Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi được hơn nửa chặng đường trong năm 2018 với những biến động mạnh.
Câu chuyện thị trường giảm điểm, cùng với các câu chuyện về chỉ số giá
tiêu dùng (CPI) tăng, Nhà nước kiềm chế lạm phát, nước ngoài rút ròng
khiến nhiều nhà đầu tư có cảm giác thị trường chứng khoán Việt Nam khá
giống với giai đoạn cách đây đúng 10 năm (quý I năm 2008) khi bước vào
một chu kỳ sụt giảm do lo ngại bất ổn vĩ mô, chứ không còn là điều chỉnh
giá thuần túy.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thị trường mặc dù đang ở trong những
giai đoạn khó khăn nhất, nhưng nền kinh tế Việt Nam hiện đã đủ mạnh để
giúp thị trường đứng vững và phục hồi trước những tác động ngoại cảnh.
Biến động mạnh
Sau khi đạt đỉnh trong quý I, với mức tăng trưởng 19,3% lên mức đỉnh
1204,33 (kết phiên giao dịch ngày 9/4) để đứng đầu trong các thị trường
chứng khoán trên toàn cầu thì kết quả trong quý II, chỉ số VN-Index đã
giảm mạnh hơn một số thị trường mới nổi và đứng thứ 2 trong khu vực châu
Á sau Phillippines, trong các thị trường chứng khoán ở trạng thái "giảm
mạnh nhất" kể từ đỉnh.
Với mức giảm 20,22% chỉ số VN-Index còn xếp trên cả Trung Quốc (20%) và
Indonesia (13,31%). Chưa dừng lại, thị trường vẫn tiếp tục giảm mạnh
trong những phiên giao dịch tháng 7, tính đến ngày 11/7, kể từ mức đỉnh
VN-Index đã giảm tới hơn 25,83% để xuống mốc 983,16 điểm.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian vừa qua, thị trường chứng
khoán Việt Nam có nhiều biến động do chịu sự tác động từ thị trường
chứng khoán thế giới và châu Á, nhưng 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước
ngoài vẫn mua ròng hơn 40.539 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho
rằng, cần lưu ý trong thời gian này có nhiều giao dịch mua thỏa thuận
lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế, trong 6 tháng năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lên đến
35.600 tỷ đồng trên sàn HOSE, gấp đôi so với giá trị mua ròng của 6
tháng cuối năm 2017, nhưng việc mua ròng này có được chủ yếu là do sự
tích cực của khối ngoại trong tháng 1 và tháng 2/2018 và nhờ vào các
giao dịch thỏa thuận.
Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay khối ngoại đã bỏ vốn vào các đợt bán cổ
phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp nhà nước cuối 2017
và đầu 2018 như: Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power..., cũng như tập
trung vào các cổ phiếu mới lên sàn (Vinhomes, Techcombank, Vincom
Retail…).
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ
phần Chứng khoán Dầu khí chia sẻ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã rơi
vào giai đoạn điều chỉnh lớn từ tháng 4 đến nay.
Việc VN-Index giảm từ vùng 1200 điểm về dưới 900 điểm là điều mà chúng
ta không dự báo được, nhất là trong tình hình những đánh giá về tác động
vĩ mô, từ diễn biến giao dịch của khối ngoại hoặc những cú sốc bất ngờ
trên thị trường chưa đủ cơ sở tin cậy.
Nỗi lo còn đó
Theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS, nỗi lo về
cuộc chiến thương mại ngày càng có dấu hiệu leo thang và lan tỏa không
chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn sang cả các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.
Bên cạnh đó là hệ quả dòng vốn có động thái rút khỏi các thị trường mới
nổi do việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn dự
kiến là những nhân tố tác động đến sự biến động của thị trường chứng
khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán châu Á nói riêng trong quý II
vừa qua.
Nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần MBS cho biết, theo nhận định của các
chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), kim ngạch thương mại hằng
năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP.
Điều này khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore.
Vì vậy, nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác
thương mại lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể dẫn tới
những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.
Người đứng đầu ngành chứng khoán, ông Trần Văn Dũng nêu quan điểm, không
thể chủ quan với diễn biến kinh tế, tiền tệ, thương mại như hiện nay.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và căng thẳng thương
mại leo thang là hai yếu tố rất quan trọng cần được bám sát và có nhiều
giải pháp để chủ động nắm bắt, cũng như ứng xử trong mọi trường hợp có
thể xảy ra.
“Tác động từ quy luật 'lãi suất tăng, chứng khoán giảm' tới xu hướng rút
về của dòng vốn ngoại trên toàn cầu là khó tránh khỏi và Việt Nam ít
hay nhiều cũng không nằm ngoài xu thế chung đó”, ông Dũng nhận định.
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu
khí Lê Đức Khánh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có một số động thái như
thắt chặt cho vay những lĩnh vực như bất động sản.
Tỷ giá trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đang ở mức khá cao, CPI
tháng 6 của Việt Nam tăng 0,61%, cao nhất trong vòng 7 năm và điều này
đồng nghĩa là lạm phát bắt đầu ở mức hơi khó kiểm soát nên Ngân hàng Nhà
nước phải bắt đầu có những chính sách kiểm soát chuyện này.
Đây rõ ràng không phải là điều chúng ta mong đợi nhưng cũng không phải là điều quá bất ngờ.
Việc ứng phó và điều chỉnh chính sách từ phía Ngân hàng Nhà nước là cần
thiết, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng tiêu tực từ biến động kinh thế
thế giới như hiện nay.
Đồng USD đang mạnh trong khi dự trữ ngoại hối Việt Nam đã vượt mốc 63 tỷ
USD cũng là điều khá lo ngại. Bên cạnh đó, áp lực từ lạm phát gia tăng
là rào cản cho tăng trưởng kinh tế. Điều này đồng nghĩa thị trường chứng
khoán sẽ gặp khó khăn.
Hồi phục trong 6 tháng cuối năm?
Mặc dù thị trường còn phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng giới phân
tích cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã đủ mạnh để giúp thị trường đứng
vững trước những tác động của ngoại cảnh và sẽ hồi phục trong 6 tháng
cuối năm.
“Tôi cho rằng nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán đang ở trong
những giai đoạn khó khăn nhất và nền kinh tế đủ mạnh để đứng vững trước
những tác động ngoại cảnh”, ông Khánh nhận định.
Theo ông Khánh, việc định hướng của Chính phủ về phát triển nội lực, khu
vực kinh tế tư nhân là hoàn toàn hợp lý và tăng trưởng kinh tế sẽ thu
hút sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường
chứng khoán sẽ quay lại hồi phục giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Theo chuyên gia chứng khoán này: “Sẽ là quá sớm để có thể đưa ra các dự
báo về "khủng hoảng" chu kỳ 10 năm lại quay lại bởi tình hình kinh tế đã
khác, hệ thống ngân hàng đã mạnh mẽ hơn với tiến trình tái cơ cấu thời
gian qua, nợ xấu cũng có xu hướng giảm, thị trường bất động sản chưa rơi
vào tình trạng bong bóng”.
"Thị trường chứng khoán đang rơi vào giai đoạn điều chỉnh lớn nhưng
không phải là 'quá rủi ro' khi mà giá trị cổ phiếu tích lũy trên thị
trường vẫn tốt, quy mô vốn hóa thị trường vẫn ở mức cao, mặt bằng giá cổ
phiếu đã giảm về mức hấp dẫn và VN-Index có lẽ chỉ giảm sâu nhất về
vùng 800-850 điểm rồi sẽ quay lại xu hướng đi lên. Dù sao đi nữa tôi vẫn
đang lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam", ông Khánh tin tưởng.
Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Nam, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư, Công ty
cổ phần Chứng khoán Tân Việt, 6 tháng cuối năm thị trường chứng khoán sẽ
ổn định hơn so với đầu năm, và đâu đó, chỉ số Vnindex vẫn sẽ có mức
tăng dương so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, chỉ số khó có thể quay lại
được mức 1200 điểm ngay trong năm nay.
“Thị trường rõ ràng không bao giờ chỉ có một hướng là tăng điểm. Tôi
nhận thấy thị trường chỉ đang tìm lại điểm cân bằng sau một quá trình kỳ
vọng hơi cao và mặt bằng của điểm cân bằng này vẫn sẽ tốt hơn mức điểm
của các năm 2013-2016, như vậy tổng thể thị trường vẫn hoạt động tương
đối tốt”, ông Nam nói.
Dưới góc nhìn của người đứng đầu ngành chứng khoán, ông Trần Văn Dũng
cho rằng, Việt Nam vẫn đang có nhiều cơ hội và tiềm năng để thu hút vốn
ngoại, vấn đề là làm thế nào để phát huy được lợi thế so sánh đó.
Ông Dũng chỉ ra những lợi thế của Việt Nam như tốc độ tăng trưởng GDP
của Việt Nam được dự báo đạt tối thiểu 6,5% trong giai đoạn 2018-2020;
những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, hỗ
trợ kinh tế tư nhân, quyết tâm thực hiện các đợt thoái vốn nhà nước, IPO
doanh nghiệp nhà nước và niêm yết các doanh nghiệp lớn, chất lượng.
Qua đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều hấp dẫn giúp thu
hút mạnh dòng các dòng vốn tham gia, đặc biệt là dòng vốn ngoại.
"Nếu nhìn trên bình diện khách quan, Việt Nam đang có lợi thế so sánh
tốt hơn nhiều nước trong khu vực và các thị trường chứng khoán thế giới.
Dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đã, đang
gia tăng và gần đây nhất, dòng vốn từ Thái, Malaysia cũng đang đến Việt
Nam", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết./.
Văn Giáp (TTXVN)