Thứ Ba, 24/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 4/4/2012 16:44'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu khai mạc diễn đàn.

Trong khuôn khổ các hoạt động nâng cao nhận thức và hiểu biết về chủ đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ngày 4/4, tại Hà Nội, diễn đàn “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” đã diễn ra với sự tham dự đông đảo của đại diện các cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN).

Phát biểu khai mạc diễn đàn tại Hà Nội, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định: Hiện Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, đáp ứng tiêu chuẩn liên quan đến khía cạnh thương mại SHTT. Do đó, có thể tự tin hội nhập vào hệ thống SHTT của thế giới, từng bước đưa SHTT thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu với năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Hoạt động SHTT từng bước góp phần phát triển nền KTXH nói chung, tạo của cải vật chất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Thời gian vừa qua, số lượng đăng ký quyền SHTT ngày càng tăng, đặc biệt là đăng ký nhãn hiệu. Điều này cho thấy nhận thức của xã hội nói chung và của DN nói riêng về vai trò của SHTT đã được nâng cao rõ rệt. Từ việc nhận thức cần thực thi quyền SHTT, tôn trọng quyền SHTT của DN khác sẽ tiến đến giảm dần vi phạm trong SHTT. Một số DN chủ động tích cực phối hợp cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền SHTT, làm công tác thực thi pháp luật về SHTT ngày càng có hiệu quả.

Tuy nhiên, để SHTT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp các DN chiếm lĩnh ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế, các DN và các cơ quan liên quan cần liên tục cập nhật thông tin và không ngừng nâng cao nhận thức về SHTT. DN cần chủ động xác lập quyền và bảo vệ, phát triển quyền, tạo ra tài sản có giá trị về SHTT.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi về những khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ quyền SHTT, kiến thức và khung pháp lý về SHTT, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp khắc phục…


Sở hữu trí tuệ chiếm gần 50 – 70% tổng tài sản doanh nghiệp Nhật, Mỹ

Trình bày về tầm quan trọng và cách thức bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bảy, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo, Cục SHTT nhấn mạnh: Bảo hộ quyền SHTT thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đầu tư; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy phát triển xã hội.

Ngày nay, bảo hộ quyền SHTT là một trong 3 cột trụ của đàm phán thương mại quốc tế. SHTT đang trở thành một loại tài sản vô hình, với tỷ lệ ngày càng cao trong tổng tài sản của các doanh nghiệp. Tại Mỹ, tài sản này nâng từ 38% năm 1982 lên 70% vào năm 2000. Còn tại Nhật Bản, tính trên 284 mẫu doanh nghiệp được khảo sát, SHTT chiếm 45,2% tổng tài sản.

Giá trị tài sản trí tuệ của Việt Nam ngày càng tăng cao. Nhãn hiệu P/S có giá trị 5 triệu USD (1996); làm lợi từ áp dụng giải pháp hữu ích “Phối liệu đóng bánh quặng phốt phát” của Công ty Phân lân Văn Điển giá trị hơn 87 tỷ đồng (1990 - 1996); làm lợi từ áp dụng giải pháp hữu ích “Lò cao sản xuất phân lân nung chảy” có giá trị 38 tỷ đồng; giống lúa mới TH3-3 của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm có giá trị 10 tỷ đồng (6/2008)…

Theo báo cáo của Cục SHTT, số vụ xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp trong năm 2010 là 215 vụ, tăng 40,5% so với năm 2009.

Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định: Các vụ xâm hại quyền SHTT, tranh chấp thương hiệu, làm hàng giả, hàng nhái… thường xuyên xảy ra, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là các DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc bảo vệ quyền SHTT.

Các DN vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Họ ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ muốn sử dụng; khó tiếp cận nguồn tín dụng để đầu tư vào công nghệ đó cũng như các công cụ, diễn đàn để trao đổi, chia sẻ công nghệ mới các đối tác; tiềm lực tài chính lại hạn chế.

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Theo ông Trần Quang Hùng, SHTT không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Luật SHTT cũng đã được ban hành nhưng việc thực thi Luật này còn nhiều bất cập. Do đó, trước khi nghiên cứu, phát triển một loại sản phẩm mới hoặc dịch vụ nào đó, các DN cần tra cứu thông tin để tìm hiểu tình hình trên thế giới, tránh lặp lại những nghiên cứu, sáng chế đã có, ngoài ra, khi nghiên cứu chế tạo được các sản phẩm công nghệ cao có giá trị lớn và nhiều khả năng bị làm giả, làm nhái hoặc sử dụng trái phép thì DN cần nhanh chóng thực hiện đăng ký quyền tác giả.

Ông Hùng đã đưa ra ví dụ về lợi ích của việc đăng ký quyền SHTT của ngành điện tử như: Máy thu trực canh cho tàu thuyền đánh cá do công ty Điện tử Hải Phòng nghiên cứu thiết kế và sản xuất đã được cấp bằng Độc quyền sáng chế vào tháng 10 năm 2010, đã được lắp đặt cho 7.000 tàu thuyền đánh cá trong năm 2010 và sẽ được lắp đặt cho 30.000 tàu thuyền trong năm 2012 và 2013.

Chia sẻ về cách thức bảo vệ thương hiệu, đại diện công ty May 10 cho biết, công ty đã thực hiện một quy trình khép kín từ chủ động tìm thị trường, phát triển thị trường đến đăng ký SHTT đối với sản phẩm, nhãn hiệu. Các giải pháp ứng dụng là đăng ký nhãn hiệu, công nghệ chống hàng giả và các biện pháp truyền thống (nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra hàng rào công nghệ và kỹ thuật, chú trọng vào công tác thiết kế, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm). Công ty thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng, đại lý nhằm phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong hệ thống tiêu thụ; thường xuyên theo dõi, lắng nghe thông tin phản hồi từ phía người tiêu dùng… Đến nay, May 10 đã có hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Năm 2008, May 10 đã đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu tại 3 thị trường chính là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Theo đại diện Cục SHTT, có 2 cách nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ…: Giao dịch trực tiếp với Cục SHTT (kể cả qua bưu điện) và thông qua dịch vụ đại diện. Việc đăng ký ở nước ngoài được thực hiện theo các bước: Cần xác định thị trường mục tiêu, tìm hiểu thủ tục, đăng ký theo Thỏa ước/Nghị định thư Madrid, nộp đơn đăng ký trực tiếp tại mỗi quốc gia, sử dụng dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài.

Khi câu chuyện để “mất” thương hiệu đang đặt ra những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở chuyện của từng DN hay với riêng một sản phẩm, việc bảo vệ quyền SHTT càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi DN, đăng ký SHTT cũng tôn vinh hoạt động sáng tạo và các thành quả mà các nhà sáng tạo đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… đến cuộc sống thường nhật. Cần tăng cường hiểu biết về vai trò của việc bảo vệ quyền SHTT đối với việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới, khuyến khích tôn trọng quyền SHTT của người khác và bảo vệ quyền SHTT của mình.

Là hoạt động nằm trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, diễn đàn “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 6/4 tới.

Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất