Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 31/3/2009 10:11'(GMT+7)

Ngành in kêu khó

Tăng thuế nhập khẩu giấy, tăng gánh nặng cho nhiều gia đình!

Tăng thuế nhập khẩu giấy, tăng gánh nặng cho nhiều gia đình!

Bộ Công thương vừa có văn bản đề nghị có biện pháp để tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng giấy trong khối ASEAN từ 3% lên 5%. Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 28/2009/TT-BTC điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với giấy in báo từ 20% lên 29%, giấy in sách, giấy viết từ 25% lên 29% trong khối WTO.

Giấy khó, in càng khó hơn

Theo văn bản của Bộ Công thương thì lượng giấy tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất giấy là rất lớn (khoảng 100.000 tấn) và theo báo cáo của Hiệp hội giấy Việt Nam thì một số dây chuyền sản xuất giấy cũng đã ngừng hoạt động.

Đối với lĩnh vực in ấn, xuất bản, báo chí – giấy là nguồn vật tư quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm. Sự biến động của giá giấy ảnh hưởng nhiều đến các đơn vị hoạt động trong ngành nghề này.

Đưa ra phép tính về ảnh hưởng của việc tăng thuế nhập khẩu giấy đối với giá cả các ấn phẩm trong nước, ông Phạm Trung Thông - Phó trưởng phòng Quản lý in - Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông nói: hiện nay có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên đang cắp sách tới trường (hơn 11 triệu hộ gia đình), chiếm 1/4 dân số cả nước. Trong số này, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc mất việc làm tại các khu công nghiệp, không có thu nhập, lo cái ăn đã khó nay lại phải chi tăng thêm 2% hoặc nhiều hơn nữa nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục nhập giấy theo mức thuế tăng thêm hoặc mua giấy nội địa với giá cao hơn, để mua sách vở cho các con học hành.

“Thuế tăng thì ngành in phải tăng giá bán các sản phẩm. Nhưng không phải cứ tăng mãi vì người tiêu dùng còn hàng trăm mối lo khác chứ không phải chỉ có lo mua sách, báo” – ông Thông nói.

Ông Bùi Tuấn Nghĩa – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng khẳng định: “Xuất bản – báo chí thuộc lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Các nhà in, xuất bản không phải là các đơn vị sản xuất kinh doanh đơn thuần mà còn làm nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi luôn mong muốn các ấn phẩm đến được tay công chúng với chất lượng tốt và giá cả hợp lý nhất. Việc điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu giấy tuy có tác dụng bảo hộ ngành sản xuất giấy nhưng lại tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực báo chí – xuất bản”.

Tuy nhiên, nhìn nhận lợi ích của ngành giấy và ngành in khi tăng thuế nhập khẩu giấy, TS Vũ Đình Ánh - – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường-giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Gánh nặng về giá cả sẽ không đè nặng lên bất cứ ngành nào vì những chi phí ấy sẽ đẩy sang cho khách hàng”.

Ngành giấy phải “tiên trách kỷ…”

Ông Phạm Trung Thông đưa ra những tồn tại “cố hữu” của ngành giấy. Ông Thông nói: “Từ những năm 90, khi tôi còn đang công tác tại nhà in thì ngành giấy đã xảy ra hiện tượng tồn kho và đến bây giờ vẫn thế, như một truyền thống lâu năm của ngành giấy là “thiếu” và “ế”. Lý do ngành giấy đưa ra thì có nhiều, nhưng theo tôi, nguyên nhân sâu xa nhất là nhà sản xuất và phân phối giấy không làm tốt chính sách bán hàng theo kinh tế thị trường, chưa coi khách hàng của mình là “Thượng đế” để chăm sóc chu đáo hơn. Tôi có cảm giác, hình như ngành giấy còn một chút gì đó trong cách bán hàng của thời bao cấp. Gần đây nhất, đầu năm 2008, tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, giá cả leo thang, giá giấy trong nước điều chỉnh tăng đến 4 - 5 lần, nhưng ngành giấy vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và việc các doanh nghiệp in đến xếp hàng mua giấy gặp rất nhiều khó khăn. Nói như vậy để thấy rằng, năng lực ngành giấy không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội nên Chính phủ đã tạo điều kiện để nhập giấy phục vụ trong nước”.

Giá giấy nội vẫn cao hơn giấy nhập 1 triệu đồng/tấn

Về giá giấy trong nước, ông Phạm Trung Thông cho rằng “cũng là một vấn đề” đáng bàn. Tuy bị tồn kho nhưng hiện nay giá giấy nội vẫn cao hơn giấy nhập khẩu hơn 1 triệu đồng/tấn. “Giấy nhập khẩu phải vận chuyển một chặng đường dài từ nước ngoài vào và phải chịu thuế nhập khẩu hiện tại là 3% mà vẫn rẻ hơn giấy nội địa thì tôi thấy không ổn” – ông Thông nói.

Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cũng thừa nhận: “Về lâu dài, ngành giấy không thể cứ nhăm nhăm lo nhập khẩu mà không chú trọng phát triển sản xuất trong nước. Lúc khó khăn thế này cũng là cơ hội để cơ cấu lại ngành sản xuất, tập trung phát triển sản xuất giấy trong nước để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu”.

Tăng thuế là giải pháp cấp bách

Trao đổi với VOVNews, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: “Khi tăng bất kỳ một loại thuế nào phải đảm bảo hai điểm: không được biến những biện pháp cấp bách trước mắt thành biện pháp dài hạn, thành thói quen cho doanh nghiệp và không tác động nhiều đến giá cả”.

Còn ông Phạm Trung Thông thì thẳng thắn: “Theo tôi không nên dùng biện pháp hành chính (thuế quan) để giải quyết vấn đề cho ngành giấy, vì biện pháp này đã được dùng nhiều lần rồi nhưng đến bây giờ vẫn không giải quyết được những tồn tại của ngành giấy. Phải để ngành giấy tự “bơi” trong nền kinh tế thị trường thì mới lớn mạnh được. Chúng ta hội nhập thì phải chấp nhận thách thức, cạnh tranh”.

Chia sẻ quan điểm này, ông Bùi Tuấn Nghĩa cho rằng: “Cần phải chấp nhận để ngành giấy tự lo trong một giai đoạn nhất định chứ không thể yêu cầu cả xã hội phải gánh chịu một phần chi phí bất hợp lý để cứu một số đơn vị sản xuất kinh doanh giấy kém hiệu quả hiện nay”.

Ông Bùi Tuấn Nghĩa cũng bày tỏ sự phân vân của mình: “Có nên tiếp tục bảo hộ ngành sản xuất giấy trong khi ngành này mãi chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và giá thành lại cao hơn nhiều so với giá giấy nhập khẩu. Giá giấy trong nước cao, chất lượng chưa tốt, chủng loại không phong phú. Có thể việc tăng thuế nhập khẩu giấy hiện nay là nhằm điều tiết lượng giấy tồn khá lớn, nhưng tăng thuế nhập khẩu không phải là biện pháp hiệu quả mà quan trọng là các đơn vị này cần phải điều chỉnh giá bán giấy cho phù hợp”.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, ngành giấy phải tự mình vươn lên, có những chiến lược sản xuất kinh doanh cụ thể theo từng thời điểm, đồng thời phải chú trọng xây dựng nhiều cơ chế chính sách trong công tác bán hàng để phục vụ khách hàng tốt hơn mới khắc phục được tình trạng này./.

TG- VOV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất