Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 15/10/2010 20:31'(GMT+7)

Ngọn lửa niềm tin

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Lâu nay, trong xã hội ta, có nhiều người, tất nhiên không phải là tất cả, luôn luôn bàn đến đề tài niềm tin. Có người than thở: chưa bao giờ giảm sút lòng tin như bây giờ! Có người phàn nàn xã hội rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin! Nhưng khi được hỏi giảm sút, khủng hoảng niềm tin vào điều gì? vào ai ? thì không được trả lời một cách rõ ràng chính xác, đầy đủ. Nhưng niềm tin bao giờ cũng đòi hỏi phải đặt vào một đối tượng cụ thể.

Đúng là trong cuộc sống con người bao giờ cũng phải có niềm tin. Có niềm tin vững chắc và khoa học con người mới có thể thực hiện thành công mọi ước mơ, khát vọng, hoài bão và lý tưởng của mình. Niềm tin hình thành trên nền tảng của trí tuệ phát triển, nhận thức khoa học, sự hiểu biết sâu sắc bản chất sự phát triển khách quan của lịch sử dân tộc, tiến trình đi lên của thời đại.

Trong thăng trầm của lịch sử phát triển loài người, của dân tộc ta, đã có bao nhiêu bài học về niềm tin. Chỉ có qua thời gian, không gian, qua bao cam go, thử thách, thất bại và thành công niềm tin mới vững chắc và đạt tới chân lý “bỏ vào lửa không cháy, bỏ xuống nước không chìm”. Chân lý tuyệt đối hay chân lý tương đối đã được trí tuệ loài người minh xét và đúc kết.

Trong những ngày này, nhiều tổ chức đoàn thể và nhân dân cả nước ta tiến hành thảo luận và đóng góp ý kiến vào các Dự thảo văn bản kiện trình Đại hội XI của Đảng, bao gồm Dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển) và Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011 - 2020.

Thảo luận và đóng góp ý kiện vào các văn kiện chính trị quan trọng này là công việc có ý nghĩa vô cùng to lớn, công việc “quốc gia đại sự”. Mỗi đảng viên hơn bao giờ hết tự bản thân phải nhận thức rõ vai trò người chiến sĩ cộng sản trước con đường đi lên của đất nước. Mỗi người dân hơn bao giờ hết cần nhận thức trách nhiệm công dân của mình trước vận mệnh của dân tộc. Các dự thảo văn kiện nói trên của Đảng nhằm vạch ra phương hướng, đường lối phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá giáo dục, an ninh quốc phòng, đối nội, đối ngoại... cho thời kỳ quá độ và giai đoạn lịch sử 2011 - 2020.

Để thảo luận và đóng góp ý kiến vào các Dự thảo văn kiện của Đảng đem lại hiệu quả trước hết là cần có niềm tin. Và sau đại hội các cấp của Đảng và các cuộc thảo luận, góp ý của nhân dân niềm tin ấy được tăng thêm gấp bội. Niềm tin ấy là niềm tin vào Đảng lãnh đạo, tin vào đường lối mà Đảng đã vạch ra.

Đó là đường lối chiến lược xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 để nước ta đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Niềm tin của toàn dân tộc sẽ hướng vào mục tiêu ấy. Nhưng cũng không loại trừ có người còn phân vân, hoài nghi, do dự về mục tiêu ấy khi bản thân họ không có được niềm tin. Song thực tế lịch sử ra đời, xây dựng và phát triển của Đảng ta, Đảng do Bác Hồ kính yêu sáng lập và rèn luyện, trong 80 năm qua đã đủ cơ sở, nền tảng xua tan đi những phân vân, hoài nghi, do dự góp phần xây dựng và củng cố cho mọi người niềm tin vững chắc vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Từ năm 1930 đến 1945, 15 năm tuổi dù còn non trẻ, trải qua bao cuộc đấu tranh hy sinh xương máu, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành độc lập tự do trong cách mạng Tháng Tám. Từ 1945 đến 1954, Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta trường kỳ kháng chiến để “Chín năm làm một Điện Biên / Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, giải phóng một nửa đất nước.

Từ 1954 đến 1975, 21 năm Đảng lãnh đạo nhân dân hai miền tiến hành cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, đầy hy sinh gian khổ, kết thúc bằng Mùa xuân đại thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh bại chủ nghĩa thực dân mới, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Và từ 1975 đến nay, Đảng lãnh đạo nhân dân ta từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới, đúng đắn và phù hợp với thực tiễn đất nước ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 của Đảng ta là thể hiện một bước quan trọng nhận thức và tư duy mới của Đảng, sau khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa quốc tế tan rã.

Đến nay đứng trước thời đại toàn cầu hoá, tình hình trong nước và quốc tế đang có những chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt, do tiến bộ như vũ bão của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đòi hỏi Đảng ta phải bổ sung và phát triển cương lĩnh năm 1991, xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Đại hội lần thứ XI sắp tới của Đảng sẽ tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn Dân xây dựng cương lĩnh và chiến lược kinh tế trên cơ sở nhận thức và tư duy mới. Chỉ có trên cơ sở nhận thức và tư duy mới xây dựng và đóng góp ý kiến cho cương lĩnh và chiến lược, niềm tin của chúng ta mới được hình thành và củng cố ngày càng vững chắc.

Bao nhiêu thế hệ các chiến sĩ cộng sản và những người con yêu quý của dân tộc ta đã dám hy sinh anh dũng vì mục tiêu: Tổ quốc độc lập, dân tộc tự do. Chúng ta có niềm tin son sắt vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay, đó là mục tiêu cụ thể kết tinh bằng mười chữ vàng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là ước mơ đang được hiện thực hoá, khát vọng muôn đời đang đi tới đích. Chúng ta sẽ thực hiện thành công mục tiêu đó. Và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin vào sức sống mãnh liệt của dân tộc là ngọn đuốc soi đường ta đi: Tin Đảng, tin chính mình để có sức mạnh tiếp bước trên con đường xây dựng đất nước. Và điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta mãi mãi giữ cho ánh lửa của ngọn đuốc niềm tin ấy ngày càng chói sáng, không bao giờ tắt./.

(Theo: Linh Ngôn/Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất