Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 24/6/2009 7:25'(GMT+7)

Những điểm sáng văn hóa

Giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ.

Giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ.

Có dịp về Sóc Trăng mới thấy cách làm trên đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.Cách trung tâm thành phố hơn 10 km, Chùa Bốn mặt là một địa chỉ tham quan nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước khi đến Sóc Trăng. Ngôi chùa còn có tên gọi là Long Hưng này được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Tương truyền, trong lúc khai phá đất đai để trồng trọt, người dân Khmer đã phát hiện một tượng phật đá bốn mặt trên phần đất cao nhất trong vùng. Họ cho đó là điềm lành nên đã xây dựng lên một ngôi chùa bằng lá đơn sơ thờ phật bốn mặt. Trải qua thời gian, trên nền ngôi chùa đơn sơ ngày nào đã dần mọc lên những kiến trúc to đẹp của ngôi chùa Bốn mặt hôm nay. Cùng khuôn viên của chùa Bốn mặt còn có một ngôi chùa độc đáo khác, được xem là chùa Một cột ở Sóc Trăng, với kết cấu bằng bê-tông cốt thép mô phỏng theo kiến trúc của ngôi chùa Một cột ở Hà Nội. Cụm di tích chùa Bốn mặt và chùa Một cột là điểm tu hành của các phật tử, tụ điểm sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo người dân trong vùng.

Ðến thăm chùa vào một buổi chiều nhạt nắng, thấy trong khuôn viên thoáng rộng, rợp bóng những hàng cây cổ thụ, bên những bóng áo vàng thấp thoáng còn có một tốp thiếu nhi đang say mê đá bóng. Hòa thượng Thạch Bon, trụ trì chùa Bốn mặt vui vẻ nói: "Nếu chị đến sớm thì còn thấy đông hơn, bọn trẻ đến học chữ Khmer, hết buổi học nên về rồi". Thấy Hòa thượng cởi mở, tôi tò mò hỏi: "Nhà chùa vốn là chốn tĩnh lặng, thầy không sợ cho bọn trẻ vào đùa nghịch sẽ làm ảnh hưởng đến chốn linh thiêng?". Hòa thượng Thạch Bon lắc đầu: "Nhà chùa là nơi để cho mọi người dân có thể tìm đến, có thêm tiếng trẻ, nhà chùa càng vui, mà bọn trẻ đến đây cũng không dám phá phách gì đâu, chúng ngoan lắm. Chùa Bốn mặt cũng là nơi khách du lịch thường xuyên thăm viếng, nhưng những người tu hành vẫn tạo được không gian riêng cho việc học tập kinh kệ, nên không hề bị ảnh hưởng".

Giữa những kiến trúc mái cong đặc sắc vốn là hình ảnh quen thuộc của mọi ngôi chùa Khmer, tôi chợt nhìn thấy một ngôi nhà hai tầng quay mặt vào khoảnh sân chung có tầng mái hơi khác biệt, thấp thoáng tấm biển đề hàng chữ: Tụ điểm văn hóa chùa Bốn mặt. Nhìn theo ánh mắt tôi, Hòa thượng Thạch Bon giải thích: Chùa Bốn mặt được Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Sóc Trăng chọn là Tụ điểm văn hóa chùa Khmer. Khu nhà đó là nơi đặt các trang thiết bị âm thanh, phòng đọc sách do Sở hỗ trợ cho nhà chùa để tổ chức sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng dân cư trong vùng. Còn khu nhà cuối góc sân kia - nhìn theo cánh tay chỉ của Hòa thượng, tôi thấy một khối nhà to, rộng, với kiến trúc mang nét đặc trưng Khmer - là nơi trưng bày những sản phẩm nghề thủ công truyền thống của người dân trong vùng, và là nơi lưu giữ những giải thưởng của đội đua ghe ngo và đội văn nghệ quần chúng chùa Bốn mặt, với nhiều bằng chứng nhận và cúp phần thưởng đoạt giải nhất, nhì trong các cuộc đua ghe ngo truyền thống và liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh.

Theo chân Hòa thượng Thạch Bon tham quan một vòng quanh ngôi chùa cổ, có thể đọc thấy niềm vui như luôn tỏa rạng từ đôi mắt hiền từ của ông. Chính từ tấm lòng, sự tận tâm của Hòa thượng, chùa Bốn mặt đã trở thành một điểm hội tụ của người dân trong khu vực, cả người Khmer và người các dân tộc khác. Khi chùa được chọn là tụ điểm văn hóa của người dân trong vùng, Hòa thượng cùng các phật tử càng nhiệt tâm đóng góp công sức để người dân có được nhiều hoạt động văn hóa bổ ích, làm phong phú thêm đời sống. Nhiều cuộc xô xát, tranh chấp đã được đưa đến nhà chùa, và sau khi nghe lời khuyên của nhà chùa, mọi người đã vui vẻ hòa giải với nhau, niềm vui xóm làng cũng nhờ thế mà nảy nở. Những buổi sinh hoạt cộng đồng cũng giúp cho người dân biết đến nhiều kinh nghiệm làm ăn hiệu quả, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, cùng giúp nhau cải thiện kinh tế gia đình và xây dựng cộng đồng. Hòa thượng Thạch Bon cười hiền: "Người Khmer vốn hiền lành, nhẹ nhàng, yêu thích tiếng cười. Ðể người dân tìm đến nhà chùa, cùng chăm lo cuộc sống là điều đáng mừng. Vì thế, chúng tôi luôn hết lòng".

Cùng với chùa Bốn mặt, nhiều điểm chùa Khmer khác như chùa Kanđal (xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu), khi được chọn làm tụ điểm văn hóa, đại đức trụ trì tại đây đã vận động người dân đóng góp đến 600 triệu đồng để xây dựng phòng sinh hoạt văn hóa và sân khấu ngoài trời ngay trong khuôn viên chùa. Hay như chùa Cao Vên, sư trụ trì tại đây đã tự nguyện đứng ra vay ngân hàng để người dân có vốn làm ăn...

Theo nhạc sĩ Sơn Lương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, người Khmer có thói quen sinh sống quanh các ngôi chùa, cộng đồng nào cũng có một điểm chùa, nên đặt tụ điểm văn hóa trong chùa là hướng rất hiệu quả trong việc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên, điểm chùa vốn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và là điểm bảo tồn văn hóa phi vật thể, nên việc lồng ghép thêm nội dung này được tiến hành hoàn toàn tự nguyện, với tiêu chí không để ảnh hưởng đến các sinh hoạt tinh thần của người dân. Hiện trong tổng số 94 điểm chùa Khmer toàn tỉnh, có 65 điểm chùa được công nhận là tụ điểm văn hóa. Những điểm chùa này thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, trang thiết bị hoạt động văn hóa từ phía Sở. Thư viện tỉnh lên kế hoạch hằng năm luân chuyển sách xuống 65 điểm chùa này, Ðoàn nghệ thuật ca múa nhạc dù kê của tỉnh cũng thường xuyên có chương trình lưu diễn tại các điểm chùa đã được công nhận.

Tụ điểm văn hóa chùa Khmer không chỉ mở hướng cho bài toán khó giải về địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Việc huy động sự đóng góp, tham gia của các điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh đã tạo mối gắn kết bền chặt, hiệu quả hơn giữa cộng đồng dân cư, xây dựng tiếng nói đồng thuận giữa đạo và đời vì mục đích phát triển chung của cộng đồng. Bên những hàng thốt nốt cao ngút tầm mắt, tỏa bóng mát và tô điểm thêm nét trữ tình cho những mái cong chùa cổ, những người dân Khmer cùng bà con các dân tộc anh em vẫn ngày ngày chung tay góp sức vì một cộng đồng phum sóc an lành, phát triển./.

(Theo: Luân Vũ/Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất