Trong thời khắc giao mùa, khi sắc Xuân đang tràn ngập, còn gì hạnh phúc hơn khi đồng bào cả nước quây quần bên nhau đón Tết cổ truyền bằng những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Tết đến, Xuân về cũng là dịp cùng nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới, tổng kết những việc đã làm được và chưa làm được của năm qua. Tết cổ truyền luôn là dịp tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong năm cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Chào đón xuân Quý Tỵ cũng là dịp sơ kết 3 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là đơn vị thường trực nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Ngày xuân gợi nhớ đầu thế kỷ XX, doanh nhân Bạch Thái Bưởi là người đi tiên phong, khởi xướng cho việc người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Ông đã tập trung trí tuệ, nguồn vốn để xây dựng thương hiệu của công ty vận tải đường sông, đường biển trong cạnh tranh với người Pháp, người Hoa. Bằng tài năng và ý chí của mình, Bạch Thái Bưởi đã chiến thắng trong cuộc chiến thương mại không cân sức với những đối thủ lớn, nhờ biết khơi gợi tinh thần tự cường, tự tôn và tự hào dân tộc...
Nửa thế kỷ trước đây, Đảng ta đã phát động phong trào học tập, sản xuất như "Gió Đại Phong" (hợp tác xã ở tỉnh Quảng Bình), "Sóng Duyên Hải" (nhà máy cơ khí ở thành phố Hải Phòng)...tạo ra phong trào, khí thế thi đua sản xuất sôi nổi, góp phần để miền Bắc là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Nhắc chuyện xưa để thấy, dù ở thời điểm nào, doanh nhân Việt Nam cũng đứng trước hàng núi khó khăn như: vốn ít, cơ sở hạ tầng, công nghệ, phương tiện sản xuất luôn hạn chế so với các tập đoàn đa ngành, đa quốc gia đang xâm nhập vào thị trường nước ta hiện nay. Đối diện với những khó khăn đó, doanh nhân Việt cần phải vượt qua, chiếm lĩnh thị trường nội địa, có chiến thắng trên "sân nhà" mới đảm bảo tiến xa hơn trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế.
Ngay sau khi Thường trực Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động, Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ban, ngành và địa phương tăng cường thực hiện Cuộc vận động, đại diện 31 doanh nghiệp đầu mối trực thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đã ký giao ước hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối"; Bộ Công thương đã ban hành Chương trình hành động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...
Từ Chương trình hành động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Bộ Công thương đã đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước; phát triển sâu rộng trên cả nước các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ như: điều tra, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng, tổ chức mạng lưới phân phối, đưa hàng Việt về nông thôn, đô thị, khu công nghiệp và vùng sâu, vùng xa. Bộ Công thương cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh, đổi mới công tác quản lý thị trường, quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa đi đôi với đề cao kỷ cương pháp luật và trật tự thị trường.
Tính đến cuối năm 2012 đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh, thường xuyên kiểm tra thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn. Một số nơi như TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc..., Phó Bí thư Thành ủy/Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc còn thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đến tận cấp xã. Các chương trình như: “Đưa hàng Việt về nông thôn”; "Ngày vàng mua sắm"; 'Tuần lễ hàng Việt"... được tổ chức thường xuyên trên địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người nông dân tiếp cận với các sản phẩm thương hiệu Việt.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, có thể bước đầu nhận xét: Người tiêu dùng đã nhận thức sâu sắc được ý nghĩa và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Có đến 90% người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh chắc chắn chọn lựa hàng Việt, tỷ lệ này ở Hà Nội là 83% (Báo cáo sơ kết ba năm Cuộc vận động). Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, bởi 3 năm thực hiện Cuộc vận động cũng là 3 năm nền kinh tế Việt Nam bị đặt trước nhiều thách thức lớn. Tuy nhiên, nhờ Cuộc vận động, đà tăng trưởng vẫn được tiếp tục, nhập siêu giảm mạnh và góp phần hạn chế lạm phát. Ghi nhận thứ hai có được từ Cuộc vận động, đó là sự chuyển biến trong nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đánh giá tầm quan trọng của thị trường trong nước, để từ đó tạo ra tiếng nói đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực thi cơ chế chính sách. Từ việc kiểm soát hàng nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước đến việc kiểm tra kiểm soát thị trường để bảo vệ cho hàng hoá và thị trường nội địa.
Đối với Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, câu hỏi lớn luôn đeo đuổi từ khi phát động đến nay: Bên cạnh việc khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người dân thì việc thực hiện Cuộc vận động đặt ra yêu cầu lớn đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối Việt Nam là phải làm gì để Cuộc vận động này đạt hiệu quả?
Để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ không phải là một khẩu hiệu mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế - xã hội sinh động, mang lại hiệu quả to lớn, toàn diện cả cấp vĩ mô lẫn vi mô, ở cả trong nước và ở nước ngoài, trước mắt cũng như lâu dài, cần phải có sự chung tay hành động của cả 3 phía: Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp phải là tiên phong, Nhà nước chỉ đề ra đường lối, chính sách, còn có giành được người tiêu dùng hay không, hoàn toàn là do doanh nghiệp.
Trên cơ sở tổ chức thực hiện Cuộc vận động, có thể thấy rằng để đảm bảo sự thành công của Cuộc vận động, về trước mắt và cả lâu dài, nếu chỉ trông chờ vào việc khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn của người dân khi dùng các sản phẩm "Made in Việt Nam", thì chưa đủ, yếu tố có tính quyết định sự thành công chính là việc các doanh nghiệp tự đổi mới. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần nhìn nhận, đánh giá lại năng lực nội tại cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh cho mình.
Doanh nghiệp trong nước đang còn hạn chế ở những mặt sau:
Thứ nhất, thiếu chiến lược giành thắng lợi ngay trên sân nhà. Hiện nay có một nghịch lý, đó là các doanh nghiệp Việt chỉ tập trung vào việc mang hàng đi các nước khác bán, phải chịu đủ mọi loại hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan, trong khi đó ngay trên chính sân nhà, hàng ngoại tự do tràn ngập mà không gặp bất cứ một rào cản đáng kể nào.
Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm. Phần lớn người tiêu dùng đồng ý ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi nhà sản xuất phải đưa ra những sản phẩm tốt; nếu quy định hậu mãi thấp, bảo hành kém sẽ khiến người tiêu dùng chán nản.
Thứ ba, yếu tố giá: một sản phẩm nội được tiêu thụ tốt được định giá trên cơ sở người tiêu dùng có thể chấp nhận được, phù hợp với thu nhập, túi tiền người dân.
Thứ tư, xây dựng liên kết giữa mạng lưới phân phối bán lẻ và các nhà sản xuất hàng nội địa. Kênh phân phối là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của sản phẩm, điều này cũng đã được các doanh nghiệp nhìn nhận ra. Chiếm lĩnh và phát triển thị trường nội địa cần được xem xét trên quy mô vùng địa lý, theo mỗi ngành hàng và đối với mỗi doanh nghiệp, phải tính tới việc tổ chức hệ thống phân phối mới ở các thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thứ năm, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng hàng hóa. Cam kết của 31 đơn vị kinh doanh lớn thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương về việc ưu tiên sử dụng hàng của đơn vị trong khối sản xuất cũng góp phần nâng sức tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước.
Thứ sáu, tiếp tục nâng cao vai trò của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như vốn, tín dụng, ưu đãi thuế...
Bên cạnh đó, việc khơi gợi người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả, có yếu tố quyết định sự thành bại của Cuộc vận động chính là những hộ tiêu dùng lớn-đó là các doanh nghiệp lớn và Nhà nước. Lâu nay chúng ta tập trung kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt mà quên đi mất một điều, các doanh nghiệp lớn và Nhà nước là một trong những đối tượng sử dụng, tiêu thụ hàng hóa lớn. Các doanh nghiệp lớn và Nhà nước phải là đơn vị đi đầu trong việc tiêu thụ hàng Việt.
Ngoài ra, để đảm bảo sự thắng lợi của Cuộc vận động, có sự góp phần quan trọng của công tác tuyên truyền, quảng bá. Phải làm cho Cuộc vận động được phổ biến rộng rãi khắp mọi địa bàn. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến trên báo đài, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các địa phương cần tích cực phổ biến, nói chuyện thời sự để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam nhiều hơn.
Muốn Cuộc vận động đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả, thì một trong những mục tiêu cần phải chú trọng đó là đưa Cuộc vận động đến từng gia đình, từng người dân, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Chẳng hạn, Hội Liên hiệp Phụ nữ sẽ vận động chị em trong việc mua sắm tiêu dùng gia đình. Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài vận động bà con Việt kiều lựa chọn những sản phẩm trong nước để tiêu thụ, kinh doanh...
Để Cuộc vận động đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264 - TB/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới. Phát động cuộc thi sáng tác về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nêu gương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động ở địa phương, cơ sở.
Hai là, xây dựng Chiến lược hành động quốc gia “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến năm 2020, bao gồm các nội dung như: Truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; xúc tiến thương mại; phát triển hệ thống phân phối hàng Việt; hỗ trợ xây dựng thương hiệu Việt; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng bán hàng Việt; bổ sung, xây dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại, v.v.. Rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ba là, các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, điều tra thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nhân.
Bốn là, các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công. Các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình, sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động ở các cấp, nhất là các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa triển khai thực hiện Cuộc vận động. Kiện toàn, củng cố về tổ chức và nâng cao hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở Trung ương và cấp tỉnh. Định kỳ hằng năm sơ kết Cuộc vận động và tổ chức tổng kết Cuộc vận động vào năm 2015./.
Vũ Trọng Kim
Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam