Hiện nay, công tác chống lao còn gặp nhiều thách thức như cung ứng sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều khó khăn, việc cung ứng Xpert gián đoạn dẫn đến việc sàng lọc và phát hiện hạn chế.
Chương trình chống lao quốc gia thời gian tới sẽ đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực, các sáng kiến mới, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao, áp dụng y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung-Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia đã cho biết như vậy trong sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2019 của Dự án phòng chống lao.
Theo đánh giá của Chương trình Chống lao quốc gia, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Việt Nam hiện đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu đồng thời đứng thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2018).
Phó giáo sư Nhung cho hay trong 6 tháng đầu năm 2019, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù số bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học giảm nhẹ (357 ca), nhưng số bệnh nhân không có bằng chứng vi khuẩn học và lao ngoài phổi lại tăng so với cùng kỳ năm 2018 lần lượt là 921 và 252 trường hợp.
Về hoạt động điều trị, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (87%), đạt chỉ tiêu của WHO song lại chưa đạt mục tiêu Chương trình phòng chống lao đã đề ra là trên 90%. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Hà Nội (94%), Quảng Ngãi (94%) và Hậu Giang (97%).
Trong nửa đầu năm 2019, Chương trình chống lao đã phát hiện 50.645 bệnh nhân lao các thể, đạt tỷ lệ phát hiện khoảng 52/100 dân và điều trị thành công cho trên 90% số bệnh nhân lao mới và tái phát phát hiện được. Ước tính cả năm, Chương trình sẽ đạt 100% các chỉ tiêu đặt ra với Chính phủ và Bộ Y tế về tỷ lệ phát hiện và điều trị thành công cho bệnh nhân lao.
6 tháng cuối năm 2019, Chương trình chống lao quốc gia tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động thường quy và các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên như phát hiện chủ động, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, lao trẻ em, lao/HIV, thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp (PAL), phối hợp y tế công - tư (PPM)...
Theo phó giáo sư Nhung, hiện nay, công tác chống lao còn gặp nhiều thách thức như cung ứng sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều khó khăn, việc cung ứng Xpert gián đoạn dẫn đến việc sàng lọc và phát hiện hạn chế. Việc cung ứng thuốc chưa đầy đủ và kịp thời (do việc tiếp nhận thuốc từ Hợp đồng mua sắm năm 2018 bị chậm hơn nhiều so với kế hoạch dẫn tới thiếu cục bộ một số thuốc như Lzd, Cfz, Mfx…).
Bên cạnh đó, công tác phối kết hợp trong hoạt động phối hợp y tế công-tư vẫn còn hạn chế. Sự gắn kết giữa các cơ sở y tế công-tư còn chưa thật sự khăng khít do nhiều yếu tố như phản hồi hai chiều chưa được thường xuyên, kinh phí hỗ trợ cho y tế tư không có trong khi các cơ sở y tế tư rất ngại ghi chép báo cáo mất nhiều thời gian...
Để hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030, Chương trình Chống lao cần tiếp tục xây dựng và phối hợp cùng Bộ Y tế vận động ngân sách Chính phủ cấp cho Chương trình Chống lao đủ để mua thuốc chống lao cho toàn bộ các bệnh nhân lao trong chẩn đoán, điều trị năm 2019-2020./.
Theo Vietnam+