Một năm Việt Nam chúng ta có nhiều ngày mang tính sự kiện: từ Ngày nhà giáo, Ngày thầy thuốc, Ngày doanh nhân, Ngày phụ nữ..., cho đến Ngày thể thao, Ngày toàn dân hiến máu nhân đạo, v.v, mỗi một ngày dành để tôn vinh, khuyến khích, cổ vũ những người hoặc ngành nghề cụ thể. Riêng “Ngày thơ Việt Nam” chắc chắn không phải của riêng các nhà thơ, còn như bảo để tôn vinh thơ nói chung (hiện nay chủ yếu đang áp dụng theo nghĩa này) thì dường như lại quá rộng. Bởi vì nó bao gồm người làm thơ, tác phẩm thơ, người xuất bản và cả công chúng yêu thơ. Vậy mà 15 năm nay, Ngày thơ mặc nhiên được giao cho các nhà thơ, cụ thể là Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì tổ chức.
Nhìn tổng thể mà nói thì Hội Nhà văn đã làm khá tốt công việc này. Ngày thơ Việt Nam tổ chức định kỳ vào Rằm tháng Giêng đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn được chờ đợi như một “lễ hội mới” mà công chúng hào hứng đón nhận. Thế mạnh của các nhà thơ chuyên nghiệp khi tham gia tổ chức Ngày thơ rất nhiều, ở đây không cần nhắc lại. Thế nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh thế mạnh, các nhà thơ cũng bộc lộ nhiều điểm hạn chế.
Trước hết, là người sáng tác, lại là sáng tác thơ nên đa phần họ không giỏi công tác tổ chức những sự kiện mang tính lễ hội. Biểu hiện rõ nhất là sự lúng túng, chưa thống nhất giữa “lễ” và “hội” đâu là chính, đâu là phụ. Nặng về lễ thì bị cho là đơn điệu, kém hấp dẫn (sân thơ truyền thống năm nào cũng ngần ấy tiết mục, quanh đi quẩn lại vẫn từng ấy gương mặt lên đọc thơ), thiếu sự phong phú, sôi động. Còn nếu lấy hội làm trọng lại bị chê là loãng (thí dụ thơ ít, múa hát nhiều) hoặc “bình dân hóa thi ca” (ám chỉ thơ câu lạc bộ, thơ phong trào).
Hạn chế thứ hai là năng lực triển khai từng việc cụ thể của các nhà thơ chưa tốt, thậm chí những sáng kiến lẽ ra rất hay nhưng diễn biến sau đó lại không được dư luận ủng hộ. Đơn cử, “Con đường thi nhân” của Ngày thơ năm nay là một ý tưởng xuất sắc, vậy mà đến khi thực hiện lại thiếu đi sự cẩn trọng và chuyên nghiệp cần thiết. Ngoài những nhầm lẫn đáng tiếc về hình ảnh, văn bản thơ của các thi nhân thì việc “treo” lơ lửng các nhà thơ trên các khung sắt cũng gây sự phản cảm với cộng đồng.
Hạn chế thứ ba là thiếu sáng tạo trong xây dựng chương trình cho từng năm. Công chúng đến với Ngày thơ cơ bản không thay đổi (ngoại trừ số lượng người tăng lên), vì vậy mỗi năm họ chờ đợi được xem những tiết mục, chương trình hay “chiêu trò” mới. Thế mà hầu như năm nào chương trình cũng mở đầu bằng lễ rước thơ, phần chính là đọc thơ xen kẽ với múa hát, kết thúc là thả thơ.
Một hạn chế nữa là khả năng huy động trí tuệ cũng như nguồn lực xã hội hóa tham gia vào Ngày thơ chưa được khai thác đầy đủ. Thí dụ, việc thiết kế “Con đường thi nhân” nếu giao cho một họa sĩ hoặc chuyên gia về kiến trúc cảnh quan phụ trách thì chắc chắn tránh được sự tùy tiện, phản cảm, thậm chí sẽ đẹp và hấp dẫn hơn nhiều.
Có thể có ý kiến băn khoăn hoặc phản bác rằng, bày ra thêm nhiều việc thế, lấy tiền đâu? Xin thưa, chúng ta có thể bổ sung từ nguồn xã hội hóa. Với một sự kiện văn hóa có ý nghĩa cộng đồng cao như Ngày thơ Việt Nam, chúng tôi không nghĩ rằng các nhà tài trợ lại thờ ơ, không ủng hộ. Nếu họ chưa mặn mà đáp ứng thì có lẽ vì chúng ta chưa biết cách hoặc làm chưa hay, chưa đủ độ hấp dẫn để họ đồng hành cùng chúng ta mà thôi.
Từ những phân tích trên, người viết bài này cho rằng, chúng ta cần duy trì và tổ chức tốt hơn Ngày thơ Việt Nam như một mỹ tục trong đời sống văn hóa xã hội vốn đang có nhiều dấu hiệu xuống cấp như hiện nay. Sau dấu mốc 15 năm, đã đến lúc cách tổ chức Ngày thơ phải thay đổi hoặc có những điều chỉnh phù hợp. Nhà văn Văn Giá từng đề xuất nên học tập các cụ ngày xưa chia Ngày thơ thành hội chính và hội lệ. Hội chính thì ba đến 5 năm mới tổ chức một lần, làm thật hay, thật hoành tráng; còn hội lệ tổ chức hằng năm nhưng quy mô nhỏ hơn, giữ lấy phần tinh thần là chính. Nếu dềnh dang năm nào cũng tổ chức hội chính thì vừa tốn kém, lại dễ dẫn đến sự nhàm chán. Ý kiến khác đề nghị, Ngày thơ nên giao cho một công ty tổ chức sự kiện có năng lực lo khâu bếp núc, hậu cần; các nhà thơ chỉ tập trung thực hiện tốt phần nội dung, không can dự vào công tác tổ chức cụ thể. Thậm chí có ý kiến cho rằng, cần bổ sung một cơ quan quản lý nhà nước là đồng tổ chức với Hội Nhà văn Việt Nam. Cơ quan này chịu trách nhiệm toàn bộ khâu tổ chức sự kiện, còn các nhà thơ là những thành viên chủ chốt tham gia, phối hợp... Hằng năm, trên thế giới có rất nhiều festival thơ. Tại sao chúng ta không cử người dự, tham khảo những cách tổ chức hay, phù hợp? Việc mời các nhà thơ quốc tế cùng tham dự Ngày thơ Việt Nam như trong dịp Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất (năm 2012) cũng là điểm nhấn thú vị, hấp dẫn với công chúng, cần được tiếp tục phát huy.
Để hướng tới việc “làm mới” Ngày thơ Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng, nên chăng Hội Nhà văn tổ chức các cuộc trưng cầu ý kiến trên báo Văn nghệ, website của Hội và trên mạng xã hội để lắng nghe những ý kiến tâm huyết, tranh thủ trí tuệ của cộng đồng, từ đó có những thay đổi và điều chỉnh phù hợp.