Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 8/9/2016 14:45'(GMT+7)

Nghệ An áp dụng linh hoạt mô hình trường học mới vào từng cơ sở giáo dục

Mặc dù mới chỉ là những buổi học đầu tiên của chương trình lớp 4 nhưng em Ngô Châu Khánh lớp 4B trường Tiểu học Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu và các bạn học của em tỏ ra rất tự tin trong hoạt động nhóm và thuyết trình phần trả lời câu hỏi. Khả năng làm việc nhóm, tự tin chủ động trong giao tiếp chính là những ưu điểm nổi trội của học sinh học chương trình VNEN.

“Chúng em được thảo luận nhóm và có thể chia sẻ với nhau những bài toán khó, câu hỏi khó và chúng em đã được đứng lên để làm những bài mà thầy cô giao”, em Ngô Châu Khánh, lớp 4B trường Tiểu học Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu cho biết.

“Từ khi được học chương trình VNEN, điều đầu tiên tôi thấy được là kỹ năng sống của các cháu rất tốt, còn về kiến thức học các cháu nắm khá chắc chương trình”, chị Tô Thu Lan, phụ huynh học sinh chia sẻ.

Qua 4 năm học thực hiện thí điểm chương trình VNEN, chất lượng giáo dục đại trà, nhất là chất lượng mũi nhọn của trường Tiểu học Diễn Kỷ tăng qua từng năm học. T ỉ lệ học sinh giỏi các cấp và học sinh thi đậu vào trường Cao Xuân Huy - trường THCS luôn trong tốp đầu huyện.

“Nhà trường phân chia thời gian khá hợp lý. Có những khoảng thời gian học sinh tự học, học theo nhóm, tuy nhiên cũng có những lúc phải học tại lớp để giáo viên và học sinh có thể triển khai hết được nội dung bài học. Đến bây giờ chất lượng học sinh, kể cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn nhà trường đều đảm bảo. Tôi cho rằng nếu như mỗi nhà trường áp dụng một cách cứng nhắc và máy móc chương trình này thì sẽ thất bại”, Thầy giáo Hà Văn Tôn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Kỷ, Diễn Châu khẳng định.

Không áp dụng y nguyên và máy móc mô hình VNEN mà thực hiện trên tinh thần đổi mới phù hợp với lực học thực tế của học sinh trường mình là kinh nghiệm của trường Tiểu học Diễn Kỷ cũng như nhiều trường tiểu học trong tỉnh Nghệ An đã thực hiện và mang lại kết quả tích cực.

Tại trường Tiểu học Thu Thủy - 1 trong số 2 trường Tiểu học của Thị xã Cửa Lò thực hiện dạy thí điểm mô hình VNEN. Năm học nào trường Tiểu học Thu Thủy cũng quá tải tuyển sinh đầu cấp. Phụ huynh của các phường lân cận Nghi Tân, Nghi Thủy của Thị xã và các xã lân cận của huyện Nghi Lộc như Nghi Khánh, Nghi Hợp đều có nguyện vọng xin cho con được vào học VNEN.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thu Thủy, Thị xã Cửa Lò cho hay: “Nhà trường rất tự tin với việc thực hiện chương trình VNEN bởi từ lúc thực hiện đề án này cho đến nay thì nhà trường đã nhận được đại đa số sự đồng thuận rất cao của phụ huynh. Học sinh rất tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp với giáo viên. Các em sẵn sàng hỏi bài, hỏi thêm kiến thức chưa biết và sẵn sàng đối thoại để tìm kiểu kết quả bài làm của mình sau mỗi đáp án. Hơn nữa, qua hoạt động ứng dụng, giáo viên đã phối hợp tốt hơn, có hiệu quả hơn với phụ huynh học sinh thông qua các hoạt động ở nhà cho các em”.

Với 73 trường tiểu học trên địa bàn Nghệ An được thí điểm dạy học theo chương trình VNEN, Nghệ An đã trở thành một trong những tỉnh, thành được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép số trường thí điểm lớn nhất. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, sau bốn năm thực hiện, các trường thực hiện theo dự án VNEN ở Nghệ An, chất lượng dạy học, nhìn chung được nâng lên rõ rệt, học sinh đạt chuẩn về kiến thức kỹ năng; tỷ lệ học sinh khá giỏi cao hơn các lớp bình thường.

Tuy nhiên, thực hiện chương trình trường học mới ở Nghệ An vẫn có những khó khăn như cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, vì thế giáo viên khó tổ chức hết các hoạt động trong giờ dạy, hay sỹ số lớp học đông cũng là một trong những khó khăn cho giáo viên… Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên không ổn định, do phải thuyên chuyển công tác hàng năm, nên việc bố trí giáo viên đã được tập huấn rất khó khăn và ảnh hưởng chất lượng học sinh các lớp thuộc dự án. Nghệ An là một tỉnh nghèo, nhất là các huyện vùng miền núi dân tộc, địa bàn đi lại khó khăn, nhiều điểm trường lẻ, điều kiện mội trường học tập đa số không thuận lợi. Do đó, việc xã hội hoá giáo dục gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất để tổ chức lớp học theo mô hình mới, ảnh hưởng đến việc học tập và chất lượng học tập của học sinh.

Năm học 2016 -2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chỉ đạo trong toàn tỉnh thực hiện kết hợp những mặt tốt của chương trình VNEN, thể hiện qua 4 chuyên đề. Đó là t ổ chức lớp học theo hướng học sinh tự quản; đổi mới cách dạy, cách học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, trên cơ sở các kiến thức kỹ năng để phát triển phẩm chất, năng lực; đổi mới sinh hoạt chuyên môn cấp trường và cụm trường; đổi mới phát triển cộng đồng để kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm phát triển giáo dục.

Ông Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định, với 4 chuyên đề trên, Sở khuyến khích các trường áp dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tiễn của nhà trường và của giáo viên, không áp đặt, không nóng vội. Đối với 73 trường đã thực hiện mô hình VNEN, Sở chỉ đạo các trường tự điều chỉnh, theo đó loại bỏ những vấn đề không phù hợp, không hiệu quả. Trên cơ sở đó phát huy tính tích cực, những mặt mạnh của VNEN trong 4 năm đã thực hiện bởi những trường này có điều kiện thuận lợi là giáo viên đã được tập huấn kỹ càng, tài liệu đã sử dụng quen, nền nếp dạy học đã có chất lượng...

Nhân rộng những ưu điểm nổi trội của VNEN như phát triển năng lực người học thông qua kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm cũng như khả năng tự học. Bên cạnh đó là sự sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy học để giảng dạy kiến thức chuyên sâu thông qua các hoạt động như Câu lạc bộ, Sân chơi trí tuệ như ở trường Tiểu học Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu), Trường Tiểu học Thu Thủy (Thị xã Cửa Lò)… và nhiều trường Tiểu học khác trong tỉnh Nghệ An đã, đang và sẽ thực hiện chính là nhân tố làm nên thành công của mô hình VNEN trong 4 năm học vừa qua. Những ưu điểm của phương pháp dạy học VNEN cũng đã phần nào đáp ứng đáp những yêu cầu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục./.

Bích Huệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất