Lợi dụng dân chủ, lấy cớ phản đối dự án Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Ðồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang được Quốc hội thảo luận, tại một số tỉnh, thành phố, một số kẻ đã đứng ra kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo nhiều người ra đường biểu tình, tụ tập, gây rối. Tại một số địa phương ở tỉnh Bình Thuận, những hành vi quá khích đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (TTATXH), làm tổn hại tài sản của Nhà nước và người dân...
Người dân phẫn nộ, lên án
Trong các ngày 10 và 11-6, nhiều người, chủ yếu là thanh, thiếu niên, phụ nữ nhẹ dạ, cả tin ở thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong) và TP Phan Thiết (Bình Thuận) bị một số đối tượng xấu, cơ hội lôi kéo tụ tập, có hành vi quá khích, manh động, gây rối an ninh trật tự, cản trở giao thông, tiến công các lực lượng chức năng; đập phá trụ sở chính quyền, một số cơ quan nhà nước cùng nhiều phương tiện của các lực lượng làm nhiệm vụ. Theo thống kê sơ bộ, các đối tượng gây rối, quá khích đã đốt cháy 16 ô-tô các loại (phần lớn là xe công vụ); nhiều ô-tô bị đập phá, hư hỏng nặng; hơn 10 mô-tô của lực lượng chức năng và cán bộ, công chức làm nhiệm vụ bị đốt cháy. Trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận và một số cơ quan nhà nước tại đây bị ném gạch, đá, chai xăng gây thiệt hại đáng kể; cổng, tường rào bị giật sập, phá hỏng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ tại hai khu vực nêu trên bị thương. Giao thông trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Phan Rí Cửa bị tê liệt trong thời gian dài và nhiều lần.
Rất nhiều người dân ở địa phương tỏ ra hết sức bức xúc và phẫn nộ trước hành vi của nhóm người này. Ông Nguyễn Văn Ðô (84 tuổi ở thị trấn Phan Rí Cửa) bức xúc: "Sinh ra và lớn lên tại đây, từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ tôi thấy có trường hợp nào quá khích, đập phá, chặn xe như thế này. Họ làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của phần đông người dân. Tôi bị bệnh nặng, hôm ấy phải vào TP Hồ Chí Minh chữa bệnh, nhưng xe bị chặn lại không cho đi". Bà Nguyễn Thị Xuân Phương, ngụ thị trấn Phan Rí Cửa cũng cho rằng, không thể hiểu được tại sao lại có một số người đi chặn xe, cản trở giao thông, rồi lại đập phá ô-tô. Những người này đã phá hoại cuộc sống của mọi người cũng như của chính gia đình họ.
Còn ông Trần Văn Tân, chủ cơ sở thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, ngày 10-6, ông điều một xe công-ten-nơ chở hơn 17 tấn thanh long ra miền bắc. Khoảng 22 giờ, đến khu vực xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình thì bị chặn lại, kẹt cứng hơn 12 giờ trên quốc lộ 1A không thể xoay xở được, gây thiệt hại gần 200 triệu đồng do thanh long bị giảm chất lượng, giá chỉ còn một nửa. "Tôi cực lực phản đối hành vi chặn xe, cản trở giao thông của nhóm người này", ông Tân bày tỏ.
Chứng kiến hành vi đập phá trụ sở UBND tỉnh, các cơ quan nhà nước, bà Vũ Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Bình Thuận nói: Ðây là những hành động sai trái, vi phạm pháp luật đáng lên án. Người dân có gì bức xúc thì kiến nghị với Ðảng, Nhà nước chứ không nên gây rối, đập phá để rồi bị xử lý theo pháp luật. Hội chúng tôi đã yêu cầu tất cả các hội viên không để bị kẻ xấu lợi dụng, hoặc tham gia vào các nhóm quá khích đi gây rối. Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Duy Hà, ngụ khu phố 1, phường Bình Hưng, TP Phan Thiết cho rằng: Bày tỏ quan điểm phải trên tinh thần xây dựng mới là người yêu nước. Còn lợi dụng để gây rối là hành vi vi phạm pháp luật. "Hành động như vậy là quá khích, càn quấy, đã mắc mưu những phần tử chống đối, kích động bạo loạn nhằm chống phá, gây mất ổn định chính trị đối với đất nước". Ông nói.
Có mặt theo dõi, nắm bắt tình hình tại TP Phan Thiết trong hai đêm 10 và 11-6, chúng tôi chứng kiến có khá đông người dân hiếu kỳ tập trung tại khu vực trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận để xem những kẻ gây rối. Nhiều cặp vợ chồng trẻ chở theo con nhỏ dừng xe đứng xem. Chính sự "vô tư" của những người này là bình phong thuận lợi cho những kẻ quá khích để chúng trà trộn, quậy phá.
Những kẻ cầm đầu, luôn tìm cách giấu mặt, chắc chắn sẽ bị lôi ra ánh sáng và nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, nhiều thanh, thiếu niên bị những kẻ cầm đầu dụ dỗ, kích động, mua chuộc do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ đã hùa theo tâm lý đám đông, tham gia vào các hành vi gây rối, đập phá, vi phạm pháp luật. Trường hợp của T.L.T.N. sinh năm 2003, học sinh lớp 9 ở TP Phan Thiết là một minh chứng. Em này khai, trên đường đi học thêm về ngang qua khu vực trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận thì có hai thanh niên nam, nữ đi xe SH gọi tới, đưa tiền rồi kêu gọi tham gia vào đám đông phá phách và em đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, trong hai ngày 10 và 11-6, các lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 200 đối tượng quá khích, gây rối an ninh trật tự ở TP Phan Thiết. Qua sàng lọc, phân loại, xử lý bước đầu, cơ quan công an đã thả 95 đối tượng sau khi đã viết cam kết không tái phạm; yêu cầu các gia đình lên nhận bảo lãnh, ký cam kết hứa không để con em mình tham gia vào các vụ việc tương tự. Theo thông tin từ Công an Bình Thuận, lực lượng chức năng đã bắt giữ một số đối tượng trực tiếp kích động, xúi giục gây rối tại khu vực trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, trong đó đáng chú ý là hai đối tượng: Mai Xuân Hùng (sinh năm 1986, ngụ khu phố 2, phường Ðức Thắng, TP Phan Thiết) và Nguyễn Văn Ðức (sinh năm 1991, quê quán huyện đảo Phú Quý, hiện thường trú tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Công an cũng đã bắt một đối tượng trực tiếp phát tiền tại điểm gây rối, tạm giữ hơn 13 triệu đồng...
Ðồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định: Hành vi gây ách tắc giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Phan Rí Cửa và việc người dân tụ tập trước cổng trụ sở UBND tỉnh gây rối, đập phá cổng, tường rào, đốt xe là vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Lực lượng chức năng đang khẩn trương làm rõ, xử lý các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị, lợi dụng dân chủ để chống phá các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Tỉnh đang đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục nhân dân, đồng thời có biện pháp cô lập, khống chế, xử lý kịp thời các đối tượng cầm đầu, quá khích, các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Khẩn trương thu thập chứng cứ, phục vụ công tác điều tra, xử lý... Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; không nghe theo xúi giục của các phần tử xấu, không tham gia tuần hành, không có hành vi quá khích vi phạm pháp luật...
Chủ động xử lý các vụ tụ tập đông người
Liên quan hành vi kích động biểu tình trái pháp luật, vào ngày 7-6, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ đối tượng Trần Minh Huệ, sinh năm 1981, quê Thanh Hóa, thường trú tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) và đối tượng Nguyễn Ðình Thành, sinh năm 1991, tạm trú tại thị xã Thuận An (Bình Dương) để điều tra, xử lý về hành vi "Làm, phát tán tài liệu kêu gọi biểu tình" và kích động biểu tình trái phép, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cho biết, trong những ngày qua, một số phần tử xấu đã sử dụng mạng xã hội để kích động công nhân tham gia biểu tình. Tổ chức công đoàn đã dùng nhiều biện pháp để tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu rõ chủ trương của Ðảng và Nhà nước; đồng thời kêu gọi người lao động phải thật sự bình tĩnh, cảnh giác, không nghe theo, không làm theo, không tham gia biểu tình trái pháp luật. "Quan tâm đến vận mệnh đất nước vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của mỗi công dân. Ðối với người lao động, việc yên tâm sản xuất, cùng nhau bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, bảo vệ việc làm và đời sống của mình; tuyệt đối không nghe theo những lời kêu gọi kích động của những phần tử xấu..., là cách thể hiện lòng yêu nước của mình một cách thiết thực nhất" - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Trương Thị Bích Hạnh nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Phương, ngụ khu phố 2, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa (Ðồng Nai) và nhiều người dân địa phương kiến nghị các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các đối tượng kích động, cầm đầu gây ra các vụ gây rối. Anh nói: Cần phải tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, không nghe theo sự lôi kéo của kẻ xấu. Rất nhiều người, khi thông tin chính thống chưa đến được với họ nên khi bị kích động đã bức xúc, tạo hiệu ứng đám đông.
Ngày 12-6, Bộ Công an cho biết, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành các công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc dự án Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, kích động tụ tập, tuần hành gây mất an ninh trật tự. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền, huy động sức mạnh hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là tiếp xúc, vận động số chức sắc, chức việc trong tôn giáo, chủ doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật, không tổ chức, tham gia các họat động biểu tình, tuần hành. Nắm chắc diễn biến của các đối tượng đang được quản lý, giám sát, ngăn chặn số đối tượng thường xuyên tham gia tụ tập biểu tình, đăng tải các bài viết và kết nối với số đối tượng chống đối trên mạng xã hội, không để số này lôi kéo, kích động biểu tình. Tổ chức nắm chắc tình hình từ cơ sở, triển khai có hiệu quả các phương án, tổ chức lực lượng vận động, tuyên truyền, thuyết phục, cô lập, chia cắt giải tán đám đông. Vì vậy, cơ bản lực lượng Công an đã làm chủ tình hình, nhanh chóng ổn định an ninh trật tự tại các địa bàn xảy ra biểu tình, tuần hành gây rối. Bên cạnh đó đã nhận diện số cầm đầu kêu gọi, kích động, quá khích, có hành vi manh động, chống người thi hành công vụ để đưa ra khỏi khu vực tụ tập biểu tình, tạm giữ, phân loại nhiều đối tượng.
Ðối với tình hình phức tạp ở Bình Thuận, Bộ trưởng Công an và các đồng chí lãnh đạo Bộ đã trực tiếp làm việc với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và chỉ đạo lực lượng Công an, tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp đối sách, huy động lực lượng để giải quyết ổn định tình hình.
NHÓM PV và CTV
Nguồn: Nhân Dân