Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 23/6/2009 22:17'(GMT+7)

Lưu giữ và bảo tồn thơ ca dân gian các dân tộc ít người ở Hà Giang

Thiếu nữ dân tộc Mông  tỉnh Hà Giang - Ảnh minh hoạ

Thiếu nữ dân tộc Mông tỉnh Hà Giang - Ảnh minh hoạ


Mảng văn hoá dân gian bao gồm tất cả những gì thuộc truyền thống folklore, có gốc gác từ lâu đời được luân chuyển, lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là phong tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng, kĩ thuật - mĩ thuật trang trí nhà cửa, dệt, trang phục, nhạc cụ, truyện kể dân gian, ca dao dân ca tục ngữ, hò vè... Qua đấy, có thể hình dung khá đầy đủ sự phát triển của thế giới quan, nhân sinh quan, cũng như những biểu hiện văn hoá truyền thống các dân tộc từ những biểu hiện vật chất phương tiện đến những biểu hiện về tinh thần, tâm linh. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin đi sâu về vấn đề lưu giữ, bảo tồn thơ ca dân gian các dân tộc ở Hà Giang

Thơ ca dân gian các dân tộc là một kho tàng bách khoa toàn thư về tâm tư, ước mơ, khát vọng của mỗi dân tộc, được hình thành trong chính môi trường và cuộc sống lao của mỗi dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Thơ ca dân gian tồn tại dưới dạng các làn điệu dân ca, ca dao, tục ngữ phong phú cả về nội dung lẫn hình thức và đề cập đến tất cả mọi mặt của đời sống.

Thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau các di sản văn hoá truyền thống nói chung và thơ ca dân gian nói riêng chưa được kiểm kê đánh giá đúng mức. Bản sắc văn hoá ở một số vùng đang có nguy cơ bị mai một. Việc lưu giữ các làn điệu dân ca cũng là một vấn đề nan giải. Quá trình sáng tác, lưu truyền của dân ca song hành với đời sống đồng bào. Đã có thời kỳ dân ca trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Bởi nó là phương tiện hữu hiệu nhất giúp bộc lộ tư tưởng tình cảm. Cuộc sống hiện đại ngày nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống truyền thống của người dân. Hình thức sinh hoạt như hát dân ca trong ngày lễ tết, ma chay, cưới xin không còn duy trì được nữa, nếu không nói là mất đi.

Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho việc giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng dân tộc, song nó cũng khiến cho việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá các dân tộc gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn thấp. Những tập tục mê tín dị đoan cùng với sự xuyên tạc dụ dỗ lôi kéo của các thế lực thù địch đã tác động rất xấu đến đời sống của đồng bào. Trong khi đó, thế hệ trẻ tiếp thu cái mới chưa đầy đủ. Còn cái cũ của dân tộc hầu như không biết: Nội dung thơ ca không biết làn điệu thể hiện không thuộc, nghệ thuật cấu trúc vần luật không nắm. Kho tàng thơ ca dân gian các dân tộc dần bị mai một. Nét sinh hoạt văn hoá độc đáo như tổ chức hát đối đáp trong ngày lễ tết, ngày hội chưa được quan tâm đúng mức. Những người thuộc nhiều bài dân ca vẫn chỉ là các thế hệ lớn tuổi.

Từ tình hình trên thấy rằng việc tìm ra những giải pháp lưu giữ bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc nói chung và thơ ca dân gian các dân tộc nói riêng là vấn đề đáng quan tâm. Chính vì vậy,tôi mạnh dạn đề xuất mấy biện pháp nhằm lưu giữ bảo tồn kho tàng thơ ca dân gian các dân tộc như sau:

1. Phải có kế hoạch kiểm kê đầy đủ và đánh giá đúng mức đối với các di sản vă hoá truyền thống nói chung và thơ ca dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng; tiến hành nghiên cứu sưu tầm ghi hình, ghi âm lại các làn điệu dân ca. Tại Hà Giang, năm 2008, Hội Văn học Nghệ thuật đã phát hành đĩa các làn điệu dân ca Tày do chính các nghệ nhân thể hiện, dự kiến năm 2009 tiếp tục triển khai làm đĩa Dân ca Mông.

2. Chỉ đạo, động viên các đội văn nghệ quần chúng xã, phường, thôn bản lấy nội dung sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, phát triển làm nội dung phương hướng hoạt động. Địa bàn phường nào làm tốt phải có chế độ biểu dương khen thưởng kịp thời, xứng đáng. Đặc biệt cần chú trọng đến việc có chế độ chính chính sách thoả đáng dành cho những nghệ nhân trình diễn cũng như như dành cho những nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hoá dân gian các dân tộc.

3. Trong các buổi phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc cũng phải đề ra nhiệm vụ sưu tầm ghi chép và lồng ghép các bài dân ca, dân vũ của từng dân tộc để truyền phát phục vụ bà con.

4. Nhân các ngày tết, lễ hội, cưới xin, tang ma... khơi dậy lại các sinh hoạt văn nghệ - Phải có người chủ trì đề xuất thì mới khơi dậy phong trào quần chúng tham gia hưởng ứng.

5. Các ngành chức năng cần có kế hoạch và biện pháp điều tra tổng thể kho tàng văn hoá các dân tộc, sưu tầm các giá trị văn hoá truyền thống, lưu giữ và làm đẹp thêm các hình mẫu văn hoá về kiến trúc nhà cửa, trang phục, ăn uống, các làn điệu dân ca nhạc cụ... cần đầu tư khuyến khích việc nghiên cứu, giới thiệu văn hoá dân gian các dân tộc ít người trong tỉnh để thấy hết cái hay cái đẹp trong tâm hồn đồng bào, đồng thời giúp lưu giữ được cái gốc văn hoá của dân tộc.

Những bài dân ca chính là nguồn sữa trong lành nuôi dưỡng tâm hồn con người, nuôi dưỡng nền văn học nghệ thuật các dân tộc. Vì vây,“Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc, các giá trị văn học nghệ thuật, ng”n ngữ chữ viết và thuần phong mỹ tục của các dân tộc...” là phương hướng đúng đắn, đồng thời là nhiệm vụ của văn hoá văn nghệ nước ta hiện nay. Với kho tàng khá đồ sộ, đề tài phong phú, lại được thử thách qua bao thăng trầm của lịch sử, thơ ca dân gian các dân tộc xứng đáng được bảo tồn và gìn giữ, nhưng phải biết gạn đục khơi trong để di sản đó ngày một sáng tươi hơn./.

(Theo: Hùng Đình Quý/Báo Hà Giang) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất