(TG) - Béo phì đang trở thành một thách thức trên toàn cầu với sự liên quan đến nhiều bệnh trong đó đặc biệt nguy hiểm là việc làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Thừa cân béo phì là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thừa cân béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân gây ra nhiều nguy hại tới sức khỏe. Nhìn chung, bệnh thừa cân béo phì thể hiện trọng lượng cơ thể cao hơn trọng lượng chuẩn ở một người khỏe mạnh.
Thừa cân béo phì có thể xảy ra với bất kỳ ai. Dấu hiệu dễ nhận thấy của béo phì là gia tăng trọng lượng và tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi... Nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Các chất dinh dưỡng được cung cấp quá nhiều mà sự tiêu hao lại quá ít dẫn đến tình trạng tích lũy mỡ.
Người có nguy cơ cao bị thừa cân béo phì bao gồm: người có thói quen dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu, người sống tĩnh tại, tuổi trung niên, phụ nữ sau sinh, trong gia đình có nhiều người bị béo phì, dân cư đô thị. Môi trường làm việc văn phòng tĩnh tại, ít vận động hoặc lười tập luyện cũng là nguyên nhân của béo phì. Những người hoạt động thể lực thường ăn thức ăn giàu năng lượng, khi họ thay đổi lối sống, hoạt động giảm đi nhưng vẫn giữ thói quen ăn nhiều cho nên bị béo phì...
Thừa cân béo phì là nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau
Khi đề cập đến vấn đề béo phì, hầu hết đều liên tưởng đến các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường... Nhưng ít người nghĩ đến mối quan hệ của béo phì và bệnh lý ung thư. Tuy nhiên, gần đây theo các số liệu của các tổ chức nghiên cứu về ung thư trên thế giới uy tín như Mỹ, Anh,... tổng kết lại từ những nghiên cứu đoàn hệ - là nghiên cứu sử dụng tìm nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến một loại bệnh lý nào đó.
Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Bergen ở Na Uy kết luận rằng người trưởng thành bị thừa cân, béo phì trước tuổi 40 có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau. Giáo sư Tone Bjorge - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "béo phì" là một trong những yếu tố nguy cơ được xác định làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư” như ung thư nội mạc tử cung tăng cao nhất, đến 70%; ung thư tế bào thận ở nam tăng 58%; ung thư ruột ở nam tăng 29%; tất cả các bệnh ung thư liên quan đến béo phì ở cả hai giới tăng 15%. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành thừa cân và béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú sau mãn kinh, nội mạc tử cung, tế bào thận và ung thư ruột kết.
Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cũng cho rằng, các loại ung thư dễ mắc do thừa cân béo phì là: óng to nh
- Ung thư tuyến giáp: Người có chỉ số BMI cao hơn (cụ thể là tăng 5 đơn vị BMI) có liên quan đến sự gia tăng nhẹ (khoảng 10%) nguy cơ ung thư tuyến giáp.
- Ung thư biểu mô thực quản: Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc ung thư biểu mô thực quản cao gấp 2 lần so với người có cân nặng bình thường. Những người có cân nặng quá khủng thì nguy cơ này cao gấp 4 lần.
- Bệnh lý đa u tuỷ xương, một bệnh ung thư huyết học, nguy cơ mắc gia tăng nhẹ 10-20% khi thừa cân, béo phì.
- Ung thư vú: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở phụ nữ mãn kinh, chỉ số BMI cao hơn có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư vú. Ví dụ, mức tăng 5 đơn vị BMI thì nguy cơ mắc có thể tăng lên 12%.
- Ung thư gan: Nguy cơ mắc ung thư gan ở người thừa cân, béo phì cao gấp đôi với người có cân nặng bình thường. Mối liên hệ này rõ ràng hơn ở nam giới so với nữ giới.
- Ung thư thận, nguy cơ cũng tăng gấp đôi
- Ung thư túi mật: so với những người có cân nặng bình thường, nguy cơ mắc ung thư túi mật tăng nhẹ ở những người thừa cân (khoảng 20%) và là 60% ở những người béo phì. Nguy cơ rủi ro gia tăng ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
- Ung thư dạ dày tâm vị: Béo phì, thừa cần làm tăng gấp 2 lần nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở nửa trên, phần gần nhất với thực quản.
- Ung thư đại trực tràng: Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở người béo phì cao hơn một chút so với người bình thường, khoảng 30%.
- Ung thư buồng trứng: BMI cao hơn có liên quan đến sự gia tăng nhẹ nguy cơ ung thư buồng trứng. Ví dụ, chỉ số BMI tăng 5 đơn vị thì làm nguy cơ mắc tăng 10% ở những phụ nữ chưa bao giờ sử dụng liệu pháp hormone thay thế sau mãn kinh.
- Ung thư nội mạc tử cung: Phụ nữ béo phì và thừa cân có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung cao gấp 4 lần nhưng chị em có cân nặng bình thường. Nguy cơ mắc cũng tăng lên khi tăng cân ở tuổi trưởng thành.
- Ung thư tuỵ: Nguy cơ mắc ung thư tuyến tuỵ cao hơn gấp 1,5 lần ở người thừa cân hoặc béo phì so với người có cân nặng bình thường.
Sở dĩ, người thừa cân, béo phìcó nguy cơ ung thư cao hơn bình thường là do việc tích quá nhiều chất béo trong cơ thể dẫn đến: 1) Tăng nồng độ hormone giới tính như estrogen - đặc biệt với phụ nữ sau mãn kinh điều này có thể làm cho các tế bào nhân lên nhanh chóng hơn trong vú và tử cung. Từ đó làm tăng nguy cơ ung thư ở các vị trí này. 2) Tăng mức insulin, làm cho các tế bào phân chia nhanh hơn dễ gây ung thư. 3) Hệ miễn dịch suy yếu, các mô bị viêm giúp gia tăng và lây lan của bệnh ung thư.
Lời khuyên của chuyên gia
Một chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và giữ cân nặng hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Những thói quen sống lành mạnh này cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh khác như bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp II và huyết áp cao. Ăn ngủ điều độ giúp tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn đồng thời hạn chế được việc cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu của cơ thể.
Bên cạnh đó, cần tầm soát ung thư định kỳ nhằm phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư, khối u để điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng. Với riêng người béo phì, việc tầm soát ung thư lại càng cần thiết và cần được thực hiện thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
Hưng Phong