Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 1/10/2013 22:32'(GMT+7)

Nâng cao vai trò của gia đình, dòng họ và cộng đồng trong công tác khuyến học

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì Họp báo. (Ảnh: Duy Hưng)

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì Họp báo. (Ảnh: Duy Hưng)

Đây là những thông tin được Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong đưa ra tại buổi Họp báo sáng 1/10, giới thiệu về Đại hội Thi đua và Biểu dương phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng học hiếu học, cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III, sẽ diễn ra vào ngày 9/10 tới đây. 

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, từ Đại hội Thi đua Khuyến học lần thứ I (năm 2000)  đến nay, phong trào khuyến học trong toàn xã hội đã phát triển mạnh mẽ. Hội hiện có hơn 10,6 triệu hội viên ở khắp các địa phương, vùng miền trên cả nước. Hoạt động khuyến học, khuyến tài trong những năm qua đã phát huy mạnh mẽ được truyền thống hiếu học của dân tộc, trở thành một phong trào sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Tính đến nay, cả nước đã có trên 5,5 triệu gia đình hiếu học, điều đó có nghĩa là chúng ta đã có trên 5,5 học sinh, sinh viên học hành chăm chỉ, tư cách đạo đức tốt.  Chỉ xét về cuộc vận động xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng thấy rõ vai trò - nhân tố quan trọng của "gia đình hiếu học" tác động vào thành công của cuộc vận động này.

Nét mới của Đại hội lần thứ III, sắp diễn ra tới đây, so với Đại hội toàn quốc Biểu dương các gia đình hiếu học tiêu biểu năm 2004 (chỉ tôn vinh danh hiệu gia đình hiếu học) là sẽ tôn vinh cả 3 danh hiệu: Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học. Sự tăng lên về số lượng các danh hiệu và số đơn vị đăng ký đạt các danh hiệu cho thấy quy mô của phong trào thi đua khuyến học đã tăng lên rất nhanh, đồng thời phong trào đã bắt rễ và bám chặt vào cộng đồng cơ sở. 

Ông Phạm Tất Dong nhấn mạnh: Yêu cầu đối với Gia đình hiếu học và Dòng họ hiếu học là mỗi gia đình phải có ít nhất 1 hội viên khuyến học, mỗi dòng tộc phải có 1 chi hội (hoặc 1 ban) khuyến học. Yêu cầu này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng số lượng hội viên Hội Khuyến học lên tới gần 11 triệu người, chiếm trên 12% dân số trong cả nước. Như vậy, gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học là yếu tố hết sức cần thiết đối với công tác tổ chức và công tác hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam.    

Nhấn mạnh về vai trò của người lớn trong việc thúc đẩy công tác khuyến học, đại diện Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Hội rất cần những giải pháp và cơ chế để vận động người lớn tham gia học tập suốt đời, bởi người lớn tham gia học tập suốt đời khong chỉ nhằm nâng cao trình độ, kiến thức phục vụ cho công tác và cuộc sống hàng ngày, mà còn là tấm gương cho con em noi theo. Chính vì thế gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học vừa là điều kiện, vừa có trách nhiệm để bảo đảm cho người lớn trong gia đình, dòng họ, cộng đồng tham gia học tập, thông qua một hoặc nhiều hình thức học tại các thiết chế giáo dục không chính quy. Điều này sẽ tạo ra mối quan hệ tương hỗ, đồng thời là cơ hội để ai cũng được học và thúc đẩy việc học tập của người khác. 

Trong những năm gần đây, số người lớn tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục không chính quy đạt khoảng khoảng 12 triệu lượt người/năm. Trong số đó, hầu hết đều chịu sự tác động của phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học.  

Cũng theo ông Phạm Tất Dong, mô hình xã hội học tập trong giai đoạn trước mắt cần phải đạt 3 yêu cầu sau đây: 

Thứ nhất, mọi người dân đều phải học tập tự nguyện, tự giác, học tập suốt đời để trở thành công dân tốt, thông thạo một nghề, biết một số nghề, năng suất lao động cao, từ đó cải thiện đời sống cá nhân và gia đình, góp phần phát triển xã hội một cách bền vững.  

Thứ hai, các cơ quan, đoàn thể, lực lượng an ninh quốc phòng, lực lượng kinh tế, khoa học, các gia đình và cộng đồng dân cư phải chung tay xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để ai cũng được tiếp cận giáo dục, tạo cơ hội để ai cũng được bảo đảm công bằng xã hội về giáo dục và học tập suốt đời.  

Thứ ba, hệ thống giáo dục chính quy và không chính quy được dựng theo hướng liên kết, gắn bó, hỗ trợ nhau, giúp cho mọi lứa tuổi, mọi lao động với các chuyên môn khác nhau, mọi dân tộc chung sống trong quốc gia Việt Nam, mọi đối tượng chính sách, mọi người dân thuộc nhóm yếu thế... đều được học tập, không ai phải đứng ngoài giáo dục và đào tạo./. 
 
Duy Hưng     


 




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất