Lâu nay,
chúng ta nghe quen thuộc cụm từ "tân quan tân chính sách". Hiểu một cách
đơn giản nhất, trong mỗi nhiệm kỳ của bất kỳ một vị lãnh đạo nào cũng
đều muốn ghi dấu ấn của mình, với những chính sách mới. Thực tế, việc
đổi mới trong chính sách là cần thiết, là sự chuyển động tích cực bởi đó
chính là sự vận động, phát triển, là sự thay đổi trong tư duy và hành
động. Có điều, chính sách mới ấy phải khoa học, hợp lý, phù hợp đòi hỏi
của thực tiễn, vì lợi ích của đơn vị, tập thể chứ nhất quyết không chỉ
là ý chí cá nhân, toan tính vụ lợi, mưu cầu không chính đáng cho một
nhóm nhỏ. Do đó, nhìn ở khía cạnh tích cực thì cách tư duy, điều hành
của lãnh đạo cho một nhiệm kỳ mới sẽ mang lại sự tươi mới trong sự vận
hành của đơn vị, thể hiện thông qua việc ban hành chính sách mới tác
động trực tiếp đến đơn vị, tập thể, thậm chí từng cá nhân.
Thông
thường, chính sách mới bao giờ cũng mang đến sự hứng khởi, tạo bầu
không khí háo hức, động lực tích cực trong quá trình tiếp nhận, quán
triệt, triển khai và thực hiện từng nhiệm vụ, công việc cụ thể cũng như
cả quá trình công tác. Chính sách mới giúp đẩy lùi sức ỳ, sự trì trệ,
khiến mỗi người trong tập thể đều có sự chuyển động về tư duy và hành
động, tránh những lối mòn quen thuộc, sự đơn điệu, nhàm chán, thiếu động
lực trong công việc. Do đó, sự tươi mới, hiệu quả chính sách mới được
ban hành trong nhiệm kỳ mới, nhất là của người đứng đầu là rất đáng
khích lệ, trân trọng. Song bên cạnh đó, những mặt trái của tư duy nhiệm kỳ cần phải được nhận diện, ngăn chặn và loại bỏ.
Những
mặt tiêu cực của "tư duy nhiệm kỳ", điển hình là tư duy ngắn hạn, thiếu
tầm nhìn chiến lược, dài hơi; là "thời vụ" vun vén, vơ vét lợi ích cá
nhân, nhóm nhỏ mà bỏ qua lợi ích của tập thể, số đông; là những sự thay
đổi chính sách liên quan con người, công việc chung của tập thể; thậm
chí đi ngược lại, hủy hoại, phá bỏ các thành tích của người tiền nhiệm
chỉ vì lý do cá nhân... Những khoảng tối, mặt tiêu cực của tư duy nhiệm
kỳ thể hiện khá đa dạng và ngày càng tinh vi hơn. Nổi cộm hơn cả là liên
quan công tác nhân sự và việc hoạch định chiến lược, đường hướng phát
triển của đơn vị.
Liên quan công tác nhân sự, biểu hiện thường
thấy là sự sắp xếp lại công tác cán bộ, điều chuyển vị trí công tác của
những cán bộ tại cơ quan mới, nhiệm kỳ mới, "đem theo" những cán bộ
thuộc ê-kíp của mình ở cơ quan cũ để dễ tạo vây cánh, lợi ích nhóm khi
ban hành chủ trương, chính sách, triển khai công việc cụ thể. Việc điều
chuyển, bố trí cán bộ luôn có mặt tích cực, nhưng sẽ là không tốt, thậm
chí gây hậu quả nghiêm trọng nếu như không dựa vào năng lực, sở trường,
trình độ chuyên môn mà chỉ dựa vào ý thích, mối quan hệ, sự "biết
điều"... Có không ít trường hợp lãnh đạo đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ,
thực hiện "chuyến tàu vét" trong giai đoạn "hoàng hôn nhiệm kỳ" gây
nhiều hệ lụy cho đơn vị.
Liên
quan việc hoạch định chiến lược, đường hướng phát triển của đơn vị,
biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ là việc đặt lợi ích cá nhân, nhóm nhỏ lên
hàng đầu, bất chấp lợi ích của tập thể bị ảnh hưởng ra sao, tác động đến
giai đoạn trung hạn, dài hạn như thế nào. Đáng lưu tâm là những người
thuộc diện "chuyến tàu vét", vì lợi ích cá nhân, lạm dụng quyền lực thì
tư duy nhiệm kỳ sẽ hết sức nguy hại đến tập thể, bởi mọi chính sách, kế
hoạch, chương trình hành động, các giải pháp đưa ra đều xem nhẹ lợi ích
tập thể, không vì người lao động, mà chỉ chăm chăm thu vén, tư lợi cá
nhân, làm xáo trộn bầu không khí làm việc tại đơn vị, gây những sự nghi
kỵ, bất hòa, bất mãn, tác động tiêu cực đến quá trình hoạt động của đơn
vị... Khi ấy, những tiếng nói phản biện, những sự góp ý ngay thẳng
thường khó được cất lên, hoặc khó được lãnh đạo lắng nghe, chấp nhận,
điều chỉnh cho phù hợp, vì tập thể.
Những biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ không chỉ làm trì trệ, đứt gãy mối quan hệ giữa các thành viên trong
đơn vị, mà còn triệt tiêu, làm thui chột sự sáng tạo, đổi mới, cũng như
sự phản biện, góp ý tích cực, vì tập thể, vì cái chung. Đó chính là
"mảnh đất màu mỡ" để những tiêu cực, tệ nạn, vi phạm pháp luật nảy sinh
gây mất đoàn kết nội bộ, kìm hãm, thậm chí kéo lùi sự phát triển. Đó
cũng chính là môi trường khiến nảy sinh tình trạng hối lộ, chạy chức,
chạy quyền, xu nịnh, kéo bè kéo cánh... Khi đã thao túng quyền lực trong
nhiệm kỳ của mình, một số lãnh đạo có biểu hiện thiếu rèn luyện, tu
dưỡng, không công tâm trong công việc, dễ sa vào những cạm bẫy để rồi
phải trả giá.
Dù pháp luật được
thực thi song hậu quả từ những việc làm sai trái của cấp lãnh đạo gây
ra đối với đơn vị, tập thể thật khó để khắc phục. Sự phát triển của đơn
vị phải mất thời gian dài mới có thể trở lại trạng thái cân bằng, ổn
định… Như vậy, họ không chỉ đánh mất mình, mà còn làm tổn hại đến danh
dự, uy tín của Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Đồng thời cũng
cần nhấn mạnh rằng, lãnh đạo tư duy nhiệm kỳ thì đã rõ, đã nói nhiều, và
cần liên tục, để nhằm nhận diện, ngăn chặn, triệt tiêu. Tuy nhiên hiện
không ít nhân viên mắc căn bệnh tư duy nhiệm kỳ, chăm chăm toan tính lợi
ích cá nhân, gây phương hại đến công tác cán bộ, đến chất lượng, hiệu
quả công việc, ảnh hưởng đến sự phát triển của đơn vị, tập thể cũng cần
phải được ngăn chặn.
Mặt trái của tư duy nhiệm kỳ đã được nhận
diện, đòi hỏi cần phòng chống, quyết liệt, đấu tranh loại bỏ. Những năm
qua nhiệm vụ này được tiến hành thường xuyên, liên tục và ngày càng bài
bản, quyết liệt hơn. Ngày 25/10/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW, về 19
điều đảng viên không được làm, thay cho Quy định số 47-QĐ/TW (ban hành
năm 2011). Tại Điều 3 quy định những điều đảng viên không được làm, đó
là: "chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi
chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu
tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng".
Thực
tế, dù có thể nhận diện các biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ, có nhiều
trường hợp cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, vướng vòng lao lý vì tư duy nhiệm
kỳ, nhưng việc định lượng rõ ràng, cụ thể không phải khi nào, trường
hợp nào cũng dễ dàng. Với những người mang tư duy nhiệm kỳ cốt chỉ để an
toàn, giữ ghế thì làm trì trệ đơn vị, thiếu đổi mới, sáng tạo. Nhưng
với những người tư duy nhiệm kỳ vì lợi ích cá nhân, nhóm nhỏ thì hậu quả
gây ra là hết sức khó lường, và sự ngụy trang cũng hết sức tinh vi.
Xin
lấy một thí dụ từ phiên họp sáng 11/5/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội cho ý kiến báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong
năm 2022. Báo cáo của Chính phủ cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã
đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, kiên quyết
xử lý nghiêm những sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên
chức. Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã rà soát xử lý gần 100.000 trường
hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng hơn 1.200 trường hợp. Trong
số đó có những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm "thần tốc" gây bức xúc dư
luận.
Từ thực tiễn cho thấy việc Đảng ta quy định rõ việc cấm tư
duy nhiệm kỳ trong quy định về 19 điều đảng viên không được làm và
thường xuyên nhắc nhở, kiểm điểm là hết sức đúng đắn, cần thiết, nhất là
trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang
được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có những thành công đáng ghi
nhận. Để duy trì được kết quả này, mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ
chức vụ lãnh đạo, cần đề cao tinh thần trách nhiệm của mình, trong việc
nêu cao đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp để căn bệnh tư duy nhiệm
kỳ không còn đất sống, không thể gây phương hại đến tập thể, xã hội,
cũng như đất nước.
Ở cấp độ vĩ mô, cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo,
quản lý các cấp song song với việc tạo lập cơ chế, chế tài đồng bộ, đủ
mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm khi phát hiện những trường hợp thể
hiện tư duy nhiệm kỳ gây tổn hại cả về vật chất lẫn tinh thần tới đơn
vị, xã hội, cũng như đất nước. Đồng thời cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung,
hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước để ngăn chặn, phòng ngừa
những biểu hiện, hậu quả của tư duy nhiệm kỳ trong công tác cán bộ ở tất
cả các cấp, ngành, lĩnh vực./.
TS. NGUYỄN TRI THỨC (nhandan.vn)