Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 15/2/2013 10:24'(GMT+7)

Thăm gia đình người đội viên tuyên truyền Giải phóng quân

Bà Đặng Thị Hầu (vợ ông Đặng Tuần Quý) kể chuyện về những ngày hoạt động cách mạng với phóng viên báo Cao Bằng.

Bà Đặng Thị Hầu (vợ ông Đặng Tuần Quý) kể chuyện về những ngày hoạt động cách mạng với phóng viên báo Cao Bằng.

Gặp nhau trên đường theo cách mạng

Anh Đặng Văn Thắng (con trai út của ông Đặng Tuần Quý) nay đang phụng dưỡng bà Đặng Thị Hầu (vợ ông Đặng Tuần Quý) bảo, ở tuổi 88, bà Đặng Thị Hầu, vợ người chiến sỹ đội viên VNTTGPQ năm xưa đã già yếu, từng bước đi rất khó khăn nên hầu như bà chỉ ngồi bên bếp lửa trong nhà. Bà Hầu bảo, bà rất ngạc nhiên khi có những người còn trẻ như chúng tôi đến thăm, muốn nghe kể chuyện về vợ chồng bà; vì thế mà ký ức về những năm tháng xa xưa lại hiện về...

Qua câu chuyện được bà kể bằng tiếng Dao và tìm hiểu thêm, đến lúc này tôi mới biết, không chỉ riêng ông Đặng Tuần Quý mà gia đình người đội viên Đội VNTTGPQ này có nhiều người tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 40 của thế kỷ trước.

Quê gốc của bà Hầu ở xã Hưng Đạo, hồi đó gọi là Nam Ty thuộc Tổng Hoàng Hoa Thám (Nguyên Bình). Ruộng nương nhiều, đất tốt, người Dao tiền chăm chỉ nên cuộc sống không khó khăn, gia đình bà có ngôi nhà 5 gian, đầy ngô, lúa. Nhưng khi giặc Pháp về chiếm đóng thì khổ lắm. Rồi quân cách mạng, “quân của bác Giáp” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tới, người dân hiểu được vì sao mình khổ nên một lòng theo cách mạng đánh đuổi giặc tây và bọn Quản chiểu (một chức quan do thực dân Pháp đặt, dùng người Dao bản địa để giúp chúng cai trị người Dao). Cả bố của bà là ông Đặng Ứng Khèn (bí danh Án Biên) và người em trai là Đặng Ứng Luồng (bí danh Đại Quang) đều tham gia hoạt động cách mạng. Cán bộ cách mạng thường hay qua lại, hội họp trên gác. Hồi đó, bà mới mười mấy tuổi, thường giả vờ ngồi thêu khăn trước cửa nhà, thấy có người lạ đến thì nói to lên để mọi người biết. Một thời gian sau đó, bố bị giặc bắt, chúng đốt nhà và lấy đi 200 bó lúa nương. Trên đường bị giặc giải ra huyện, bố chạy thoát rồi lại quay về dựng lán ở Làng Gẳp (Làng hẹp) làm cơ sở cho cách mạng. Bà thường đưa gạo, nấu cơm cho cán bộ ở các căn cứ, cơ quan, có lần được giao nhiệm vụ đưa thư…

Nói về người chồng của mình, mắt bà Hầu ánh lên niềm vui. Rồi bà kể, bà gặp ông Đặng Tuần Quý trong những lần hát giao duyên và biết ông cũng tham gia cách mạng, là “quân của bác Giáp”. Một lần, ông Quý đang trên đường đưa bà về thì bị tên Quản chiểu Siệu dẫn lính đuổi theo định bắt. Vốn thông thạo địa hình, ông Quý dẫn bà vượt lên trước theo một đường khác phục bắn tên Quản chiểu Siệu, nhưng đạn không nổ; thế là ông Quý lại dẫn bà theo một đường khác chạy về căn cứ. Hồi ấy, đã hoạt động công khai, nhưng còn gay go lắm, không tổ chức “húp tiu” (đám cưới) được, ông ấy về ở rể nhà mình...

Người Dao Tiền duy nhất của đội VNTTGPQ

Những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ trước, cũng như đồng bào các dân tộc khác ở Cao Bằng, đồng bào Dao tiền vô cùng cực khổ vì phải chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột của cả đế quốc lẫn quan lại phong kiến, thổ phỉ. Chính sách kỳ thị và chia rẽ của bọn chúng còn gây sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các dân tộc. Gặp ánh sáng cách mạng, Đặng Tuần Quý sớm được giác ngộ.

Một buổi sáng mùa xuân năm 1943, trên tảng đá cạnh một con suối nhỏ, trước sự chứng kiến của những cán bộ vận động phong trào, Đặng Tuần Quý đặt một bát nước và châm một nén hương, rồi thề “Con là Tuần Quý xin được vào Hội Cứu quốc để cùng đồng bào đấu tranh. Dù thế nào cũng một lòng trung thành với Hội, không bỏ Hội. Nếu trái lời thề thì sẽ như cây hương này”. Dứt lời thề, chàng thanh niên người Dao tiền cầm nén hương đang cháy nhúng vào bát nước và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Khi đó, ông mới 18 tuổi.

Từ khi gia nhập Hội Cứu quốc, Đặng Tuần Quý chủ yếu hoạt động gây dựng phong trào ở quê mình; tham gia các lớp huấn luyện do Mặt trận Việt Minh mở và làm quen với môi trường hoạt động quân sự. Cùng với các ông: Nông Văn Kiếm, Tô Tiến Lực, ông được chọn là một trong 3 đại diện của các đội vũ trang thoát ly các xã: Hoa Thám, Phan Thanh, Đức Chính dự lễ tuyên thệ thành lập Đội VNTTGPQ. Là người địa phương, Đặng Tuần Quý rất thông thạo đường đi lối lại, nắm rõ tình hình địch trong vùng. Chính vì vậy, ông và một số cán bộ địa phương đã có nhiều đóng góp cho 2 trận đầu ra quân thắng lợi của Đội VNTTGPQ, mở đầu truyền thống “bách chiến, bách thắng” của quân đội ta.

Sau trận Đồng Mu, khi Đội VNTTGPQ “Nam tiến” xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên, Đặng Tuần Quý ở lại địa phương, làm Xã đội trưởng xã Hưng Đạo từ năm 1946; đến năm 1959 về xã Tam Kim làm Đội trưởng sản xuất; năm 1980, ông nghỉ công tác. Năm 1964, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Người chiến sỹ đội viên Dao tiền duy nhất của Đội VNTTGPQ đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong Tổng tập hồi ký của mình “Đồng chí Quý, dân tộc Mán tiền, một cán bộ của tổng Hoàng Hoa Thám, nơi bị đế quốc khủng bố ghê gớm nhất, bao nhiêu làng mạc bị đốt trụi, một đồng chí có tiếng là giỏi chính trị được mọi người yêu mến”.

Năm 1990, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Phai Khắt, gặp lại nhau, hai ông đã ôm chặt lấy nhau hồi lâu và không kìm nổi những giọt nước mắt. Đó cũng là lần cuối cùng, Đặng Tuần Quý được gặp lại người “Anh cả”, người bạn chiến đấu của mình. Một năm sau, ngày 9/11/1991, Đặng Tuần Quý đột ngột qua đời tại quê nhà.

Chút lòng tri ân

Tam Kim đã đổi thay nhiều, nhưng cuộc sống của đồng bào đã một thời hy sinh, cống hiến cho cách mạng vẫn còn đó những khó khăn. Anh Đặng Văn Thắng kể, từ năm 1997, gia đình đã được nhận 50 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho Lão thành cách mạng.

Vợ chồng ông Đặng Tuần Quý qua 14 lần sinh nở nhưng chỉ giữ lại được 5 người con. Ba người con gái đã đi làm ăn riêng. Hiện ở Bản Um còn 2 anh em trai, cả 2 gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. Bà Đặng Thị Hầu sống với vợ chồng người con trai út. Năm 1986, đang học Thiếu sinh quân, anh Thắng quyết định quay về để "củng cố" gia đình. Cùng vợ phát nương làm rẫy, rồi đào quặng, có lúc làm cả nghề buôn trâu… mà vẫn phải bán đi bộ vòng bạc của hồi môn mới mua được 3.000 m2 ruộng. Năm ngoái phải vay ngân hàng 30 triệu đồng để thuê máy, cải tạo 1.000 m2 đất đồi thành ruộng. Trong nhà, đồ vật đáng giá không có gì ngoài chiếc ti vi cũ và chiếc tủ gỗ công nghiệp. Anh Thắng cho biết, năm ngoái mẹ mới được nhận tiền theo tiêu chuẩn Lão thành cách mạng của ông ngoại (Án Biên) và ông chú (Đại Quang).

Bà Đặng Thị Hầu đã được nhiều người, trong đó có ông Nông Văn Lạc (một trong những hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở Tam Kim, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh) chứng nhận tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1943, gia đình cũng đã làm thủ tục đề nghị, nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách gì ngoài tấm Bằng khen “Đã có thành tích giúp đỡ cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945” theo Quyết định số 1025 do Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ký ngày 22/6/2007. Hiện tại, mỗi tháng, ngoài suất tiền tuất của chồng, bà được thêm 200 nghìn đồng tiền trợ cấp người cao tuổi.

Tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng anh Thắng vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Hiện anh là Chi ủy viên Chi bộ xóm Bản Um. Anh vừa hiến khoảng 4.000 m2 đất ruộng, rẫy để mở đường. Anh bảo, có thêm ruộng rồi, chăm làm thì không lo đói đâu. Đất nương, mình sẽ trồng nhiều sắn, nuôi nhiều lợn để sớm trả nợ ngân hàng…

VƯƠNG BIÊN (báo Cao Bằng)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất