Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 12/2/2016 21:38'(GMT+7)

Nền công nghiệp và thị trường văn hóa


Những điểm sáng hiếm hoi

Bộ phim do Nhà nước đặt hàng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ vừa đoạt giải Bông Sen Vàng, sau khi thu về 78 tỷ đồng từ các phòng chiếu trong nước. Chương trình À Ố Show, một thể loại xiếc kiêm vũ đạo và nghệ thuật tạo hình ảnh làm mưa làm gió tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh và được đặt hàng công diễn dài hạn ở châu Âu… Đó chỉ là vài minh chứng nhỏ nhưng mang đến niềm tin, công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể tạo ra giá trị thực thụ.

Còn nhớ, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa do UNESCO khởi xướng năm 2005.

Tuy nhiên, trong thực tế, số người Việt biết đến công ước này lại rất ít, và đương nhiên, các hành động triển khai lại càng rất hiếm. Vì sao lại như vậy?

Hầu hết chúng ta coi văn hóa đơn thuần mang giá trị tinh thần, vô hình, hơn là tạo ra của cải vật chất thật sự cho nền kinh tế. Giá trị thương mại của sản phẩm văn hóa chưa được đề cao, thậm chí ít được quan tâm đúng mức. Rõ ràng, chúng ta chưa có thiết chế xây dựng thị trường văn hóa, chưa hình thành được cho người dân thói quen và văn minh trả tiền để được hưởng thụ giá trị văn hóa cao cấp. Đầu tư cho văn hóa chưa trở thành một chiến lược quốc gia, nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy sớm phê chuẩn Công ước UNESCO 2005, trong đó “nhấn mạnh nhu cầu lồng ghép văn hóa như một yếu tố có tính chiến lược vào các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế”, nhưng chúng ta lại chưa có một chính sách cụ thể nào nhằm khuyến khích đầu tư xã hội vào văn hóa, với mục đích sử dụng văn hóa như đòn bẩy kinh tế. Các doanh nghiệp, nếu có tài trợ cho các hoạt động văn hóa, thì chỉ với mục đích là quảng bá thương hiệu của họ, chứ không phải với ý thức đầu tư gây ảnh hưởng lên thị trường bằng văn hóa. Không ít lần chúng ta bàn đến một thứ quỹ bảo trợ văn hóa, tương tự như ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhưng doanh nghiệp thì chưa nhận ra lợi ích rõ rệt, cộng thêm tâm lý e ngại sự quản lý thiếu minh bạch và hiệu quả của nhà nước, nên chỉ bàn suông.

Điều không kém phần quan trọng nữa, sự e dè, nghi kỵ đối với tư tưởng sáng tạo mới trong văn hóa vẫn tồn tại. Điều ấy khiến cho những tìm tòi, thể nghiệm mới khó lòng được chắp cánh.

Nhưng, lý do quan trọng nhất lại là ý thức tôn trọng và bảo vệ tác quyền của Việt Nam còn kém.

Tư duy đột phá

Nhìn dài hạn, Đảng, Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra những quyết sách phát triển công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa. Nhưng để thực thi, chúng ta phải xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên nội lực thực sự của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển của thị trường, chứ không phải dựa trên năng lực quản lý của cơ quan nhà nước. Đây là tư duy đột phá.

Vấn đề thứ hai là, phải xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên quan điểm lồng ghép với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế, gắn liền với chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Trong xu thế truyền thông hiện đại, phát huy giá trị văn hóa là con đường hiệu quả nhất để xây dựng thương hiệu, trong khi Việt Nam có một nền văn hóa giàu bản sắc và có nhiều đặc điểm khác biệt so với phần còn lại của thế giới.

Vấn đề thứ ba là, xây dựng một chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào văn hóa, coi đó là chiến lược quốc gia để tạo dựng bàn đạp cho các ngành kinh tế khác, v.v. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, điều tiết bằng cơ chế chính sách, cung cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực, còn doanh nghiệp sẽ đầu tư theo cơ chế thị trường.

Cuối cùng, vẫn là bài toán muôn thuở - xây dựng cơ chế bảo vệ quyền tác giả chủ động. Nghĩa là, thay vì hệ thống pháp luật buộc người bị vi phạm bản quyền chứng minh quyền sở hữu, thì phải bắt buộc người bị tố cáo vi phạm chứng minh không vi phạm.

Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phải bằng các hành động cụ thể, chứ không chỉ là vận động ý thức đơn thuần.

Trong xu thế truyền thông hiện đại, phát huy giá trị văn hóa là con đường hiệu quả nhất để xây dựng thương hiệu. Thế mạnh của Việt Nam chính là một nền văn hóa giàu bản sắc, có nhiều đặc điểm khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Và đó là nguồn tài nguyên vô giá.

Lê Quốc Vinh/Nhân Dân số Tết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất