Nhiều lao động bị mất việc, trong lúc khá đông doanh nghiệp cần tuyển dụng mà không có người. Lao động đã qua đào tạo khó tìm việc, trong khi nhiều doanh nghiệp đang khát nhân lực có tay nghề.
Doanh nghiệp “rao” tuyển hàng nghìn người nhưng khi trung tâm giới thiệu việc làm mới cung ứng được vài chục người thì không tiếp nhận nữa. Số lao động được đào tạo theo báo cáo của ngành lao động - thương binh và xã hội năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu thiếu lao động có tay nghề...
Bài toán cung – cầu nguồn nhân lực hiện tồn tại quá nhiều nghịch lý.
Nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động
Theo thống kê quý 1/2009 của Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM, ở hầu hết các nhóm ngành nghề, nhu cầu của doanh nghiệp đều cao hơn số lao động tìm việc.
Ở khu vực phi sản xuất, mức chênh lệch cao nhất giữa cung và cầu lao động rơi vào nhóm ngành nghề marketing, dịch vụ, pháp lý, phục vụ. Tỷ lệ cung vượt cầu là 50,04%. Ngành tài chính, ngân hàng, giáo dục, tỉ lệ này là 37,04%.
Ở khu vực sản xuất, hầu hết các nhóm ngành nghề kỹ thuật đều có tỉ lệ chênh lệch cung – cầu khá cao. Nhóm ngành nghề kiến trúc, thiết kế, in ấn, bao bì, xuất bản là 49,94%; điện, điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh là 37,12%; cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải, hàng hải là 30,22%.
Riêng nhóm ngành nghề thâm dụng lao động, sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, thủ công mỹ nghệ, bảo vệ thì cầu cao hơn cung 49,92%.
Các con số trên phần nào cho thấy, sản xuất của doanh nghiệp từng bước được hồi phục, kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng trở lại.
Dự báo, trong quý 2/2009, vẫn sẽ biến động lao động mạnh giữa các ngành nghề, với tình trạng thiếu hụt, khó tuyển lao động tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhóm ngành dệt may, giày da, bảo vệ... và những ngành sử dụng đông lao động phổ thông.
Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một nghịch lý là trong lúc có quá nhiều người mất việc, chưa tìm được việc làm còn các doanh nghiệp thì không tuyển được người lao động.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM cho rằng: “Sở dĩ cung luôn vượt cầu là do trên thực tế có một số lượng lớn người lao động không tham gia thị trường lao động, mặc dù họ cũng đang rất cần việc làm.
Bởi vì phần lớn người vừa bị mất việc là lao động thuộc nhóm ngành nghề khá nặng nhọc, thu nhập thấp, nhất là ngành may, dệt, giày da không muốn quay lại công việc cũ và đang cân nhắc lựa chọn công việc khác”.
Mất việc vẫn... lạc quan
Trên thực tế, nếu xét về toàn cục thì chưa hẳn có sự hồi phục hoàn toàn từ phía các doanh nghiệp. Bởi có không ít trường hợp, do thiếu ổn định và bị động trong sản xuất, đơn hàng, nên khi có hợp đồng, doanh nghiệp sẽ rao tuyển dụng hàng loạt, nhằm có thể nhanh chóng giải quyết đơn hàng cho kịp tiến độ, và cũng có thể để... dự phòng.
Ngoài ra, theo nhận định của chuyên gia Trần Anh Tuấn, không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp đưa ra nhu cầu tuyển dụng “ảo” để “đánh bóng thương hiệu”, hoặc nhằm các mục đích không chính đáng khác, gây “nhiễu” thông tin thị trường lao động.
“Một số doanh nghiệp mặc dù thiếu đơn hàng, hoạt động cầm chừng nhưng vẫn không tuyên bố sa thải công nhân, mà cho họ nghỉ việc, hưởng 70% lương cơ bản, tức chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng. Số công nhân này, theo thời gian đã không còn chịu nổi, phải “tự giác” xin nghỉ việc để tìm công việc khác. Số này rất lớn, nhưng vẫn không thể xếp vào dạng lao động bị sa thải.
Mặt khác, một số lao động được giới thiệu nhận việc ở doanh nghiệp mới, nhưng do không phù hợp với công việc nên chỉ sau thời gian ngắn họ lại bỏ việc. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ báo cáo số lao động vào mà không báo cáo số lao động ra”, ông Tuấn cho biết.
Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thị trường TNS và Viện Gallup International, thì so với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, lao động Việt Nam có vẻ “lạc quan” về vấn đề việc làm hơn nhiều so với lao động các nước khác. Con số thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 31% số người lao động được hỏi ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ bị mất việc làm.
Tuy nhiên, sự tự tin về cơ hội tìm kiếm việc làm mới của người lao động Việt Nam là khá cao. Khoảng 1/3 số công nhân được hỏi (39%) về cơ hội sau khi mất việc, tin rằng họ có khả năng tìm được việc mới nhanh chóng trong khi 55% nghĩ rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Giải thích về điều này, một nhà nghiên cứu về thị trường lao động cho biết, phần đông lực lượng lao động Việt Nam có xuất phát điểm khá thấp, chủ yếu xuất thân từ nông thôn, nên họ có thể tự tìm ra nhiều lối thoát nếu bị mất việc. Họ có thể chấp nhận một mức sống thấp hơn, nhưng không phải là... mất tất cả, nếu bị thất nghiệp như lao động ở các nước phát triển.
Thậm chí, nếu không tìm được việc làm ở các đô thị, trung tâm kinh tế lớn, họ có thể trở về quê làm ruộng, sống dựa vào gia đình. Đây chính là cơ sở để tạo nên sự tự tin, tính “đề kháng” của số đông người lao động tại Việt Nam.
Có thể nhận thấy trong thời gian qua, rất nhiều người lao động mất việc đã đứng ngoài cuộc và tỏ ra không mặn mà với các hoạt động, chương trình xúc tiến việc làm của các trung tâm giới thiệu việc làm tại Tp.HCM; dù các chương trình kết nối này đã mang lại cơ hội cho hơn 10.000 người trong số khoảng 20.000 nhu cầu tuyển dụng từ phía các doanh nghiệp.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, có thể người lao động “chê” việc làm có thu nhập thấp. Nhưng, chuyên gia Trần Anh Tuấn cho rằng: “Chỗ làm có thu nhập thấp không thể coi là việc làm. Sức lao động là một dạng hàng hóa đặc biệt, theo đó chỉ có thể xem người lao động có việc làm khi thu nhập đó bảo đảm cho họ khả năng tái tạo sức lao động ở mức tối thiểu”.
(Theo Vneconomy)