Thứ Hai, 23/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 11/8/2012 20:28'(GMT+7)

Ngăn chặn dịch cúm gia cầm

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Các chuyên gia cảnh báo, những tháng tới, nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng là rất lớn do diễn biến thời tiết phức tạp cùng với sự biến đổi của chủng vi-rút cúm A (H5N1) còn tồn tại trong môi trường. Trong khi đó, tại các tỉnh phía bắc, hiệu lực vắc-xin cúm gia cầm đã giảm đáng kể (chỉ còn khoảng 60% mức độ bảo hộ), nhiều đàn gia cầm lại chưa được tiêm phòng vắc-xin đúng quy định. Tình trạng gia cầm nhập lậu vẫn còn tiếp diễn.

Trong lúc dịch lợn tai xanh chưa được dập tắt hoàn toàn thì cúm gia cầm xuất hiện trở lại đang là vấn đề rất lo ngại cho ngành chăn nuôi cũng như sức khỏe cộng đồng bởi độc lực cao của vi-rút cúm A (H5N1). Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi khi xuất hiện các đợt dịch gia súc, gia cầm bùng phát, các địa phương thường bị động, lúng túng trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống. Nhiều nơi buông lỏng việc kiểm soát,  kiểm dịch, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm, cũng như chưa coi trọng công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để kịp thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống... khiến dịch dây dưa, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho hộ chăn nuôi và ngân sách Nhà nước. Ðó là chưa kể một số nơi còn giấu dịch, chậm chễ trong việc thông tin, báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia để phối hợp tổng lực thực hiện các biện pháp dập dịch.

Ðể ngăn chặn cúm gia cầm một cách hiệu quả, các địa phương cần tăng tính chủ động, tập trung mọi lực lượng, phương tiện quyết liệt bao vây, dập tắt dịch. Nhất là, tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm, lập chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch; thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch đến cấp thôn, ấp tại các địa bàn có nguy cơ cao. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân hiểu đúng về diễn biến dịch, tự nguyện hợp tác với các cơ quan chức năng chống dịch. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong thực thi các chính sách hỗ trợ người dân mở rộng và phát triển chăn nuôi gia cầm.

Ðáng chú ý, tại thời điểm này, tình hình nhập lậu gia cầm vẫn "nóng" ở các tỉnh biên giới phía bắc. Vì thế, cần sự vào cuộc và phối hợp một cách tích cực của các ngành có liên quan như: công an, quản lý thị trường, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và chính quyền địa phương các cấp nhằm triệt phá ngay những đường dây nhập lậu gia cầm./.

(Theo: ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất