuyên giáo Trung ương, ở cấp huyện đã tổ chức được 12.171 lớp với 1.292.887 lượt học viên tham gia. 

Việc nghiên cứu, học tập các nghị quyết của Đảng ở cấp huyện đã thành nền nếp, có chương trình hành động cụ thể, đạt hiệu quả ngày càng thiết thực hơn. 

Các thí sinh đoạt giải tại Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018

Các thí sinh đoạt giải tại Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018


Thứ hai, công tác nghiên cứu, GDLLCT đã góp phần thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ chính trị cơ bản của địa phương. Nội dung có tính định hướng chính trị trong các chương trình LLCT có tác dụng nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, chống các luận điệu thù địch, tạo cơ sở cho sự thống nhất về tư tưởng trong toàn Đảng. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên ở cơ sở có năng lực tự đánh giá, lý giải các vấn đề phức tạp đang đặt ra trong cuộc sống; góp phần xây dựng tư duy mới cho cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. 

Việc cung cấp cho cán bộ, đảng viên những kiến thức mới phong phú, đa dạng đã góp phần thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm trong sản xuất, kinh doanh từ thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ngành nghề mới đến hình thành và củng cố ý thức coi trọng công nghệ, kỹ thuật canh tác mới, ý thức tìm kiếm thị trường, tuân thủ luật pháp, v.v.. Công tác nghiên cứu, GDLLCT còn góp phần vào kết quả đổi mới, chỉnh đốn tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nâng cao trình độ và phương thức lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. 

Thứ ba, đã có bước chuyển biến tốt trong tổ chức và chỉ đạo công tác nghiên cứu và GDLLCT. Nhìn chung, cấp ủy các cấp đã nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác nghiên cứu, GDLLCT, có chương trình kế hoạch cụ thể thực hiện nhiệm vụ công tác nghiên cứu, GDLLCT của địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng các địa phương đã dành khoản kinh phí khá lớn cho công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức của huyện, gồm nhiều đồng chí trong cấp ủy và lãnh đạo chủ chốt cấp huyện; đã quan tâm đến cả người dạy và người học, nhất là đối với học viên là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số. 

Ban Tuyên giáo và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ nghiên cứu tổng kết thực tiễn và GDLLCT. Bước đầu đã có những đổi mới về phương pháp công tác, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên một bước. 

NHỮNG HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác nghiên cứu và GDLLCT vẫn còn những hạn chế, bất cập, yếu kém đòi hỏi cần có sự nỗ lực khắc phục kịp thời để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả. Cụ thể là: 
Sự chỉ đạo, quan tâm của cấp ủy đối với công tác GDLLCT ở một số địa phương chưa tốt. Một số cấp ủy còn buông lỏng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị; chưa giải quyết được chính sách bồi dưỡng tối thiểu cho người dạy, người học. Nhiều nơi chưa dành được tỷ lệ ngân sách cần thiết cho công tác nghiên cứu, GDLLCT. 

Việc mở lớp, thực hiện các chương trình GDLLCT đã ban hành của Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban, ngành cũng có sự chênh lệch, không đều giữa các địa phương. Một số huyện, quận trong những năm qua mở được rất ít lớp, số lượng cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng rất hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến phong trào, đến sự phát triển của địa phương... 

Chế độ chính sách đối với người dạy, người học còn chưa phù hợp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn lạc hậu, giản đơn, thiếu đổi mới; chưa quán triệt quan điểm đầu tư cho đào tạo cán bộ LLCT là đầu tư cho phát triển. 

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU VÀ GDLLCT 

Nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong giai đoạn cách mạng mới là đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là nhiệm vụ rất to lớn và cũng rất nặng nề. 

Bên cạnh những thời cơ thuận lợi, cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Những xung đột, tôn giáo, dân tộc, giai cấp trên thế giới cùng nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội vẫn đang diễn ra gay go, quyết liệt, phức tạp; cách mạng khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão… Trong khi đó, trình độ nhận thức, trí tuệ, ý thức chính trị của không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế; có những vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được tổng kết hoặc chưa đủ sáng tỏ, cho nên còn những ý kiến khác nhau, cả trên những vấn đề cụ thể cũng như trên một số vấn đề cơ bản. Cùng với đó, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tấn công phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân, xuyên tạc lịch sử, vu cáo Đảng, Nhà nước, tấn công vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. 

Tình hình đó đòi hỏi công tác nghiên cứu, GDLLCT phải được tăng cường và đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Theo đó, cùng với kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp công tác tư tưởng, công tác nghiên cứu và GDLLCT cần tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau: 

Một là, đẩy mạnh hoạt động tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, góp phần tiếp tục làm rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng của cấp huyện, vì là nơi trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quá trình đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trở thành hiện thực sinh động. Quá trình tổ chức thực hiện cũng đồng thời là quá trình nghiên cứu sẽ góp phần bổ sung hoàn chỉnh đường lối, chính sách.

Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, GDLLCT, tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung phương pháp giảng dạy và học tập LLCT, coi trọng chất lượng và hiệu quả. Tổ chức học tập LLCT một cách nghiêm túc, có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khắc phục mọi biểu hiện nhận thức lệch lạc trong cán bộ, đảng viên; nói và làm trái nghị quyết của Đảng; tư tưởng cục bộ, bè phái. 

Ba là, công tác nghiên cứu, GDLLCT phải góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc. Coi trọng giáo dục đạo đức công dân, xây dựng lối sống mới tốt đẹp. Công tác nghiên cứu và GDLLCT ở cấp huyện phải bám sát và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương, tích cực tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước. Tích cực đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; biểu dương tinh thần tự học tập, rèn luyện; đấu tranh loại trừ tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, góp phần chặn đứng sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đẩy lùi các tệ nạn xã hội ở địa phương. 

Bốn là, chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Trong đó, công tác nghiên cứu, GDLLCT ở cấp huyện cần nắm chắc diễn biến tư tưởng từng địa bàn, từng đối tượng, để kịp thời nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nội dung tuyên truyền, giáo dục, phối hợp đấu tranh phê phán, làm thất bại mọi luận điệu phản tuyên truyền và chiến tranh tâm lý của địch./.

PGS. TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA  - Ban Tuyên giáo Trung ương

_____________________________

Bài đăng TCTG số 3/2019

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất