Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 12/10/2010 9:4'(GMT+7)

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững

Trong mục 3, phần IV của Văn kiện này có nêu: 'Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững'. Tôi cho rằng đây là định hướng rất đúng đắn đối với ngành nông nghiệp nói chung và đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương nói riêng. Tôi hoàn toàn tán thành với định hướng này vì sẽ giúp các địa phương đề ra các giải pháp phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

Năm năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đã đạt nhiều kết quả rất đáng mừng, góp phần không ngừng cải thiện đời sống nông dân và ổn định nông thôn. Tuy nhiên, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, yếu kém của ngành nông nghiệp tỉnh trong những năm qua. Ðó là do tích tụ đất đai khó khăn nên sản xuất tập trung, quy mô lớn chưa nhiều và chưa đồng đều giữa các huyện; sản xuất chưa gắn chặt với bảo vệ môi trường và phát triển chưa bền vững, chưa có nhiều vùng sản xuất rau an toàn, sản phẩm sạch; mối liên kết 'bốn nhà' chưa chặt chẽ, hiệu quả còn thấp; việc tìm thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn; vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của các hộ nông dân.

Tôi hoàn toàn tán thành với các định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững như đã nêu trong dự thảo 'Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội'. Theo tôi, để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

- Tổ chức và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phải theo các quy hoạch, các chương trình, đề án được phê duyệt; tập trung chỉ đạo vùng sản xuất hàng hóa cho từng cây, con, từng vùng, nhằm mục tiêu nâng tỷ trọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu. Phải kiên quyết quản lý chặt chẽ diện tích đất canh tác, không được tùy tiện chuyển mục đích sử dụng đất.

- Có cơ chế để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đến với nhà nông, có trách nhiệm với nông dân, nông nghiệp, nông thôn mới. Phát huy lợi thế của các địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả của những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

- Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng, khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; khu chăn nuôi tập trung và khu nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là hệ thống kênh mương tưới tiêu trong điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp.

- Tăng cường công tác khuyến nông, phát huy sức mạnh hệ thống khuyến nông cơ sở. Ðầu tư cơ sở vật chất và cán bộ cho hệ thống thú y, bảo vệ thực vật; tăng cường trang thiết bị, đáp ứng các yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ðổi mới công tác khuyến nông theo hướng chọn mô hình sản xuất hàng hóa, sản phẩm an toàn; cán bộ khuyến nông chỉ đạo mô hình phải có thực tiễn sâu sắc, có tinh thần cao, bám sát đối tượng cây trồng, vật nuôi để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất đến nông dân. Nhân rộng các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới có hiệu quả. Xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa an toàn, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho một số nông sản chủ lực.

- Tiếp tục 'đi tắt đón đầu' để đưa nhanh, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác cây trồng, kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm, phát triển cơ giới hóa...

 - Cần có chính sách để các hộ nông dân được vay vốn thuận lợi, kịp thời; cấp nguồn ngân sách Nhà nước dành cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và chế biến nông sản phẩm. Làm tốt công tác xúc tiến thương mại. Tổ chức tốt việc theo dõi, nghiên cứu thị trường quốc tế, thị trường trong nước để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp và nông dân.

Nguyễn Hữu Dương (*)
_________

(*) Theo Nhân Dân
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất