Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Năm, 17/10/2019 13:50'(GMT+7)

Nghiện ma túy tổng hợp: Có thể dự phòng và điều trị

Các chuyên gia trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo

Các chuyên gia trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo

Tại họp báo, các chuyên gia đã cung cấp những thông tin về xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay trên thế giới và cách dự phòng và điều trị.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, xu hướng sử dụng, nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Năm 2001 chỉ có khoảng 1,5% người sử dụng ma túy ở Việt Nam sử dụng ATS thì đến năm 2016 con số này đã tăng lên xấp xỉ 10%.

Phát biểu tại họp báo, BS. Huỳnh Thanh Hiển - Trưởng khoa T3 Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh cho biết, số người nghiện ma túy tổng hợp đang tăng rất cao.

GS. TS. Nicole Lee, Giám đốc Trung tâm điều trị nghiện rượu và ma túy 360Edge của Úc cho biết, ma túy tổng hợp gây nhiễu loạn các chức năng của não bộ, vì thế dẫn đến những tác hại lâu dài đối với sức khỏe tâm trí bao gồm lo âu, trầm cảm, suy giảm trí nhớ và khả năng đưa ra quyết định một cách tỉnh táo. Tình trạng sử dụng ATS kéo dài có thể dẫn tới tăng độ dung nạp và phụ thuộc.

Về dự phòng và điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, theo GS. TS. Nicole Lee, dù ATS gây nhiễu loạn các chức năng của não bộ. Tuy nhiên, những vấn đề này mang tính chất tạm thời và các chức năng của não bộ dần có thể phục hồi sau khi ngưng sử dụng ma túy. Đối với những người đã sử dụng trong một khoảng thời gian dài, quá trình hồi phục có thể mất đến 12-18 tháng và thậm chí hơn.

“Chúng ta cần thay đổi quan điểm và phương pháp điều trị và cách cung cấp dịch vụ cho phù hợp để có thể ứng phó với những tác dụng khác nhau của ATS. Với mỗi USD đầu tư vào điều trị, cộng đồng có thể tiết kiệm được 7 USD cho các chi phí khác mà đáng ra phải dùng để khắc phục hậu quả do việc sử dụng ATS gây ra”, TS. Nicole Lee chia sẻ.

Cũng theo TS. Nicole Lee, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS mà cần một giải pháp tổng thể bao gồm các can thiệp về tâm lý xã hội cũng như các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3 Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, người sử dụng ATS phần lớn sẽ sử dụng giảm dần sau một thời gian, có nhiều người ngừng sử dụng.

Nhóm người sử dụng nhưng chưa lệ thuộc sẽ chưa có các rối loạn tâm thần, tuy nhiên, cần thiết phải có những biện pháp can thiệp sớm để họ không chuyển sang giai đoạn sử dụng thường xuyên và lệ thuộc. Điều này giúp giảm tác hại của việc sử dụng, phòng tránh trường hợp sử dụng quá liều, ngáo đá và sốc thuốc.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hiển, hiện nay do kỳ thị xã hội và quan điểm tiêu cực về người sử dụng ma túy tổng hợp nên phải mất trung bình từ 5-6 năm, thậm chí lâu hơn, khi tình trạng đã trở nên nghiêm trọng thì họ mới tìm đến hỗ trợ và điều trị.

Trước vấn nạn ma túy tổng hợp hoành hành, tháng 3/2019, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ điều trị cho người nghiện/lệ thuộc ma túy tổng hợp, phác đồ do nhiều chuyên gia về sức khỏe tâm thần, ma túy, phòng, chống HIV... xây dựng.

Với phác đồ này, các bác sĩ sẽ can thiệp tâm lý và hành vi, tư vấn, tăng cường động lực để hỗ trợ người lệ thuộc ma túy tổng hợp cai nghiện. Khác với ma túy truyền thống có thuốc cắt cơn và hỗ trợ cai nghiện, người nghiện ma túy tổng hợp chủ yếu được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, trong đó thầy thuốc, người thân và gia đình người lệ thuộc ma túy có vai trò hỗ trợ rất quan trọng./.

Thùy Trang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất