Ông Lâm Văn Liêm ngụ ở ấp Phụng Tường 2, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chia sẻ: “Bác Hồ kính yêu có nhiều điều để chúng ta học tập và làm
theo. Học theo Bác, tôi luôn chí thú làm ăn, từ đôi bàn tay trắng nay đã
tạo nên sự nghiệp vững chắc".
Vốn bao đời gia đình gắn bó với nghề nông, nên ngay từ nhỏ, Lâm Văn Liêm ngụ ở ấp Phụng Tường 2, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã cùng gia đình chật vật với cuộc sống ruộng đồng. Khi lập gia đình riêng, được cha mẹ cho ít vốn, vợ chồng ông Liêm đã thử làm đủ việc, đủ nghề để kiếm sống. Tích cóp nhiều năm, vợ chồng ông cũng đã mua được trên 40 công đất vườn (hơn 4 ha). Ngoài làm vườn, vợ chồng ông còn mở rộng chăn nuôi, buôn bán dầu. Hiện nay, ở tuổi 68, sở hữu cơ ngơi khá vững chắc, nhưng ông vẫn lao động không biết mệt mỏi và luôn thực hành tiết kiệm với một tâm nguyện là để dành tiền làm việc nghĩa, việc thiện cho những người nghèo khó và phục vụ cộng đồng.
Tiết kiệm cho bản thân, chi tiêu hợp lý, ông để dành tiền làm việc có ý nghĩa hơn. Khi có địa chỉ cần giúp đỡ, ông sẵn sàng bỏ tiền có khi lên đến hàng chục triệu đồng góp xây nhà cho gia đình nghèo, xây dựng cầu, đường, phát gạo… Theo ông, tiền mình tiêu xài phục vụ gia đình chỉ là một nhưng nếu đóng góp vì địa phương, cộng đồng sẽ giúp được nhiều người. Trung bình mỗi năm, ông đã tình nguyện đóng góp khoảng 40 triệu cho các hoạt động của địa phương.
Ông chia sẻ: “Bác Hồ kính yêu có nhiều điều để chúng ta học tập và làm theo. Học theo Bác, tôi luôn chí thú làm ăn, từ đôi bàn tay trắng nay đã tạo nên sự nghiệp vững chắc. Thấy cuộc sống người dân địa phương nơi đây còn khổ, mình làm được gì có lợi cho quê hương, tốn bao nhiêu công, bao nhiêu của, tôi cũng không tiếc”. Trong tủ sách của ông có khá nhiều loại sách, trong đó có cả sách về Bác Hồ, những giờ rảnh rỗi ông thường đọc đi đọc lại cuốn Hồ Chí Minh toàn tập. Ông nói: Học được trong đó nhiều điều lắm.
Từ nhiều năm nay, lão nông Lâm Văn Liêm luôn tích cực đóng góp và kêu gọi người dân cùng đóng góp xây dựng cầu, đường, giúp người dân lưu thông được thuận lợi. Từ cây cầu Đập Lá đến cây cầu Đập Lớn cũng có phần đóng góp không nhỏ của ông. Thấy cây cầu Đập Lá xuống cấp từ lâu, con cháu qua lại nguy hiểm, ông Liêm đã đến các hộ dân trong vùng vận động đóng góp được 45 triệu đồng xây dựng cầu. Cũng trên tuyến đường ấp Phụng Tường 2, cây cầu Đập Lớn đã xây dựng nhiều năm nay nhưng chiều ngang khá hẹp, cầu lại cũ kỹ gây khó khăn cho người qua lại, ông đã tự bỏ vốn 20 triệu đồng và vận động các mạnh thường quân, người dân địa phương đóng góp được trên 100 triệu đồng xây dựng cầu. Khi công trình hoàn thành, người dân rất vui mừng có một chiếc cầu đi lại thuận tiện hơn.
Hưởng ứng việc xây dựng nhánh lộ giao thông trên ấp Phụng Tường 2, ông góp trên 40 bao xi măng và tham gia 20 ngày công xây dựng con đường này. Điều đáng khâm phục là dù đã ở tuổi gần 70, ông vẫn không từ công việc nặng nhọc nào. Mỗi sáng, ông ra vườn phun thuốc, làm cỏ, thu hoạch cây ăn trái…
Nói về lão nông Lâm Văn Liêm, ông Huỳnh Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Song Phụng cho biết: “Ông Lâm Văn Liêm có cách sống rất tiết kiệm, chăm chỉ làm ăn, từ đôi bàn tay trắng đã vươn lên khá, giàu. Từ khi có của ăn của để, ông rất tích cực đóng góp cũng như vận động người dân tham gia góp sức xây dựng các công trình cầu, đường giúp người dân qua lại dễ dàng”.
Điều mong mỏi của lão nông Lâm Văn Liêm hiện nay là tiếp tục chăm chỉ làm ăn, có dư vài trăm triệu đồng để có thể mua một chiếc xe phục vụ việc chuyển bệnh nhân từ thiện. Ông Lâm tâm sự: "Người dân mình nhiều hộ còn khó khăn lắm, khi người bệnh không có đủ tiền chuyển lên tuyến trên, tôi thấy mình nên làm điều gì đó giúp họ". Đó là ước mơ mà bấy lâu nay ông ấp ủ và sẽ cố gắng thực hiện cho bằng được./.
Trung Hiếu/TTXVN