Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua các thời kỳ cách mạng, giai cấp nông dân luôn là lực lượng hùng hậu đi theo Đảng, cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức là nền tảng chính trị của cách mạng, đóng góp to lớn về người và của, vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam với lực lượng hùng hậu, với truyền thống yêu nước nồng nàn, những năm qua đã tích cực góp phần vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đã khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Gần 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, giai cấp nông dân cùng với nhân dân cả nước tạo nên những thành tựu khá toàn diện và to lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là cư dân nông thôn.
Phát huy vai trò “đầu tàu” của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ sở của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Được Đảng, Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo, trong suốt 8 thập niên qua, Hội đã vượt qua nhiều khó khăn, không ngừng củng cố và lớn mạnh, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, vận động giai cấp nông dân liên minh với giai cấp công nhân, tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn liền với từng thời kỳ cách mạng, luôn xứng đáng với lòng tin của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam với lực lượng hùng hậu, với truyền thống yêu nước nồng nàn, những năm qua đã tích cực góp phần vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. |
Về tổ chức, Hội có hệ thống bốn cấp từ Trung ương đến cơ sở với 63 ban Chấp hành hội nông dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 655 ban chấp hành hội nông dân huyện, quận, thị, thành phố thuộc tỉnh, 10.474 ban chấp hành hội nông dân cơ sở (xã, phường, thị trấn...), 92.417 chi hội, 182.924 tổ hội với gần 10 triệu hội viên, 100% số xã, phường, thị trấn có nông dân có tổ chức hội, 100% số thôn, ấp, bản có chi, tổ hội. Để tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới, Hội Nông dân Việt Nam đã phát động và tổ chức thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Thông qua phong trào Hội đã vận động nông dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về tiền vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất. Phong trào đã cuốn hút hàng chục triệu hộ hội viên, nông dân hăng hái thi đua, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung gắn với công nghệ chế biến như cây chè ở trung du, miền núi phía Bắc, cây cà phê ở Tây Nguyên, cây cao su ở Đông Nam Bộ, lúa gạo, cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Từ phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình kinh doanh giỏi, là minh chứng rõ rệt rằng người nông dân không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, biết tiếp thu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn biết giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất và đời sống.
Trong quá trình đổi mới phương thức hoạt động, Hội đã kịp thời nắm bắt những nhu cầu chính đáng của nông dân và xu hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, để từ đó chủ động tham mưu cho Đảng đề ra các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn hợp lý, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Đại hội lần thứ V Hội Nông dân Việt Nam đã xác định một trong bốn nhiệm vụ cơ bản của Hội là “mở rộng các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đã xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam”. Đề án đã được Ban Bí thư thông qua và ban hành Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3-12-2009, để chỉ đạo thực hiện. Đến nay, Hội đã và đang dự thảo các văn kiện để trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân. Bước đầu, Hội đã tổ chức một số hoạt động có hiệu quả thiết thực, giúp nông dân nghèo tháo gỡ khó khăn, nhất là khâu đầu vào của sản xuất như: vốn, vật tư nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, làm tăng năng suất, sản lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản.
Từ năm 1996, Hội Nông dân Việt Nam đã thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân cả nước đạt 509,78 tỉ đồng, giúp cho hàng chục vạn lượt hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất và xây dựng các mô hình kinh tế. Ngoài ra, Hội đang phối hợp triển khai dự án xây dựng hệ thống “sàn kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm” nhằm tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt thông tin về tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai chương trình tăng cường thông tin cho nông dân trồng lúa 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hội kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách giúp nông dân sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thực hiện chính sách hỗ trợ cho nông dân nghèo ăn tết, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, chính sách về đời sống việc làm cho nông dân thuộc diện thu hồi đất, chính sách bảo hộ sản xuất và bảo hiểm cho nông dân, tham gia bảo vệ quyền lợi cho nông dân bị thiệt hại do Công ty Vedan làm ô nhiễm môi trường gây ra.
Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam cũng đã mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với 40 tổ chức nông dân, tổ chức phi chính phủ của các nước trong khu vực và trên thế giới, trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Liên đoàn quốc tế những nhà sản xuất nông nghiệp (IFAP). Công tác đối ngoại của Hội đã thu hút đầu tư của các tổ chức phi chính phủ 35 dự án và số vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD.
Hoạt động của Hội Nông dân luôn gắn liền với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, chương trình của Nhà nước về phát triển nông thôn. Hội đã phát động tổ chức thực hiện phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, vận động nông dân thực hiện cuộc vận động đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nhà ở, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sản xuất, giáo dục, y tế cộng đồng... Hội cũng vận động nông dân tham gia xây dựng các chương trình, dự án của địa phương với sự hỗ trợ của Nhà nước theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, nông thôn của nước ta còn rất lớn và có nguồn lao động dồi dào. Làm thế nào để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người nông dân là vấn đề quan trọng không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, mà còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh quốc phòng... Quán triệt và thực hiện nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội đã xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam” với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, góp phần nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn gấp 2,5 lần so với năm 2008, phấn đấu có 40% số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, Hội đáp ứng một phần các dịch vụ chủ yếu hỗ trợ về vốn, vật tư sản xuất và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Phấn đấu 50% số hộ nông dân tham gia các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Phát triển hệ thống trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của tổ chức Hội, góp phần nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%, mỗi năm dạy nghề cho 210.000 nông dân. Bảo đảm hằng năm có 2/3 số hộ sống trên địa bàn nông thôn đăng ký, trong đó có 1/2 số hộ đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”; góp phần thực hiện mục tiêu 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới mà Nghị quyết Trung ương 7, khóa X đã xác định. Phấn đấu 100% số cán bộ chủ chốt ở cơ sở Hội có trình độ chuyên môn đạt chuẩn quy định. Tuyên truyền, vận động để 75% số chủ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia Hội Nông dân Việt Nam.
Tuy đạt được nhiều thành tựu, song nông nghiệp, kinh tế nông thôn và đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình là:
- Nhận thức và trình độ của một bộ phận nông dân chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ và chất lượng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Tình trạng ruộng đất manh mún và phân tán đã và đang là lực cản của quá trình cơ giới hóa, hiện đại hóa trong canh tác.
- Nông nghiệp phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa thực sự phát huy và huy động tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất.
- Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, còn hạn chế.
- Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp.
- Công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động ở nông thôn.
- Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh sản xuất hàng hóa.
- Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhìn chung còn yếu kém, môi trường ngày càng bị ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế.
- Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Sự chênh lệch giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, đã có một số vấn đề xã hội trở nên bức xúc...
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì lợi ích chính đáng của nông dân
Hội Nông dân Việt Nam xác định rõ rằng, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thời hội nhập không chỉ cần phấn đấu phát triển bảo đảm về cả chất và lượng, có môi trường sinh thái xanh, sạch, mà còn phải từng bước khẳng định được vai trò của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên trường quốc tế, hướng tới sự phát triển bền vững, thiết thực phục vụ và bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng của nông dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Để thực hiện những mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, Hội đặt trọng tâm đẩy mạnh các hoạt động sau:
Phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thời hội nhập không chỉ cần phấn đấu phát triển bảo đảm về cả chất và lượng, có môi trường sinh thái xanh, sạch, mà còn phải từng bước khẳng định được vai trò của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên trường quốc tế, hướng tới sự phát triển bền vững, thiết thực phục vụ và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nông dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. |
Một là, tăng cường hoạt động tìm hiểu, điều tra, phân tích... trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua thu thập ý kiến, kinh nghiệm, nguyện vọng chính đáng của nông dân và các bộ, ngành, các nhà khoa học... liên quan để có cái nhìn chính xác, căn bản, toàn diện về nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân; lấy đó làm cơ sở tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn hợp lý, phù hợp thực tế hơn nữa.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội, gắn với tăng cường sự liên kết giữa các cấp, ngành, các lĩnh vực... hữu quan nhằm tạo thêm nhiều cơ hội đào tạo, hợp tác, liên kết, liên doanh... trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân, hướng tới xóa đói, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đào tạo nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân và nông dân về vai trò, nhiệm vụ của các cấp Hội, cán bộ, hội viên trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, đặc biệt chú trọng phổ biến tuyên truyền cho hội viên nông dân chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ và Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả các phong trào thi đua lớn của Hội.
Bốn là, tăng cường hơn nữa việc tổ chức vận động và hỗ trợ nông dân tham gia tiến trình hội nhập của kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tham gia phối hợp với các ngành, các cấp, các hiệp hội để giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế nông nghiệp, giải quyết tốt những vấn đề đang đặt ra theo hướng đem lại lợi ích và sự bình đẳng cho nông dân. Mỗi hội viên nông dân, ngoài đổi mới tư duy trong lĩnh vực kinh tế, cần không ngừng đổi mới tư duy trong lối sống, góp phần xây dựng nông thôn Việt Nam giàu đẹp, hiện đại, văn minh, nhân bản. Chỉ có thế, nông dân Việt Nam mới có thể thực sự khẳng định mình là “chủ thể, chủ nhân” của nông thôn và đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nước ta ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh./.
Nguyễn Quốc Cường
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
Nguồn: TCCS điện tử