Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 3/8/2011 16:20'(GMT+7)

Người khai chữ ở đảo An Bình

Anh Đặng Hoàng Kính hiện là tổng phụ trách Đội Trường tiểu học An Bình - Ảnh: MAI VINH

Anh Đặng Hoàng Kính hiện là tổng phụ trách Đội Trường tiểu học An Bình - Ảnh: MAI VINH

Năm 1988, ở tuổi 17 anh Đặng Hoàng Kính trở thành người thầy đầu tiên và duy nhất ở xã đảo An Bình. Cha anh Kính là người trọng chữ nghĩa nên chăm lo việc học cho anh chu đáo. Để con trai học hành thuận tiện ông làm hẳn một căn nhà nhỏ bên đảo lớn Lý Sơn. Nhưng cái đói của những ngày đó khiến anh phải dừng lại việc học khi vừa xong lớp 11.

Ông Trần Minh Hoàng, phó chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết trong thời gian 1988-1996, 80 học sinh từ 7-13 tuổi có nguy cơ mù chữ nếu anh Kính không đứng lớp dạy học. Mãi đến năm 1996 mới có giáo viên chính thức đến An Bình.

Nghe tin “thằng Kính” mở lớp dạy cho tụi nhỏ trên đảo, các lão ngư như mở cờ trong bụng. Chỉ trong một ngày họ đã gom được 40 học trò (khi đó dân đảo tổng cộng có 150 người) cho anh Kính. Ngày ba ca liên tục, anh Kính dạy từ lớp 1 đến lớp 5 mà không lấy một đồng thù lao của học trò. “Để tụi nhỏ mua vở mà đi học”, anh Kính nói thế mỗi khi mọi người nhắc đến học phí. Đến năm 1995, hai lớp học trò đã đạt đến trình độ lớp 5, có người qua đảo lớn đi học tiếp, có người tạm hài lòng với cấp độ xóa mù chữ.

Chị Trần Thị Hà, trạm trưởng Trạm y tế An Bình, nhớ lại: “Không quên được những ngày sóng to mà thầy vẫn chèo thuyền thúng qua đảo lớn nhận phấn viết về để bữa học không bị gián đoạn”. Nhớ về những học trò đầu tiên của mình, anh Kính nói: “Học trò trên đảo nhỏ đi học bằng tất cả sự thèm thuồng chữ nghĩa. Điều ấy đã làm thay đổi tôi, một người vốn không chịu làm ông giáo làng vì là một người mê biển”.

“Một lần, sau khi tôi đến nhà mắng vốn với cha mẹ một số trò lười học, mấy đứa trẻ bị nọc ra đánh. Sáng hôm sau rẫy khoai lang nhà tôi bị đào nát lên, từng củ khoai bị chặt đứt từng khúc. Tôi vùng vằng nói với cha rằng mình sẽ bỏ dạy vì học trò không hiếu nghĩa. Cha tôi đáp lại trong bữa ăn: “Học trò thiếu học nên dại, con cũng dại sao con”. Nghe cha nói tôi bỏ lửng chén cơm và suy nghĩ về mình”, anh Kính nhắc về câu chuyện khiến anh ngộ ra cái căn bản nhất của đạo làm thầy. “Dạy học là làm cho trí não người học sáng hơn những đen tối của giận hờn, của thù hận, chứ không chạy trốn cái chưa tốt”, đấy là điều anh nghĩ đến ngày đó nhưng không đúc kết thành lời.

Sau “tai nạn nghề nghiệp” đó, mùa hè năm 1995, không cưỡng nổi sức quyến rũ của biển anh theo bạn ra khơi. Ngày về, dù đó là chuyến đi đầu đời thành công với một tàu khẳm cá nhưng anh quyết định không ra khơi lần nữa. “Nghĩ đến việc xa trường lớp chịu không được cha ạ”, anh nói với cha và ông đáp lại bằng việc đưa cho anh giấy huyện triệu tập đi học trung học sư phạm. “Từ bận đó tôi toàn tâm lo cho học trò”. Anh nhận ra đảo nhỏ này cần anh và anh cũng cần chốn ấy để thấy mình sống có ý nghĩa. “Mỗi lần học trò khoanh tay chào thầy khi gặp nhau trên con đường làng là tôi vui”, anh Kính tâm sự./.

Theo Tuổi trẻ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất