Thứ Năm, 6/3/2014 16:36'(GMT+7)
Người Cựu chiến binh, tổ trưởng dân phố với công tác dân vận
(TG)-Ông Trần Đàm Thoại sinh năm 1946 tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 1971, khi 25 tuổi, ông tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu tại chiến trường khu 5. Đến năm 1992, ông được nghỉ hưu; mặc dù là thương binh 4/4, gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn song ông đã đã vượt lên tất cả, tích cực tham gia công tác ở khu dân cư.
Tại Hội nghị giới thiệu mô hình hiệu quả và biểu dương các điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013 do Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức, lên báo cáo thành tích, ông hóm hỉnh cười, khoe: nói về chức vụ thì tôi nhiều chức lắm: từ năm 1993-1999, giữ chức vụ tổ phó tổ dân phố 9 kiêm trưởng ban công tác mặt trận tổ; từ năm 1999-2005 là trưởng ban công tác mặt trận; từ năm 2005 đến nay là tổ trưởng tổ dân phố 9, Phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, đại biểu HĐND phường khóa 3, nhiệm kỳ 2011-2016. Gần 10 năm làm tổ trưởng dân phố, mặc dù gặp nhiều khó khăn, bệnh tật, vết thương tái phát nhưng nghĩ đến sự tin tưởng của bà con trong tổ dân phố giao cho tôi lại cố gắng. Đặc biệt là từ khi Đảng, nhà nước phát động phong trào thi đua học tập và làm theo gương Bác, tôi thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Những câu chuyện về Bác Hồ cho tôi thêm động lực khắc phục khó khăn để làm tốt nhiệm vụ của mình.
Trong công tác và trong sinh hoạt đời thường, ông luôn trăn trở, suy nghĩ rằng mình lúc nào cũng phải luôn giữ vững, phát huy bản chất của người lính cụ Hồ và tâm niệm dù không phải là người đảng viên cộng sản nhưng sẽ là quần chúng trung thành của Đảng. Qua báo cáo, ông kể: Tổ dân phố 9 trước đây là một tổ các mặt công tác luôn chỉ đạt mức trung bình, đời sống nhân dân còn khó khăn. Ông trăn trở, suy nghĩ để có những ý kiến tham mưu cho Chi ủy chi bộ Tổ dân phố 9 ra nghị quyết sát đúng với tình hình. Khi đã có chủ trương của Chi bộ Đảng thì dựa trên Nghị quyết bàn bạc thống nhất với Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể xã hội ở địa phương cùng vào cuộc, trong đó lấy Chi hội Người cao tuổi và Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố làm nòng cốt tiên phong, lấy trọng tâm phát động là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Ngay từ năm 2006, trước tình hình tổ dân phố chưa có hội trường, ông đã tham mưu Chi bộ lãnh đạo các đoàn thể tổ dân phố vận động nhân dân, các nhà hảo tâm, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn đóng góp ủng hộ để xây dựng được Hội trường tổ dân phố với diện tích 120m2, có trang thiết bị nội thất cho sinh hoạt cộng đồng với tổng giá trị 125 triệu đồng và 01 cổng chào văn hóa trị giá trên 8 triệu đồng.
Đến năm 2007, thực hiện chủ trương của UBND thị xã Kon Tum (nay là UBND Thành phố Kon Tum) về việc bê tông hóa đường hẻm với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ông nhận thấy đây là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời của chính quyền địa phương, song lại gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành thực hiện, bởi đây là chủ trương mới, điều kiện kinh tế một bộ phận nhân dân còn khó khăn, một số hộ dân cho rằng việc làm đường là trách nhiệm của Nhà nước. Học tập lời dạy của Hồ Chí Minh “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”, ông đã tham mưu cho Chi bộ có một cuộc họp Chi bộ mở rộng đến các đoàn thể, ban ngành trong tổ để vận động nhân dân làm đường và lấy tuyến đường Lê Chân là con đường đột phá. Tháng 2 năm 2008, con đường Lê Chân đã được đổ bê tông dài 210m, rộng 6m, dày 18 cm đã hoàn thành với tổng số tiền nhân dân đóng góp là 125 triệu và nhiều ngày công lao động.
Từ thành công trong việc vận động nhân dân làm đường Lê Chân, trong năm 2009, ông đã cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ dân phố 9 vận động nhân dân trên 2 tuyến đường Trần Phú nối dài hiến 250m2 đất và đường Trần Nguyên Hãn hiến 370m2 đất để Nhà nước làm mới 2 tuyến đường trên (nếu tính theo giá đất thị trường thì số đất các hộ hiến làm đường tương đương 1,2 tỷ đồng ). Đến nay tổ dân phố 9 đã vận động nhân dân làm được tất cả 10 con đường bê tông hóa với chiều dài 1.030m, với tổng số tiền mặt nhân dân đóng góp là 401,5 triệu đồng và nhiều ngày công lao động.
Nói về cá nhân mình, ông nói ông cũng chẳng tài giỏi đến mức làm được tất cả mọi việc, mà muốn thành công thì phải có sự tham gia của tập thể. Để làm được những điều đó, ông Trần Đàm Thoại cho biết đó là trong công tác phải tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường; chi bộ khu dân cư phải xây dựng được nghị quyết chuyên đề sát đúng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong triển khai thực hiện, muốn nhân dân ủng hộ và làm theo thì trước hết chủ trương đó phải hợp với lòng dân, phát huy được tính dân chủ của nhân dân, phải được nhân dân bàn bạc trước khi thực hiện. Khi tiến hành vận động nhân dân thì không được nóng vội mà phải tiến hành từng bước, kiên trì vận động, thuyết phục, tuyên truyền cho nhân dân hiểu được lợi ích của họ khi triển khai chủ trương, chính sách đó; mặt khác phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể trong khu dân cư; bản thân người đứng đầu phải gương mẫu đi đầu, miệng nói, tay làm, thể hiện bằng hành động và việc làm cụ thể.
Ông không nói về những thành tích của mình đã được các cấp khen thưởng, biểu dương. Thăm ông tại nhà riêng, tôi mới biết: từ năm 2008 đến 2012 năm nào cũng được Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum tặng giấy khen; năm 2005 ông được cử đi thi hòa giải viên giỏi toàn quốc và được Bộ tư pháp tặng Bằng khen; năm 2008 ông nhận Bằng khen vì có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân; năm 2013, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.
Lê Quang Thới