Thứ Tư, 25/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 12/11/2011 22:14'(GMT+7)

Ngăn chặn sự gia tăng của bệnh đái tháo đường

Mọi người dân cần được thường xuyên cập nhật thông tin để nâng cao nhận thức, chủ động dự phòng bệnh đái tháo đường

Mọi người dân cần được thường xuyên cập nhật thông tin để nâng cao nhận thức, chủ động dự phòng bệnh đái tháo đường

 

Trước năm 1990, tỷ lệ ÐTÐ chỉ xuất hiện ở một vài thành phố lớn của nước ta, chưa có cuộc điều tra dịch tễ học nào được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, một vài nghiên cứu ở Hà Nội, Thừa Thiên-Huế và TP Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ khoảng 1 đến 2%. Năm 2002, Bệnh viện Nội tiết T.Ư tiến hành nghiên cứu ở một số vùng sinh thái cho thấy, tỷ lệ này là 4,4% ở thành phố và 2,7% ở nông thôn và miền núi. Gần đây nhất, khi tiến hành nghiên cứu ở huyện Hải Hậu, Nam Ðịnh, một huyện thuần nông cho thấy tỷ lệ ÐTÐ là 5,8% và tiền ÐTÐ là 16,3%. Trong đó chỉ có 30% số người dân hiểu biết được tác hại và yếu tố nguy cơ của bệnh. Như vậy, trong hơn hai thập niên qua, tình hình bệnh ÐTÐ và  rối loạn chuyển hóa (RLCH) đang có xu hướng gia tăng ở nước ta, phần nhiều những bệnh này diễn biến âm thầm, khi được phát hiện thường đã có biến chứng nặng nề.

Ðến thời điểm này, sau gần hai năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều hoạt động đã được triển khai. Dự án phòng, chống ÐTÐ- Bệnh viện Nội tiết T.Ư triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố và sáu đơn vị y tế các bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Xây dựng, Công thương, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bệnh viện nội tiết T.Ư đã phối hợp Tổ chức Y tế thế giới, Viện Y tế và sức khỏe toàn cầu (Nhật Bản), Trường đại học Y tế cộng đồng Curtin (Ô-xtrây-li-a), Chương trình quốc gia phòng, chống ÐTÐ Ô-xtrây-li-a, các chuyên gia đầu ngành về ÐTÐ, dinh dưỡng và truyền thông xây dựng gói tài liệu truyền thông phòng, chống ÐTÐ. Thành lập các phòng tư vấn về dự phòng ÐTÐ tại tuyến cơ sở bảo đảm người bệnh và người có yếu tố nguy cơ thường xuyên được tư vấn dự phòng ÐTÐ làm ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và các biến chứng. Lấy ngày ÐTÐ thế giới là ngày vận động các tầng lớp xã hội và cộng đồng chung tay phòng, chống ÐTÐ. Hoạt động sàng lọc phát hiện sớm người bệnh ÐTÐ và tiền ÐTÐ được chú trọng triển khai. Mạng lưới tuyến cơ sở nắm vững quy trình sàng lọc phát hiện và quản lý người bệnh ÐTÐ và tiền ÐTÐ. Trong một thời gian ngắn, dự án phòng, chống ÐTÐ đã sàng lọc 242.395 đối tượng có yếu tố nguy cơ và phát hiện 11.282 ÐTÐ tuýp 2 và 24.812 trường hợp tiền ÐTÐ. Số đối tượng ÐTÐ đã được kịp thời điều trị, số trường hợp tiền ÐTÐ được theo dõi, tư vấn, kiểm soát chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI), mạch, huyết áp, đường máu nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Hệ thống mạng lưới phòng, chống ÐTÐ được củng cố, các khoa, phòng bổ sung biên chế bảo đảm có đủ nhân lực. Cho đến nay, Bệnh viện Nội tiết tuyến tỉnh mới được thành lập ở  Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La. Các khoa nội tiết thuộc bệnh viện đa khoa cũng được thành lập riêng rẽ như Ninh Bình, Lào Cai... Mạng lưới phòng, chống ÐTÐ hiện nay bao gồm năm bệnh viện nội tiết, chín trung tâm nội tiết và 49 khoa Nội tiết - ÐTÐ thuộc các Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh. Tại tuyến huyện, Bệnh viện Nội tiết T.Ư đề xuất với các tỉnh thành lập các đơn vị, phòng tư vấn thuộc bệnh viện huyện hoặc thuộc trung tâm y tế dự phòng huyện, bảo đảm người bệnh và các đối tượng có yếu tố nguy cơ dễ tiếp cận. Phối hợp WHO và Hiệp hội ÐTÐ quốc tế (IDF) xây dựng triển khai mô hình  quản lý và điều trị ÐTÐ tại tuyến tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Ðác Lắc và Bình Thuận. Mô hình quản lý và phát hiện sớm bệnh ÐTÐ cũng được triển khai thí điểm tại Hải Hậu, công tác khám và chữa bệnh, đào tạo mạng lưới bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Mô hình truyền thông thay đổi hành vi dựa vào cộng đồng được triển khai thí điểm tại năm tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tiền Giang, Lâm Ðồng.

 Tuy nhiên, sự gia tăng bệnh ÐTÐ RLCH vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Ðặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh ÐTÐ ở nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ, tuổi từ 30 đến 64 tuổi, chiếm tỷ lệ cao 10,5%. Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose là 13,8%. Theo phân loại của IDF và WHO, tỷ lệ mắc bệnh ÐTÐ của Việt Nam nằm trong khu vực 2 (tỷ lệ 2% đến 4,99%) giống các nước khác trong khu vực như Thái-lan, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và thấp hơn các nước khu vực 3 (tỷ lệ 5% đến 7,99%) bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a. Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose của bốn khu vực thành phố là 6,5%, đồng bằng 7,0%, miền núi 7,1% và trung du 8,3%.

Nghiên cứu về RLCH của Bệnh viện Nội tiết T.Ư năm 2009 cho thấy, tại khu vực nội thành TP Hà Nội cho thấy: 86,8% số đối tượng nghiên cứu có Triglycerit  bị rối loạn. Kết quả này cũng phản ánh tình trạng chung của một nền kinh tế-xã hội đang có những thay đổi không đồng nhất. Tình trạng rối loạn dung nạp glucose máu lúc đói có thể sẽ tăng nhanh trong thời gian tới nếu chúng ta không có biện pháp dự phòng thỏa đáng. Có lẽ tỷ lệ này sẽ tăng nhanh, nhất là ở lứa tuổi học sinh trung học, song hành với tỷ lệ thừa cân và béo phì, các yếu tố nguy cơ được xem là nguồn bổ sung cho đội ngũ những người mắc bệnh ÐTÐ tuýp 2.

Theo dự báo của WHO và Hội ÐTÐ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (WPRO), sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ ÐTÐ tuýp 2 ở các nước đang phát triển sẽ xảy ra ở độ tuổi có khả năng lao động (26 đến 64 tuổi), điều này cho thấy các nước này sẽ phải hứng chịu một gánh nặng kinh tế không nhỏ về mặt chi phí trực tiếp và gián tiếp cho điều trị bệnh đái tháo đường.

Nhằm đạt được các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia,  Bệnh viện Nội tiết T.Ư xây dựng và triển khai Chiến lược phòng, chống bệnh ÐTÐ giai đoạn 2011- 2020. Theo đó, tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực chẩn đoán và phát hiện sớm tiền ÐTÐ, ÐTÐ tuýp 2 và hội chứng RLCH. Từng bước chuyển từ chẩn đoán  thụ động sang chẩn đoán chủ động tại cộng đồng. Chuyển sàng lọc có mục tiêu sang sàng lọc cơ hội, phấn đấu đến năm 2013 có khoảng 30% số xã có thể tiến hành sàng lọc cơ hội. Xây dựng các biện pháp can thiệp ở những đối tượng thừa cân, béo phì nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ tiến triển của bệnh, sau khi tư vấn chưa đạt kết quả sẽ tiến hành xét nghiệm sinh hóa và cân nhắc sử dụng thuốc.

Ðẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi dựa vào cộng đồng và điều trị hành vi bằng nhiều hình thức về nguy cơ bệnh ÐTÐ, cách phòng, chống. Xây dựng phòng tư vấn về dinh dưỡng và luyện tập tại các đơn vị phòng, chống ÐTÐ, bảo đảm 100% các đơn vị tuyến tỉnh có phòng tư vấn. Các tỉnh, thành phố từng bước xây dựng phòng tư vấn về ÐTÐ tại khoa Nội bệnh viện huyện hoặc trung tâm y tế dự phòng huyện, trạm y tế xã khi có điều kiện. Ðối với các đối tượng hoặc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tập trung tư vấn điều trị hành vi nhằm khắc phục những yếu tố nguy cơ, khống chế sự tiến triển của bệnh.

Ðồng thời tổ chức nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc chuyên ngành ÐTÐ và RLCH; thường xuyên bổ túc thông qua các lớp ngắn hạn về chẩn đoán, điều trị bệnh ÐTÐ-RLCH cho các bác sĩ thuộc các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các đơn vị y tế dự phòng. Bảo đảm 100% số cán bộ tham gia dự án được đào tạo về biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, quản lý và điều trị đối tượng nguy cơ và người mắc bệnh ÐTÐ. Ðặc biệt đẩy mạnh đào tạo tuyến cơ sở về điều trị và tư vấn điều trị hành vi ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao. Nâng cao năng lực tuyến cơ sở, đào tạo ngắn hạn các lớp siêu âm phát hiện sớm tổn thương mạch máu, các lớp ngắn hạn về kỹ thuật xét nghiệm sinh hóa, dược lý lâm sàng... góp phần củng cố điều trị có hiệu quả cho người bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại các điều dưỡng viên tại các cơ sở y tế về kỹ năng chăm sóc người bệnh, kỹ năng sử dụng thuốc và theo dõi glucose máu sau ăn, sau tiêm insulin. Ðào tạo đội ngũ thầy thuốc tham gia quản lý người bệnh, bảo đảm người bệnh thông thạo bốn kỹ năng trong việc hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe người ÐTÐ, tiền ÐTÐ và RLCH.

Từng bước hoàn thiện mạng lưới điều trị, bảo đảm 70% số bệnh viện tuyến tỉnh có khoa Nội tiết, thống nhất xây dựng khoa Nội tiết-ÐTÐ tại các trung tâm y tế dự phòng vừa làm nhiệm vụ phòng, chống rối loạn thiếu i-ốt, ÐTÐ, tiền ÐTÐ và RLCH đồng thời tham gia chẩn đoán điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các tuyến cơ sở. Phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu chính sách chi trả sàng lọc, quản lý theo dõi người bệnh tiền ÐTÐ.

Ðẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học điều trị và dự phòng trong giai đoạn hiện nay phù hợp với nền kinh tế nước ta. Ðồng thời có chiến lược phát triển các mô hình can thiệp phù hợp với từng địa phương và nhóm đối tượng. Vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp các kinh phí, vật tư và kinh nghiệm giúp triển khai chương trình. Tăng cường mở rộng hợp tác với các nước nhằm học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, đồng thời vận động các tổ chức này giúp về kinh phí và kỹ thuật.

Sự gia tăng của những bệnh không lây nhiễm sẽ làm cho mô hình bệnh tật thay đổi, chi phí khám, chữa bệnh ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, cố gắng của cơ quan chuyên môn, rất cần sự tham gia tích cực của mọi người dân trong việc nâng cao ý thức và kiến thức trong phòng, chống các căn bệnh nguy hiểm này.

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất