Chủ Nhật, 20/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 2/11/2016 14:55'(GMT+7)

Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời

Quang cảnh hội nghị (Ảnh:TA)

Quang cảnh hội nghị (Ảnh:TA)

Sáng 1/11/2016, Hội nghị - Hội thảo Sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” do Vụ Thư viện phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã diễn ra tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên và Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà chủ trì Hội nghị - Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết: Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” là một đề án nhánh của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014. Để triển khai thực hiện Đề án trên, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2549/QĐ-BVHTTDL năm 2014 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020”.

Theo đó, ngày 09/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg với quan điểm: “Trong xã hội học tập, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại”. Đồng thời giao cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xây dựng Đề án thành phần.


 Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu (Ảnh:TA)

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị các nhà lãnh đạo, quản lý và đại biểu tập trung nhìn nhận, đánh giá thực tiễn sau 2 năm thực hiện Đề án với những kết quả đạt được trong việc củng cố, kiện toàn, phát triển các thiết chế và các hoạt động giáo dục, phục vụ học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ tại địa phương cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án. Đặc biệt là đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020.

Theo Báo cáo Sơ kết tình hình thực hiện Đề án, trong 2 năm qua, nhiều hoạt động giáo dục, học tập, phục vụ học tập tổ chức trong các câu lạc bộ, bảo tàng, nhà văn hóa được đông đảo người dân tích cực tham gia.

Trong hoạt động thư viện, phương thức thực hiện được đổi mới theo hướng phát huy nguồn thông tin hiện có, mở rộng các dịch vụ mới và đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sách báo; công tác luân chuyển sách được mở rộng với bình quân khoảng 10 lượt sách được luân chuyển trong năm của các thư viện; nhiều lớp học trang bị kỹ năng sống, kỹ năng công nghệ thông tin, khéo tay hay làm đã được tổ chức dành cho các đối tượng người đọc bao gồm cả người khuyết tật…

Trong các hoạt động của bảo tàng, nội dung trưng bày không ngừng sáng tạo, khẳng định vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa, nhiều nơi đã chủ động liên kết với ngành giáo dục thực hiện các hoạt động: trại hè, thi tìm hiểu, học tập lịch sử, văn hóa các địa phương,…Bên cạnh đó, các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa, Trung tâm Học tập cộng đồng cũng được đầu tư sửa chữa, xây dựng và ngày càng phát huy hiệu quả; tổ chức các hoạt động văn hóa mang tính chất giáo dục, chủ động lồng ghép và hướng dẫn các nội dung học tập suốt đời,…từ đó khơi dậy khả năng sáng tạo cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các thiết chế thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp, kinh phí và nguồn lực còn chưa đảm bảo ảnh hưởng tới việc triển khai Đề án và việc phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà đã chỉ ra hai bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần làm nên sự thành công của Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đó là: Tăng cường sự chỉ đạo, sâu sát của các cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ VHTTDL và các Sở, ngành địa phương; Đẩy mạnh việc vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội, cá nhân cùng tham gia và đồng hành trong quá trình thực hiện Đề án.

Cũng tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương đã có nhiều ý kiến tham luận nhằm đưa ra những nhìn nhận, quan điểm; đồng thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án như: “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong hệ thống thư viện, phòng đọc công an nhân dân”, “Đổi mới hoạt động thư viện trường học, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông, mầm non”, “Phối hợp giữa bảo tàng và trường phổ thông trong việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học”; “Mô hình sáng kiến phục vụ học tập suốt đời ; "Tuyên truyền giới thiệu sách học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”;…

Hội nghị diễn ra trong 1 ngày để đánh giá thực tiễn sau hai năm thực hiện: những kết quả đạt được trong việc củng cố, kiện toàn, phát triển các thiết chế; mô hình các hoạt động phục vụ học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ; những khó khăn, vướng mắc; đề xuất phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2016 – 2020./.

Nhật Minh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất