Các chính sách dân số thiết thực
Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách dân số đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngày 26 tháng 12 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, ban hành, với mục đích: “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo”. Do hoàn cảnh chiến tranh, công tác này chưa được đẩy mạnh.
Ngay sau khi hòa bình lập lại trên cả nước, Đại hội Đảng lần thứ IV, năm 1976, đã nhấn mạnh chủ trương “Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hàng năm”. Từ đó, vấn đề dân số được đề cập ở văn kiện của tất cả các kỷ Đại hội Đảng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ban Chấp hành Trung ương đã có 2 Nghị quyết chuyên đề về công tác dân số.
Thứ nhất, Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII) về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, ngày 14/01/1993. Sau khi đánh giá tình hình dân số đất nước và nêu hệ quan điểm đối với công tác dân số, Nghị quyết số 04-NQ/HNTW đã đề ra mục tiêu cụ thể, trọng tâm là: “Mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, để tới năm 2015 bình quân trong toàn xã hội mỗi gia đinh (mỗi cặp vợ chồng) có 2 con”. Nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/HNTW, hệ thống giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ đã được thực hiện, nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp; cụ thể hóa Nghị quyết 04-NQ/HNTW thành các văn bản pháp quy, chiến lược, chương trình, dự án, chỉ tiêu kế hoach phát triển kinh tế, xã hội hằng năm; đầu tư kinh phí tăng mạnh, từ 27 tỷ năm 1992 lên 410 tỷ đồng năm 2000 (tăng gấp 15,2 lần) và 710 tỷ vào năm 2009, (gấp 26,3 lần ); kiện toàn Uỷ ban dân số và kế hoạch hoá gia đình các cấp từ trung ương đến cơ sở; công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền được đẩy mạnh; dịch vụ kế hoạch hoá gia đình phát triển theo hướng đa dạng hóa phương tiện tránh thai, đa dạng hóa kênh cung cấp và đa dạng hóa chế độ cung cấp (miễn phí, bán rẻ, bán theo giá thị trường) nhằm đáp ứng đầy đủ, thuận tiện, kịp thời nhu cầu của người sử dụng. Kết quả là, mục tiêu do Nghị quyết 04-NQ/HNTW đề ra được thực hiện sớm 10 năm, tức là vào năm 2005, tạo bước ngoặt lớn cho tình hình dân số của đất nước. Mô hình “gia đình 2 con” trở nên phổ biến; “bùng nổ dân số” đươc khống chế; “cơ cấu dân số vàng” hình thành; chất lượng dân số đươc nâng lên, góp phần to lớn vào quá trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao, chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2016 mới đạt 0,682, xếp thứ 118 trong tổng số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có quá trình già hóa nhanh nhất thế giới. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức nghiêm trọng. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.
Thứ hai, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của ngày 25 tháng 10 năm 2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành ngày 25/10/2017. Nghị quyết tiếp tục khẳng định: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân” và chỉ rõ phương hướng cho công tác dân số của nước ta là: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.” Nghị quyết đề ra mục tiêu: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững” và nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030.
Có thể nói Nghị quyết 21 đã giải quyết đúng và trúng những vấn đề dân số nổi bật của Việt Nam, tao ra bước ngoặt lớn trong chính sách về lĩnh vực này kể từ năm 1961 đến nay. Có thể khẳng định, trong thời gian qua, nhằm khống chế tốc độ gia tăng dân số, các chính sách dân số của nước ta với các quan điểm và hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là giảm mức sinh, giảm tỷ lệ gia tăng dân số, giảm sức ép của dân số đến quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 và duy trì đến nay.
Hiện nay, Việt Nam chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, công tác dân số ở Việt Nam không còn bó hẹp trong khuôn khổ kế hoach hóa gia đình. Nội dung công tác dân số nhiều hơn, rộng lớn hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây và thể hiện đúng chủ trương của Đảng, chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, kết quả thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW trong thời gian qua chưa cao.
Cụ thể là:
Một là, mức sinh có xu hướng giảm sâu, chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị tăng lên, giữa các vùng giảm chậm. Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam vẫn duy trì được mức sinh thay thế (bình quân khoảng 2,1 con /phụ nữ) nhưng có xu hướng tiếp tục giảm; năm 2023, lần đầu tiên, mức sinh cả nước giảm xuống dưới mức thay thế, chỉ còn 1,96 con/phụ nữ, (trong khi đó, mục tiêu là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế). Nếu mức sinh giảm sâu sẽ dẫn đến tình trang phát triển không bền vững về dân số, xã hội như nhiều nước phát triển hiên nay (dân số suy giảm, già hóa trầm trọng, thiếu lao động,…). Mặt khác, năm 2017, mức sinh của khu vực nông thôn, (2,19 con/phụ nữ) cao hơn khu vực đô thị (1,77 con/phụ nữ) là 0,42 con/phụ nữ; năm 2022, mức chênh lệch này không giảm mà còn tăng lên 0,52 con/phu nữ, (Nông thôn: 2,24 con/phụ nữ; thành thị: 1,72 con/phụ nữ). Chênh lệch mức sinh giữa Đông Nam Bộ và Trung du và miền núi phía Bắc cũng chỉ giảm được 10%. (Mục tiêu: giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng).
Hai là, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh giảm rất chậm và vẫn ở mức nghiêm trọng. Năm 2017, tương ứng với 100 bé gái được sinh ra, trung bình có tới 112,1 bé trai. Năm 2022, tỷ số này vẫn ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái, nghĩa là chỉ giảm 0,5, vẫn ở mức nghiêm trọng và cao hơn nhiều mục tiêu đưa tỷ số này xuống dưới 109 bé trai/100 bé gái.
Ba là, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn thấp. Năm 2022, tỷ lệ này mới đạt 30%, rất xa so với muc tiêu 90% vào năm 2030.
Bốn là, tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 2 bệnh, năm 2018 mới đạt 35,5% và năm 2022 cũng mới chỉ tăng lên 45%! (Mục tiêu: 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất)
Năm là, chỉ số phát triển con người (Human Development Index- HDI) của nước ta không ngừng tăng lên, năm 2022 đã đạt 0,726 thuộc nhóm quốc gia có HDI cao. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, thứ hạng HDI của nước ta còn thấp, năm 2022 vẫn xếp thứ 107 trong số 193 nước so sánh và xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á (Sau Sin-ga-po, Brunei, Ma-lay-sia, Thái Lan). Mục tiêu chỉ số này nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á, tức là cần phải vượt qua Thái Lan, hiện đã thuộc nhóm quốc gia có HDI rất cao và xếp thứ 66 trên thế giới.
Số liệu phản ảnh kết quả thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW nói trên cho thấy, tiến độ thực hiện mục tiêu chậm, kết quả thấp, còn rất xa nhiều mục tiêu. Vì vậy, việc đạt được các mục tiêu do Nghị quyết đề ra cho năm 2030 là thách thức rất lớn.
Cục Dân số vừa chính thức phát động cuộc thi sáng tác Logo nhằm chọn 1 Logo ngành dân số phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thể hiện nét đặc trưng, tính khái quát cao về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và đối với phát triển bền vững của đất nước.
Nâng cao truyền thông trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới
Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW trong thực tiễn, một trong những yêu cầu đề ra là nâng cao công tác tuyên truyền về công tác dân số. Cần tuyên truyền rộng rãi, đặc biệt là đến cấp ủy và chính quyền các cấp về kết quả thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW, nhất là nguyên nhân và giải pháp khắc phục những yếu kém, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.
Trong đó, nội dung truyền thông trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, tuyên truyền, vận động để thể hiện rõ quan điểm của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.
Thứ hai, tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể; vận động các tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ và các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới là phải toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.
Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông về những vấn đề dân số tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước: Chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già là thách thức lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội; tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; chất lượng dân số, nhất là tại vùng khó khăn còn hạn chế và một số nội dung quan trọng khác sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.
Song song với đó, cần chọn 01 (một) Logo ngành dân số phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thể hiện nét đặc trưng, tính khái quát cao về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và đối với phát triển bền vững của đất nước.
Trước đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 03 Logo trong các giai đoạn hình thành Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác Logo ngành Dân số mới thay thế cho Logo về Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Trên cơ sở đó, sáng tác Logo ngành dân số để tuyên truyền vận động và truyền thông giáo dục nhằm “thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Logo ngành dân số thể hiện tính biểu tượng của ngành dân số, phản ánh tính đặc trưng của công tác dân số. Mỗi giai đoạn sẽ có một Logo khác nhau phản ánh nội dung hoạt động và mục tiêu của giai đoạn đó. Trước đây công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình mục tiêu chủ yếu là giảm sinh, nhưng hiện nay nội dung yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới là “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.
Thu Hằng