Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 14/8/2009 8:58'(GMT+7)

Người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút cúm A

Người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút cúm A. Ảnh minh họa

Người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút cúm A. Ảnh minh họa

Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế tình hình dịch cúm A(H1N1) vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Ngày 13/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 25 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) (Miền Nam: 10 ca, miền Bắc: 10 ca, miền Trung: 02 ca, Tây Nguyên: 03 ca). Như vậy, tính đến 17h00 ngày 13/8/2009, Việt Nam đã có 1300 trường hợp dương tính, 02 ca tử vong.

Số bệnh nhân đã ra viện là 1001; 299 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Trong khi đó, tình hình dịch trên phạm vi toàn thế giới cũng diễn biến hết sức phức tạp. Theo thông báo của Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC), đến ngày 13/8/2009, toàn thế giới đã ghi nhận 219.681 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 168 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có 1.882 trường hợp tử vong. Hiện nay, dịch đang diễn biến phức tạp tại một số nước nam bán cầu nơi hiện giờ là mùa đông như: Argentina (tử vong: 338), Chi Lê (tử vong: 97), Brazil (tử vong: 192), Australia (tử vong: 100), Newzeland (tử vong: 14).

Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc mới tăng nhanh, nhiều nước đã ghi nhận tử vong: Philippine (mắc: 3207, tử vong: 08); Singapore (mắc: 1217, tử vong: 10); Brunei (mắc: 850, tử vong: 01); Malaysia (mắc: 1.780, tử vong: 44); Lào (mắc: 156, tử vong: 01); Indonesia (mắc: 691, tử vong: 03). Thái Lan (mắc 10.043, tử vong97).

Trước tình hình dịch cúm A(H1N1) tiếp tục diễn biến phức tạp, để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

1.Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì không đến trường, đồng thời gia đình thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương để được tư vấn.

2.Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho Ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học để xử lý kịp thời, tránh lây lan.

3.Những người đang công tác tại các công sở, đặc biệt người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, ký túc xá... nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ bệnh cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho đơn vị và y tế cơ quan biết để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

4.Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

5.Mọi người dân tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

6.Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A(H1N1) hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai ngay một số biện pháp cấp bách sau:

Tình hình cúm A(H1N1) ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn lây lan ra cộng đồng, do đó cả hệ thống chính trị và các phương tiên thông tin đại chúng phải tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng chống để toàn dân tham gia phòng chống dịch. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch cúm A(H1N1) theo kế hoạch Phòng chống Đại dịch cúm A(H1N1) đã được phê duyệt, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai tại địa phương, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người; tại các địa phương có bệnh nhân cúm A (H1N1) cần tổ chức họp định kỳ hàng tuần, hàng ngày, đột xuất để chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm A(H1N1). Các tỉnh, thành phố đang có ca cúm A(H1N1) khẩn trương cách ly, điều trị, giám sát nguồn lây để dịch không lan rộng thêm, giám sát chặt chẽ các ca mới, không để lây lan trong cộng đồng.Nếu xảy ra các chùm ca bệnh, cần tổ chức cách ly, điều trị tại chỗ, hạn chế tối đa tử vong.  Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo việc giám sát chặt chẽ các chùm ca bệnh tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mang các bệnh mãn tính, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt là các cửa khẩu với các nước đã ghi nhận cúm A(H1N1) tại cộng đồng; tổ chức trực chống dịch 24/24; sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, các phòng cách ly để thu dung, điều trị kịp thời. Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và sự biến đổi của vi rút để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp không để dịch lan rộng và tử vong. Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H1N1) tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt tại các địa phương tập trung đông dân, nơi có nguy cơ bùng phát dịch, chú ý các địa phương vùng sâu, vùng xa.
(Trích Công điện số 1245/CĐ - TTg, ngày 25/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ )


DT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất