Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 3/2/2009 16:23'(GMT+7)

Nghệ sĩ - Đảng viên Thanh Hoàng: Sức hút của sân khấu đã níu giữ tôi

Nghệ sĩ Thanh Hoàng (trái) và Mỹ Uyên trong vở kịch “Cõi tình”.

Nghệ sĩ Thanh Hoàng (trái) và Mỹ Uyên trong vở kịch “Cõi tình”.

 PV: Chào anh, lúc này công việc của anh có vẻ khá bận rộn?

Nghệ sĩ THANH HOÀNG: Ở nhà hát, tôi là người tham mưu cho ban giám đốc việc chọn kịch bản để dàn dựng, đồng thời kiêm việc sắp xếp lịch diễn, điều động anh em diễn viên. Chỉ sắp lịch diễn cho riêng nhà hát của mình nhưng tôi phải nắm hết lịch diễn của các sân khấu để anh em diễn viên không bị động, bởi hiện nay, một diễn viên đâu chỉ diễn có một sân khấu.

Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia diễn tết với vở Nếu như yêu và chịu trách nhiệm chọn nhạc cho hầu hết các vở diễn ở đây.

- Còn công việc đạo diễn, viết kịch bản của anh dạo này thế nào?

Mỗi khi viết kịch bản, tôi phải đầu tư thời gian khá nhiều, có khi mất cả năm mới viết xong một kịch bản. Nhưng thời gian lúc này khá bận rộn, nên tôi chưa thể làm công việc này. Còn việc đạo diễn, sắp tới đây tôi sẽ dàn dựng lại vở “Lôi vũ” – một kịch bản hay của sân khấu Việt Nam, từng được công chúng yêu thích.

- Tại sao anh chọn dựng lại kịch bản cũ “Lôi vũ” mà không là một kịch bản mới nào khác?

Trước tiên, đây là một kịch bản văn học rất hay, tôi muốn dựng lại để qua đó góp phần rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn cho lớp diễn viên trẻ. Bên cạnh đó, hiện nay nguồn kịch bản hay, phù hợp với sàn diễn của nhà hát quá hiếm.

- Vậy theo anh, sân khấu đang thiếu đội ngũ tác giả viết kịch bản?

Tôi nghĩ, đội ngũ tác giả luôn dồi dào, nhưng vấn đề là tác giả chịu đầu tư thời gian, công sức để viết nên một kịch bản mang hơi thở cuộc sống không nhiều. Nói như thế không có nghĩa tôi trách anh em tác giả mà sân khấu đang tồn tại một nghịch lý: một kịch bản có đầu tư thời gian, công sức nhiều để viết với một kịch bản ít đầu tư đang bị đánh đồng, ngang nhau về cát-xê. Cho nên, ít ai cặm cụi đi làm cái khó. Ngay như sàn diễn hiện nay cũng thế, một vở diễn có nội dung nhẹ nhàng với một vở diễn đi vào vấn đề gai góc, có khi khán giả lại thích vở nhẹ nhàng hơn.

- Có phải vì điều này mà sân khấu Tết Kỷ Sửu 2009 ở TPHCM, đa phần chỉ là những vở vui là chính?

Theo tôi, trong không khí vui đón năm mới, người xem thường thích xem các vở vui vui, nội dung nhẹ nhàng. Chính vì thế chúng tôi thường chọn các kịch bản có nội dung phù hợp như thế để dàn dựng trong dịp tết. Tuy  nội dung nhẹ nhàng nhưng phải có ý nghĩa, chứ không phải nhẹ tênh, xem xong chẳng có điều gì lắng đọng trong người xem.

- Sàn diễn ngoài chức năng mang lại sự giải trí cho khán giả, còn có tính định hướng thẩm mỹ, giúp người xem nâng cao trình độ thưởng thức của mình. Nhưng gần đây, sân khấu TPHCM đang thưa dần những vở diễn như vậy...

Khi làm sân khấu, yếu tố khán giả cũng rất quan trọng. Một tác phẩm làm ra mà không thu hút được người xem thì không thể nào gọi là một tác phẩm hay. Người nghệ sĩ có thể “chơi” nghệ thuật 1, 2 vở, nhưng còn đường dài thì không thể nào kham nổi.

Tuy nhiên, khi hướng về khán giả, những người làm sân khấu như chúng tôi cũng rất chú trọng đến tính định hướng thẩm mỹ, giáo dục. Ở đây, đòi hỏi những người làm sân khấu phải bản lĩnh để dung hòa các yếu tố trên, nếu không dễ đánh mất mình.

- Nhiều năm gắn bó với sân khấu, có những lúc phải đối diện khó khăn, đôi khi nghệ sĩ phải rẽ sang nghề khác kiếm sống, còn anh?

Tôi cũng từng thử sức làm kinh doanh địa ốc, cũng kiếm được chút tiền kha khá mà sân khấu khó có thể mang lại. Nhưng thú thật, sân khấu có một sức hút mãnh liệt nên đã giữ chân tôi lại. Nếu không biết đâu giờ này, Thanh Hoàng không là đại gia trên sàn diễn, phim ảnh mà là đại gia thật giữa đời thường lắm chứ!

Theo Đỗ Hạnh SGGPOnline

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất