Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 16/10/2019 14:16'(GMT+7)

Phải giảm bằng được các chỉ số yếu kém về dinh dưỡng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện UNICEF ký cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện UNICEF ký cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em Việt Nam.

Ngày 16/10 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UNICEF tổ chức Hội nghị công bố báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019, khung hành động cải thiện dinh dưỡng bà mẹ và thực hành cho trẻ ăn bổ sung ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác đảm bảo dinh dưỡng đối với bà mẹ, trẻ em được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế, cũng như ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều chính sách, chương trình, đề án về công tác này. Tuy nhiên, trong thực tế việc bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện (cả về mặt nhận thức của người dân, xây dựng chính sách,…) trong thời gian tới.

Đối với trẻ em Việt Nam, tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng đang cao hơn trung bình nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực: 25% trẻ em Việt Nam bị thấp còi do suy dinh dưỡng, thậm chí con số này ở vùng miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên lên tới  30% , trong khi đó ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương chỉ là 8%.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu là phải giảm bằng được các chỉ số yếu kém về dinh dưỡng nêu trên. Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về dinh dưỡng. Việc tuyên truyền phải dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng phải có cách làm gần gũi, dễ hiểu để người dân dễ tiếp thu và thay đổi những hành vi bất hợp lý của mình.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan hữu trách cần hợp tác chặt chẽ với chuyên gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tham khảo, nghiên cứu xây dựng và đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án, chương trình hợp lý về dinh dưỡng...

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, qua sự kiện này, với sự chung tay của toàn xã hội và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, bảo đảm dinh dưỡng – vấn đề đầu tiên vì mục tiêu phát triển nguồn vốn con người sẽ được đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả.

Tại Hội nghị, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết, báo cáo năm nay đưa ra góc nhìn mới mẻ về tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em toàn cầu, đồng thời đề xuất các giải pháp tập trung ưu tiên dinh dưỡng cho trẻ để phát triển nguồn vốn con người (cả về thể chất và tinh thần).

Theo UNICEF, ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ nhỏ đang chịu nhiều gánh nặng về suy dinh dưỡng. Cụ thể là, hiện có tới 10,3% phụ nữ bị nhẹ cân; 23,9% có tầm vóc thấp bé; 25,5% thiếu máu; 9,8%  chị em bị thừa cân hoặc béo phì. Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, nhu cầu dinh dưỡng của người mẹ tăng lên đáng kể dẫn tới 33% bị thiếu máu, 80% bị thiếu kẽm… Những phụ nữ khi mang thai mà nhẹ cân hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, các em bé sinh ra có nguy cơ tử vong cao hơn, dễ mắc bệnh, bị thấp còi, suy giảm trí tuệ và sau này dễ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch,…  Đối với trẻ em, tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi tăng cao nhanh chóng khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi. Do lúc này sữa mẹ không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin, khoáng chất. Trong khi đó việc cho trẻ ăn bổ sung lại không được chú ý đầy đủ hoặc thực hiện không hợp lý,… kết quả là có tới 23,85 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thấp còi; 5,8% gầy còm; 28% thiếu máu; 5,9,% trẻ bị thừa cân…

Từ những số liệu trên, UNICEF khẳng định rằng, việc đảm bảo cho người mẹ được cung cấp dinh dưỡng một cách hợp lý là điều rất quan trọng cho sức khỏe và tinh thần của chính họ và con cái của họ. Đồng thời cần có hành động để cải thiện tình trạng cho trẻ ăn bổ sung để giải quyết tình trạng thấp còi và đảm bảo rằng tất cả trẻ em Việt Nam có thể phát triển một cách tối ưu.

Đại diện UNICEF cho rằng, sự kiện này chính là một cơ hội để gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ suy dinh dưỡng, thấp còi của trẻ em Việt Nam (hiện đang có tỷ lệ cao hơn nhiều quốc gia châu Phi và thế giới), qua đó có những giải pháp thiết thực, tổng thể cả về truyền thông, xây dựng chính sách, bảo đảm nguồn tài chính, nhân lực; cũng như thúc đẩy sản xuất thực phẩm giàu dinh dưỡng, kiểm soát các thực phẩm không lành mạnh để cải thiện tình trạng này trong thời gian tới./

Phương Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất