Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 8/11/2013 21:22'(GMT+7)

Một gương sáng trong đồng bào dân tộc Khmer

Anh Hữu Thanh Dung

Anh Hữu Thanh Dung

Theo phong tục người Khmer, thanh niên trưởng thành phải tu qua chùa, Hữu Thanh Dung cũng không ngoại lệ. Khi xuất sư, đã ngoài tuổi 20, anh Dung lấy vợ và sinh con. Khi con anh 2 tuổi, cha mẹ cho ra riêng.

Vốn liếng lúc đó chỉ một căn nhà lá và chưa đầy 2.000 m2 đất để cấy lúa. Hạt gạo làm ra từ mảnh đất này lo cho 3 miệng ăn còn chưa đủ, huống gì nói đến việc làm giàu. Nhưng chỉ hơn 10 năm sau, Hữu Thanh Dung đã nhân lên gấp 15 lần số đất so với hồi mới khởi nghiệp.Chuyện cách đây gần 20 năm, ở ấp 7, xã Tân Lộc Bắc này, ai cũng biết. Hữu Thanh Dung là người chịu khó, lam lũ, làm thuê bất cứ việc gì. Nếu người ta nhổ 1 ngày 1 gò mạ, cấy 1 ngày 1 công đất thì anh làm gấp rưỡi. Tối đến thì giăng lưới, cắm câu để vợ đem ra chợ bán. Có cơ hội kiếm ra tiền là anh làm, tranh thủ cả ngày lẫn đêm. Anh tiện tặn chi tiêu, tích luỹ để mua vàng.

10 năm sau, không tính được làm bao nhiêu ngày công, thức bao nhiêu đêm mặc cho muỗi cắn, nước ăn da tay, da chân, Hữu Thanh Dung tích luỹ được hơn 10 cây vàng để mua 10 công đất trồng lúa và 20 công đất nuôi tôm.

Rồi gần 10 năm sau nữa, từ sản xuất lúa và nuôi tôm, anh có thêm 10 cây vàng để xây dựng nhà ở cơ bản, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt cho gia đình.

Biết cách tính toán làm ăn và bản tính cần cù trong lao động, Hữu Thanh Dung trở thành nông dân sản xuất giỏi, có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

40 tuổi đời, Hữu Thanh Dung có nhà ở khang trang, 2 đứa con đều được đi học, một ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, một ở Trường phổ thông Dân tộc Hữu Nhem, xã Tân Lộc. Nhưng anh không bằng lòng với kết quả có thể xem là kỷ lục mà mình đã đạt được, anh nguyện phấn đấu vào Đảng để giúp dân nghèo trong xóm, ấp mình.

Anh Hữu Thanh Dung tâm sự: “Gia đình mình có phần thu nhập cũng tạm ổn định rồi, nhưng bên cạnh còn một số bà con, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn, đồng vốn, trình độ sản xuất rất hạn chế. Từ thực tế đó, bản thân tôi xác định rõ và xin vào Đảng để có điều kiện giúp bà con được tốt hơn”.

Với nhiều năm là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và 3 năm công tác trong Chi hội Nông dân ấp, năm 2011 anh Hữu Thanh Dung được kết vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được phân công phụ trách Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 7. 

Với cương vị phụ trách nông dân và với tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, anh vừa canh tác có hiệu quả 10 công đất trồng lúa và 20 công đất nuôi tôm của gia đình, vừa tìm các mô hình sản xuất hay có hiệu quả để vận động nông dân cùng thực hiện. Không dừng lại ở đó, 2 năm qua anh luôn duy trì từ 25-30 triệu đồng cho hơn 20 hộ mượn để làm vốn sản xuất.

Ông Nguyễn Cảnh, ấp 7, xã Tân Lộc Bắc, là một trong những nông dân được anh giúp đỡ, bộc bạch: “Hữu Thanh Dung cho mượn vốn để sản xuất, gia đình tôi bảo nhau phải quyết tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Tôi kiên quyết đến năm 2014 sẽ làm đơn xin thoát nghèo”.

 Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lộc Bắc, nhận xét: Hữu Thanh Dung xuất thân từ hộ nghèo, tuy giờ có thu nhập khá giàu nhưng vẫn thấu hiểu hoàn cảnh của những hộ nghèo khó, vì vậy anh giúp người nghèo không chỉ bằng đồng vốn, cách làm mà bằng cả tấm lòng để khơi dậy sức phấn đấu vươn lên của mỗi gia đình. Nghĩa cử ấy thật đáng trân trọng.

Ấp 7 có 505 hộ, trong đó có 205 hộ người dân tộc Khmer. Trong tổng số 51 hộ nghèo của ấp, phần lớn rơi vào hộ người dân tộc. Hữu Thanh Dung giờ đây lại thấy trách nhiệm mình rất nặng nề là phải giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Cuộc chiến này vẫn còn lắm gian nan nhưng anh vẫn kiên trì thực hiện. Anh xứng đáng là tấm gương sáng trong đồng bào dân tộc Khmer./.

Theo Chung Thủy (Báo camau online)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất