(TG)-Đề án đã đề xuất phương châm công tác tuyên giáo là: Nhanh nhạy- hiệu quả- thuyết phục- bám sát thực tiễn.
Ngày 15-9, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức nghiệm thu Đề án “Một số vấn đề về đổi mới nội dung, phương thức công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương”, do PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm chủ nhiệm đề tài. GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường, sự bất ổn khu vực, nhất là tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hậu quả khủng hoảng kinh tế ở một số nơi, đã tác động sâu đến tình hình chính trị-kinh tế-xã hội ở nước ta. Các thế lực phản động không ngừng tìm mọi thủ đoạn thâm độc để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến” trong nội bộ ta. Những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, điều hành đất nước, hiện tượng tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất gây bất bình xã hội, làm xói mòn niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, cách mạng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, mạng xã hội, internet đang tác động sâu sắc, toàn diện tới đời sống nhân loại, tạo ra nhiều thời cơ, thách thức cho mỗi quốc gia.
Để giải quyết những vấn đề lớn và hệ trọng nêu trên, đòi hỏi ngành Tuyên giáo phải quyết tâm cao trong việc đổi mới nội dung, phương thức công tác. Điều này phải kiên trì, lâu dài, có lộ trình phù hợp, vừa phải có tầm nhìn chiến lược, vừa phải có chương trình, kế hoạch cụ thể cho những năm trước mắt và lâu dài. Đổi mới cần được dựa trên cơ sở khoa học, sự đúc kết kinh nghiệm thực tế, sự phát hiện, tìm tòi cái mới từ thực tiễn công tác tuyên giáo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị.
Đề án “Một số vấn đề đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo trong tình hình mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện nhằm góp phần giải quyết những vấn đề lớn đã được nêu. Nội dung, phương thức công tác tuyên giáo là những vấn đề mang tính cốt lõi, góp phần làm nên hiệu quả công tác. Mỗi một nhiệm kỳ, nội dung, phương thức của ngành Tuyên giáo gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ, trực tiếp là cầu nối để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ những nhiệm vụ đó. Cùng với các điều kiện đảm bảo trong thực hiện công việc, mỗi nội dung, nhiệm vụ có phương thức và lực lượng, công cụ làm công tác khác nhau. Trải qua nhiều nhiệm kỳ, bằng kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo của Đảng, của ngành Tuyên giáo, với tác động của cách mạng khoa học công nghệ, của hội nhập quốc tế, nội dung và phương thức công tác tuyên giáo cũng thay đổi nhanh chóng, vừa kế thừa các phương thức truyền thống, vừa bổ sung, phát triển các phương thức mới, đảm bảo công tác tuyên giáo ngày một hiệu quả hơn.
Đề án đã chỉ rõ thực trạng công tác tuyên giáo thời gian qua, đi từ những đánh giá về thành tựu chung về công tác tuyên giáo thời gian qua, từ các đánh giá trong các văn kiện đảng, tổng kết 30 năm đổi mới, dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Bên cạnh đó, đề án còn đưa ra những đánh giá của nội bộ ngành Tuyên giáo về kết quả hoạt động của mình trong từng năm và cả nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng. Trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng về nội dung, phương thức công tác đã thực hiện. Đề án đã nêu cụ thể thực trạng nội dung, phương thức công tác tuyên giáo trên các lĩnh vực, từ công tác lý luận chính trị, công tác tuyên truyền và cổ động... nêu cụ thể những vấn đề đang đặt ra về nội dung, phương thức công tác trước yêu cầu mới hiện nay.
Trên cơ sở mục tiêu đã đề ra, Đề án đã đề xuất phương châm công tác tuyên giáo là: Nhanh nhạy- hiệu quả- thuyết phục- bám sát thực tiễn. Để thực hiện được phương châm đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm là:
Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cơ chế hoạt động của Ban Tuyên giáo Trung ương, các vụ, đơn vị.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức công tác một số nhiệm vụ cơ bản của ngành Tuyên giáo.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, cổ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động một số lĩnh vực cụ thể.
Năm là, hoàn thiện cơ chế cung cấp thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan, các binh chủng làm công tác tuyên giáo, đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất phù hợp.
Sáu là, đổi mới công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên giáo, các vấn đề về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác tổ chức cán bộ được nêu cả về nội dung, hình thức đổi mới.
Đề án đã đưa ra những kiến nghị cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhiệm kỳ mới về các vấn đề kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ chế chính sách, cơ cấu tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, đảm bảo triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới hiệu quả hơn.
Đề án đã được nghiệm thu và xếp loại Khá.
Bảo Châu