Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 3/6/2014 10:13'(GMT+7)

Ngày đầu tăng viện phí tại TPHCM: Bệnh nhân đồng tình

Thông báo tăng viện phí tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Thông báo tăng viện phí tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

“Thêm tiền mà phục vụ tốt cũng được”

Dù cuối tuần nhưng Bệnh viện quận 2 TPHCM vẫn khá đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Bà Ngô Thị Sang (63 tuổi, ngụ phường Bình Trưng Đông, quận 2) vừa mới được khám xong cho biết, do bị mắc bệnh tiểu đường nên thường xuyên đến khám tại bệnh viện. Khi được hỏi có biết viện phí tăng từ 1-6, bà Sang nói đã được bác sĩ thông báo rồi nhưng không thắc mắc hay lo lắng gì vì thực ra đã có BHYT chi trả, bệnh nhân chỉ trả thêm một phần không đáng kể.

Tương tự, bệnh nhân Đỗ Hữu Hùng (68 tuổi, ngụ phường Bình An, quận 2) cho rằng đã biết nhà nước tăng lên cả ngàn dịch vụ nhưng có BHYT thì vẫn chịu được. Là một cán bộ về hưu và thường tìm hiểu thông tin về y tế nên ông Hùng cũng cho biết phí khám bệnh lâu nay chỉ thu 3.000 đồng/người/lượt, nay tăng thành 15.000 đồng nhưng BHYT cũng đã trả cho 75% nên số tiền đóng thêm không đáng gì…

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2 TPHCM, hiện bệnh viện đã tiếp nhận 63.000 thẻ BHYT. Việc tăng viện phí lần này của UBND TPHCM không ảnh hưởng bao nhiêu đến bệnh nhân vì mức chênh lệch bệnh nhân phải đóng không nhiều.

Một số dịch vụ kỹ thuật phổ biến tăng lên không đáng kể như chụp X-quang 20.000 đồng/lần tăng lên  27.000 đồng/lần, siêu âm từ 20.000 đồng/lần tăng 35.000 đồng/lần, giường bệnh (các loại) từ 6.000 đồng-12.000 đồng/ngày tăng thành 26.000 - 48.000 đồng/ngày. “Là bệnh viện tuyến quận huyện được phân hạng tuyến dưới nên mức thu không cao đáng kể. Bệnh nhân diện BHYT không phải lo lắng nhiều”, BS Khanh nói.

Bệnh viện Quận 2, TPHCM bố trí thêm quầy thu phí BHYT trong ngày đầu tăng viện phí.

Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nơi có tới gần 90% bệnh nhân diện BHYT, cũng đã bắt đầu vận hành bộ máy tài chính để thu viện phí mới. Tại các khu vực khám, bệnh viện cũng đã thông báo tăng viện phí từ 1-6 cho người bệnh được rõ.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện cho biết, bên cạnh những dịch vụ kỹ thuật thông thường, Bệnh viện Ung bướu có đặc thù là điều trị bệnh nan y nên các dịch vụ kỹ thuật khá phức tạp, chi phí cao nên ngoài phần BHYT chi trả thì một khoản chênh lệch mà bệnh nhân phải đóng cũng tương đối nhiều. Do đó, bệnh viện sẽ cố gắng thực hiện những kỹ thuật hiệu quả nhất nhưng ít tốn kém nhất cho người bệnh…

Ghi nhận tại một số bệnh viện khác như Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115 cũng cho thấy đã triển khai thêm bàn khám, khu tư vấn, xây dựng quy trình khám, xét nghiệm… để rút ngắn thời gian chờ đợi và thanh toán viện phí cho bệnh nhân.

Giá tăng nhưng thu… giảm

Thực hiện Thông tư liên tịch số 4/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, TPHCM là địa phương cuối cùng trong cả nước tăng viện phí từ 1-6 với 477 dịch vụ kỹ thuật sẽ áp dụng 75% khung giá; 1.519 dịch vụ kỹ thuật áp dụng 65% khung giá.

Cụ thể, đối tượng áp dụng điều chỉnh giá là các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TPHCM thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, gồm: 29 bệnh viện, 1 khu điều trị, 2 trung tâm, 1 phòng khám chuyên khoa thuộc tuyến thành phố; 23 bệnh viện quận - huyện và 322 trạm y tế phường - xã, thị trấn. Phương án điều chỉnh giá viện phí xây dựng theo lộ trình 3 năm (từ 2014 đến 2016). Đến năm 2016, mức viện phí sẽ đạt mức tối đa trên khung giá mà Thông tư liên tịch số 4/2012/TTLT-BYT-BTC quy định.

Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Quận 2 ngày 1-6.

Mặc dù tăng nhiều dịch vụ nhưng một số bệnh viện đặt vấn đề sợ thất thu, vì thực chất theo quy định của thông tư nói trên và của UBND TPHCM thì có tới 25% dịch vụ có giá bằng hoặc thấp hơn giá cũ.

Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế TPHCM, một số dịch vụ kỹ thuật mà 100% khung giá theo thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế thì cao hơn giá cũ nhưng áp mức 75% khung giá thì thấp hơn. Ví dụ: chạy thận nhân tạo chu kỳ 100% khung giá là 460.000 đồng, mức phê duyệt 75% là 345.000 đồng nhưng mức giá áp dụng trước khi tăng viện phí đã là 400.000 đồng. Nếu không được điều chỉnh cho phù hợp, các bệnh viện sẽ phải bù lỗ khi thực hiện kỹ thuật này.

Một số dịch vụ kỹ thuật được làm bằng các phương pháp khác chưa có trong bảng giá theo Thông tư liên tịch. Ví dụ: Xét nghiệm HbsAg (xét nghiệm tìm virus viêm gan B) có giá là 60.000 đồng làm bằng phương pháp test nhanh nhưng nhiều đơn vị làm bằng phương pháp huỳnh quang thì không có trong bảng giá hiện hành…

Theo lãnh đạo một số bệnh viện, nhiều dịch vụ kỹ thuật tăng giá nhưng đó là những dịch vụ kỹ thuật không phổ biến, ít khi thực hiện. Ngược lại một số dịch vụ kỹ thuật rất phổ biến, thực hiện hàng ngày cho hầu hết bệnh nhân thì giảm giá hoặc bằng giá cũ. Do đó, tính ra bệnh viện vẫn thu không đáng kể. Hơn nữa, do UBND TPHCM mới tăng 75% so với khu giá quy định nên khó thu hút xã hội hóa y tế.

Một giám đốc bệnh viện cho biết, để phục vụ tốt bệnh nhân, bệnh viện phải mua sắm thêm máy móc, thiết bị nhưng ngân sách không có, quỹ đầu tư phát triển bệnh viện cũng cạn kiệt nên chủ trương của thành phố là cho xã hội hóa nhưng giá film, giá hóa chất tăng, giá thu bị khống chế không tăng nên không khuyến khích được xã hội hóa…

Theo BHXH TPHCM, hiện đã cấp 5,2 triệu thẻ BHYT. Khi triển khai thu giá viện phí mới, với yêu cầu trích 15% phí khám bệnh để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa buồng bệnh là không nhỏ. Do đó, thực tế tăng viện phí là hợp lý nhằm thúc đẩy đầu tư cho ngành y tế phát triển sau nhiều năm “giữ giá”. Tuy nhiên, việc phân bố khung giá phù hợp với từng dịch vụ và phân tuyến cũng như “tái đầu tư” để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân là cần thiết.

TƯỜNG LÂM/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất