Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 19/11/2016 14:27'(GMT+7)

Phát triển văn học, nghệ thuật vì sự hoàn thiện nhân cách con người

 

Từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại, Aristotle đã nhấn mạnh chức năng của thi ca, bi kịch là để "thanh lọc" tâm hồn (catharsis), giúp con người sống tốt hơn. Những tác phẩm bất hủ của Shakespeare, V. Hugo, Tagore, Tolstoi, Dostoevski, Leonardo da Vinci, Picasso, Mozart, Beethoven, Traikovski... đều có sức truyền cảm và ý nghĩa giáo dục lớn lao, góp phần vun đắp tâm hồn, tình cảm, đạo đức, lý tưởng sống cho con người. Bên cạnh các chức năng: nhận thức, phản ánh, thẩm mỹ, giải trí, thì chức năng giáo dục là chức năng cơ bản, bao trùm của văn học, nghệ thuật. Văn học nghệ thuật vừa khẳng định vừa phản biện, vừa nuôi dưỡng vừa nâng đỡ, vừa là chỗ dựa tinh thần vừa nghiêm khắc cảnh tỉnh con người, giúp họ nhận ra những cái xấu, cái chưa hoàn thiện để tự điều chỉnh mình.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chú trọng đến phát triển văn học nghệ thuật. Từ năm 1998, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã xác định phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33) khẳng định mối quan hệ biện chứng: "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa", và trong xây dựng văn hóa thì phát triển văn học, nghệ thuật là một trong các nhiệm vụ then chốt.

1. Thực trạng phát triển văn học nghệ thuật gắn với xây dựng con người những năm qua

Trước thời kỳ Đổi mới, trong những năm kháng chiến ác liệt hay những ngày đầu xây dựng đất nước đầy khó khăn, chúng ta đã có hàng loạt tác phẩm văn nghệ có giá trị cao, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, bồi đắp tâm hồn, tình cảm con người với những tác giả lớn như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tào Mạt... Bên cạnh đề tài cách mạng, kháng chiến là dòng chủ lưu, nhiều khía cạnh mới trong đời sống xã hội và cuộc sống con người đã được phát hiện và phản ánh, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.

Bước sang thời kỳ đổi mới, cùng với những biến chuyển lớn lao trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng có những đổi mới quan trọng. Trong văn học xuất hiện nhiều khuynh hướng sáng tác mới, một số tác phẩm đã bắt kịp tinh thần thời đại, có tính dự báo, gợi mở (truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Ngọc Tư, thơ của Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Quang Thiều…). Nhiều tác phẩm phê phán mạnh mẽ cái xấu, cái ác, đấu tranh trước sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức trong xã hội. Nhờ những nỗ lực lớn, các bộ Tổng tập văn học Việt Nam, Tổng tập văn học dân gian người Việt, Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số được thực hiện. Bộ Tổng tập văn học Việt Nam thế kỷ XX với hàng trăm tập khổ lớn là niềm tự hào của văn học Việt Nam.

Lĩnh vực điện ảnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từng bước nâng cao số lượng phim, đổi mới cả về nội dung phản ánh lẫn phương thức thể hiện. Một số đạo diễn có nhiều tác phẩm xuất sắc như: Trần Văn Thủy, Đặng Nhật Minh, Ngô Thanh Vân, Bùi Thạc Chuyên, Đỗ Thanh Hải…. Một số phim có chất lượng nghệ thuật cao, đoạt các giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế như: Vũ điệu đam mê, Tâm hồn mẹ, Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến...

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có nhiều tiến bộ, bộ máy tổ chức các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương dần kiện toàn theo hướng xã hội hóa. Sân khấu có những tìm tòi kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề xã hội, thể hiện đa dạng mọi khía cạnh của cuộc sống (tiêu biểu là các tác phẩm kịch của Doãn Hoàng Giang, Triệu Huấn, Xuân Đức, Nguyễn Đăng Chương, Lê Quý Hiền...). Trong âm nhạc, bên cạnh những thành tựu nổi bật của ca khúc, đã xuất hiện những sáng tác mới về thanh xướng kịch, kịch múa, hợp xướng (như tác phẩm của Đỗ Hồng Quân, Doãn Nho, Đinh Quang Hợp, Vũ Thành...). Sân khấu ca nhạc, thị trường băng đĩa, hoạt động biểu diễn trở nên sôi động hơn bao giờ hết, lôi cuốn sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Kịch bản múa có nhiều tác phẩm mang tính sáng tạo cao (các tác giả Đỗ Minh Tiến, Lê Ngọc Canh, Ứng Duy Thịnh, Lê Huân, Nguyễn Văn Thịnh...).

Lĩnh vực mỹ thuật trình làng nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc có giá trị, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại (của Cù Cao Khải, Trần An, Đỗ Hiệp, Đào Quốc Huy, Chế Kim Trung, Đàm Thế Nam…). Hoạt động nhiếp ảnh, triển lãm cũng có sự khởi sắc, tổ chức được nhiều triển lãm quốc gia và quốc tế, mở rộng giao lưu văn hóa ở trong nước và nước ngoài. Nhiều tác phẩm đã nhận được các giải thưởng cao trong nước và quốc tế.

Một số loại hình nghệ thuật truyền thống tiếp tục được giữ gìn và phát huy trong cơ chế thị trường. Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số được quan tâm chú trọng. Đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tìm tòi về phong cách và ngôn ngữ thể hiện. Các hội văn học, nghệ thuật phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động lý luận, phê bình đã đạt được một số kết quả, bước đầu có những đổi mới về quan niệm, phương pháp nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật nước ta cũng còn không ít hạn chế, yếu kém. Tuy số lượng tác phẩm ngày càng tăng, nhưng chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, đứng ở “mắt bão” các sự kiện chính trị, xã hội, nhân sinh. Còn thiếu vắng các tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng. Chưa có nhiều nhiều tác phẩm mang tính cách tân, sáng tạo thực thụ. Một số văn nghệ sỹ còn lúng túng trong quan niệm, cách tiếp cận và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới. Không ít các sáng tác tỏ ra dễ dãi, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, khai thác thái quá khía cạnh giải trí, tình dục, bạo lực, kinh dị…, hoặc bắt chước, mô phỏng các thủ pháp mới một cách sống sượng, xa rời bản sắc dân tộc. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán các biểu hiện sai trái, lệch lạc. Trong nhiều trường hợp, báo chí làm thay công việc này nên việc đánh giá, thẩm định tác giả, tác phẩm còn thiếu chính xác. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong cả nước chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng gia tăng.

2. Văn học, nghệ thuật góp phần hoàn thiện nhân cách con người

Nhân cách là một hệ thống dạng thức ứng xử đối với thế giới bên ngoài và với chính bản thân của từng con người, qua đó biểu hiện các phẩm chất, năng lực, quan niệm về thang bậc giá trị đạo đức của họ. Nói cách khác, nhân cách “là hệ thống những phẩm giá của một người được đánh giá trong mối quan hệ qua lại của người đó với thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh, trong cái nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai”(1). Nhân cách được xây dựng và hình thành trong toàn bộ thời gian con người tồn tại trong thế giới và còn lưu lại sau khi người đó đã ra đi, như nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tên gọi của cả một thời đại - Thời đại Hồ Chí Minh. Nó thể hiện những phẩm chất bên trong của con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc.

Văn học, nghệ thuật là công cụ đắc lực góp phần giáo hóa, giáo dưỡng con người, có vai trò quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách. Là tấm gương phản chiếu sinh động cuộc sống muôn màu, các tác phẩm văn học nghệ thuật giúp mỗi người định hướng giá trị, chuẩn mực trong hành vi, ứng xử, điều chỉnh mọi quan hệ trong đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực văn học, với sứ mệnh “văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo) “văn dĩ minh đạo” (văn để làm sáng tỏ đạo), “thi dĩ ngôn chí” (thơ để thể hiện chí) các tác phẩm văn chương lớn, có giá trị trường tồn, đều là những tác phẩm gắn liền với vận mệnh dân tộc, vận mệnh nhân loại, có giá trị nhân văn sâu sắc, có sức chuyển hóa nhận thức lớn lao. Biết bao thế hệ thanh niên yêu nước Việt Nam đã hy sinh vì nghĩa lớn, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với những lý tưởng cao đẹp được truyền cảm hứng từ những tác phẩm như Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, Đội cận vệ thanh niên của văn học nước ngoài, hay Hòn Đất, Sống như anh, Người mẹ cầm súng, Nhật ký Đặng Thùy Trâm... của văn học Việt Nam.

Các loại hình nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh… đều có sức lay động lớn lao đến tâm hồn, tình cảm con người, thức tỉnh lương tri, thu phục nhân tâm, góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Văn nghệ sỹ thông qua các tác phẩm “làm cho phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”(2). Bằng sức mạnh chinh phục, cảm hóa của mình, văn học nghệ thuật trở thành “sức mạnh mềm”, một thứ “đức trị” bổ sung cho “pháp trị” trong quản lý, điều hành đất nước.

  1. Xây dựng con người để phát triển văn học, nghệ thuật

Con người là khởi đầu của mọi khởi đầu, chủ thể của mọi hoạt động xã hội, nhân tố quyết định sự thành bại trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng con người là nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cao sự nghiệp "trồng người", hay quá trình làm cho mỗi người “thành người và trở nên người hơn” với phương châm: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Nghị quyết số 33-NQ/TW đã đặt nhiệm vụ "xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách” là một trong 6 nhiệm vụ chính trong giai đoạn tới.

Để phát triển văn học, nghệ thuật, về phía các chủ thể sáng tạo đòi hỏi mỗi nhà văn, mỗi nghệ sỹ bên cạnh tài năng, năng khiếu, phải vươn lên là những nhà tư tưởng, những công dân với đầy đủ ý thức trách nhiệm, bổn phận đối với đất nước. Văn nghệ sỹ cũng phải là những nhà đạo đức, làm gương cho xã hội, bởi "văn là nhân" (văn là người). Một nhà văn, một nghệ sỹ không thể tạo được những tác phẩm có giá trị giáo dục cao nếu tự mình không có tư tưởng đúng, nhân cách đẹp, đạo đức sáng, như Nguyễn Du làm nên kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Trãi với Bình Ngô đại cáo, Trần Hưng Đạo với Hịch tướng sỹ, Nguyễn Đình Chiểu với Lục Vân Tiên... Các văn nghệ sỹ phải là những "chiến sỹ" trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, "dùng ngòi bút làm vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà” như Hồ Chủ tịch đã dạy.

Hiện nay, trong đời sống văn học nghệ thuật nước ta đang có hiện tượng một số cây bút sống bàng quan với các vấn đề của đất nước, lảng tránh những vấn đề nóng bỏng của hiện thực, co lại trong những chủ đề cá nhân riêng tư, hoặc chạy theo xu hướng giải trí rẻ tiền, làm mất đi thiên chức cao quý của văn học, nghệ thuật.

Về phía công chúng - người tiếp nhận, để có một nền văn học nghệ thuật khởi sắc thì toàn xã hội phải quan tâm, coi trọng các tác phẩm văn nghệ, phải đề cao, tôn vinh giới văn nghệ sỹ. Thực tế hiện nay, các môn khoa học xã hội trong đó có Văn học có xu hướng bị xem nhẹ, các trường đại học thi tuyển khối C mỗi năm một khó chiêu sinh, các trường văn hóa nghệ thuật điểm đầu vào ngày càng thấp, văn hóa đọc đang đi xuống... Đây thực sự là thực trạng rất đáng báo động đối với sự phát triển văn hóa của một dân tộc.

Để có được những kiệt tác văn học nghệ thuật, những tác phẩm đỉnh cao, rất cần các văn nghệ sỹ phải vừa có tài, vừa có tâm, có tầm của những nhà văn hóa. Đồng thời cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghệ thuật cho người dân, nhất là cho thế hệ trẻ, trang bị cho họ những kiến thức chung, nâng cao trình độ thưởng thức văn học, nghệ thuật, nhất là những loại hình nghệ thuật đỉnh cao. Cần thường xuyên bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật, định hướng thị hiếu, thẩm mỹ lành mạnh cho công chúng... Chỉ khi chúng ta có một công chúng hiểu biết, có gu nghệ thuật tinh tế, có đòi hỏi cao về hưởng thụ văn hóa, thì nền văn học nghệ thuật nước nhà mới có cơ hội phát triển.

Đảng và Nhà nước ta cần có chiến lược đúng đắn bảo vệ tương lai của văn học, nghệ thuật nước nhà, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật và các văn nghệ sỹ. Bên cạnh việc tôn vinh, ghi nhận những công lao, cống hiến của họ, cần có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo điều kiện vật chất đủ để họ có thể toàn tâm toàn ý hiến dâng cuộc đời cho văn chương, nghệ thuật, để thỏa sức bay bổng, sáng tạo.

4. Một số vấn đề đặt ra đối với việc phát triển văn học, nghệ thuật gắn với xây dựng con người trong thời gian tới

Chấn hưng, phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà là sự nghiệp lớn lao, đầy khó khăn, thách thức, rất cần tới sự quan tâm chú trọng của Đảng và Nhà nước; sự vào cuộc tích cực của các Ban, Bộ, ngành; sự nỗ lực phấn đấu của các đơn vị văn hóa, nghệ thuật và giới văn nghệ sỹ; sự ủng hộ của toàn xã hội. Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề lớn như sau:

Trước hết, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ. Nghị quyết số 33-NQ/TW đã xác định rõ: "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để vǎn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo, trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn, khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo”

Hiện nay, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu công tác tư tưởng-văn hóa hạn chế về năng lực, hiểu biết đối với lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế này. Do đó, đã có những xử lý, ứng xử chưa đúng đối với tác giả, tác phẩm, chưa tạo được môi trường thuận lợi, kích thích sức sáng tạo của văn nghệ sỹ. Vì vậy, cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn hóa, văn nghệ của đất nước, tôn trọng quyền tự do sáng tác, tự do tư tưởng của văn nghệ sỹ. 

 Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Để làm tốt công việc này, cần tập trung xử lý các vấn đề sau:

Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường pháp lý  thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển; điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của văn học, nghệ thuật, nhất là chế độ, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; thực thi nghiêm túc quyền tác giả và quyền liên quan; xử lý kịp thời những vi phạm về chuyên môn và đạo đức trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ sáng tác đối với một số chủ đề, tác phẩm văn học, nghệ thuật cần thiết và xứng tầm; vinh danh, trao giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Thứ ba, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, cụ thể là: Phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sỹ; nêu cao trách nhiệm, ý thức công dân trong việc chấn hưng văn học, nghệ thuật nước nhà. Động viên, khích lệ kịp thời để các văn nghệ sĩ sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm văn nghệ có giá trị cao, hướng con người tới chân, thiện, mỹ, thực hiện nhiệm vụ "văn hóa soi đường cho quốc dân đi"; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trong các trường văn hóa, nghệ thuật; chú trọng phát hiện và bồi dưỡng các tài năng văn học, nghệ thuật; tăng cường công tác lý luận, phê bình đủ sức định hướng hoạt động sáng tác và công chúng. Củng cố đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê  bình chuyên nghiệp, có trình độ, vừa có "con mắt xanh" để thẩm định tác giả, tác phẩm, vừa có đạo đức, bản lĩnh trước những vấn đề nhạy cảm của văn học, nghệ thuật. 

Thứ tư, nâng cao nhận thức về vai trò của văn học, nghệ thuật, thu hút sự  quan tâm của toàn xã hội đối với phát triển văn học, nghệ thuật. Cụ thể, cần chú trọng các công việc sau:  tuyên truyền, quảng bá, đề cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học nghệ thuật; tăng cường phát triển công chúng, mở rộng thị trường văn hóa, kích thích tiêu dùng văn hóa; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tăng cường giáo dục nghệ thuật tại trường học các cấp, trong gia đình và ngoài xã hội nhằm nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật, bồi dưỡng thị hiếu, thẩm mỹ cho người dân.

Phát triển văn học, nghệ thuật là sự nghiệp khó khăn, lâu dài, phức tạp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành liên quan như: Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật và tổ chức Hội các cấp để tiến hành các hoạt động cụ thể. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để triển khai vào cuộc sống các nội dung của Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

 

(1) Hoàng Tuấn Anh - Nguyễn Chí Bền - Từ Thị Loan - Vũ Anh Tú, Xây dựng nhân cách văn hóa – Những bài học kinh nghiệm trong lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr. 18. 

(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 672.

(3) Phạm Minh Hạc, Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và nhân cách con người Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu con người số 3/ 2005.


____________________

TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng,

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất