Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 17/8/2011 21:18'(GMT+7)

Người kiến lập và xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước Việt Nam DCCH. Ảnh tư liệu.

Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước Việt Nam DCCH. Ảnh tư liệu.

 Người sáng lập Nhà nước Việt Nam DCCH

Hành trình tìm đường cứu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con cách mạng vô sản, đồng thời giúp Người có điều kiện nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới, trong đó có cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ và cách mạng tháng Mười Nga. Từ đó, Người thấy rõ tính không triệt để của cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ và cho rằng, lời lẽ trong các bản Tuyên ngôn của các Nhà nước tư sản rất hay, và quyền con người cũng từng được đề cập đến trong các văn bản pháp lý quan trọng cảu quốc gia (Tuyên ngôn và Hiến pháp), nhưng trong thực tế, đó là nhà nước tư sản, nhà nước của những người hữu sản, và nền dân chủ tư sản không thể mang lại quyền lợi cho đông đảo những người lao động. Đó là chính quyền của “số ít”, quyền lực tập trung vào số ít, nên vẫn còn áp bức, bất công và đối kháng giai cấp. Vì vậy, Người mong muốn trong tương lai sẽ xây dựng ở Việt Nam một nhà nước theo mô hình tổ chức nhà nước Nga Xôviết, nhà nước của “dân chúng số nhiều”.

Để hiện thực hóa khát vọng đó, không chỉ dừng lại ở các bài phát biểu, các bài viết, khi sáng lập Đảng, các văn kiện do Người soạn thảo được thông qua ở Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu năm 1930 đã ghi rõ: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập và dựng ra Chính phủ công nông binh”[1]. Tuy nhiên sự tồn tại ngắn ngủi của chính quyền Xô Viết - Nghệ Tĩnh, thực tiễn chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước và việc kế thừa truyền thống “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” (được luận giải trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ năm 1924 của Nguyễn Ái Quốc) đã trở thành cơ sở để Hồ Chí Minh và Đảng ta điều chỉnh việc lựa chọn hình thức Nhà nước cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước (28/1/1941), trước những biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước, cùng những bài học kinh nghiệm của cao trào cách mạng (1932-1935), (1936-1939), tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) do Người triệu tập và chủ trì, quyết định thay đổi chiến lược cách mạng đã được đề ra. Nghị quyết Hội nghị xác định rõ: Cuộc cách mạng ở Đông Dương hiện tại chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, và “sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà của chung của toàn thể dân tộc”[2]. Đồng thời Bản chương trình Việt Minh cũng nhấn mạnh: “Sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Chính phủ ấy do Quốc dân Đại hội cử ra”[3].

Thay đổi chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thay đổi mô hình Nhà nước và sáng lập Mặt trận Việt Minh là quyết định đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc.

Lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, khai sinh nước Việt Nam DCCH - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở vùng Đông Nam Châu Á. Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam DCCH là kết quả tất yếu của việc điều chỉnh sự lựa chọn mô hình nhà nước (Chính phủ công- nông- binh) đã đề ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, bằng mô hình (nhà nước Việt Nam DCCH) trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 năm 1941 và đây chính là một bước phát triển mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thể chế chính quyền nhà nước.

Người chăm lo xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Sáng lập và chú trọng xây dựng một Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, khác với các hình thức nhà nước của bọn phong kiến, thực dân đã từng tồn tại, nhà nước Việt Nam DCCH là nhà nước của dân, do dân và vì dân, “tất cả mọi quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Dù đầy khó khăn thử thách, song kiên quyết thực hiện tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Người và Chính phủ lâm thời đã quyết tâm, tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử để “do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là chính phủ của toàn dân”[4]. Chính phủ liên hiệp kháng chiến (2/3/1946) và Chính phủ kháng chiến (3/11/1946) do Người làm Chủ tịch, được Quốc hội khoá I chuẩn y là một Chính phủ của dân, do dân, vì dân đã được minh chứng trong thực tiễn.

Nhà nước Việt Nam DCCH trong tiến trình thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và sau đó là thời kỳ xây dựng CNXH là nhà nước có tính nhân dân sâu sắc, mang bản chất giai cấp công nhân. Trong tư tưởng của Người, đó là nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, dựa trên nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là khối liên minh công - nông - trí thức do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong nhà nước có sự phân công giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp để tránh sự chồng chéo, song đều vì một mục đích là phục vụ nhân dân. Không áp dục lý thuyết về xây dựng nhà nước kiểu tư sản, Hồ Chí Minh cũng đồng thời không áp dụng thuyết tam quyền phân lập và khẳng định rằng: trong nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, các quyền đó phải phối hợp và thống nhất chặt chẽ với nhau - Sự thống nhất quyền lực quán triệt nguyên tắc xuyên suốt: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Đã từng là người dân một nước thuộc địa, từng khát khao có quyền dân chủ, tự do nên từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã ý thức được tầm quan trọng của “thần linh pháp quyền” trong việc quản lý xã hội. Vì vậy, trở thành Chủ tịch nước, Người luôn chú ý xây dựng một hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho người dân, đồng thời thực thi một cách có hiệu quả trong thực tế. Lãnh đạo và tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I, khoá II, khoá III bằng chế độ phổ thông đầu phiếu, trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp 1946, 1959, và ký rất nhiều các văn bản dưới luật, để đề cao pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo lợi ích cho nhân dân.

Một nét đắc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là trong khi đề cao pháp luật, pháp chế, đồng thời Hồ Chí Minh cũng đề cao việc xây dựng các quan hệ xã hội tốt đẹp, là nâng cao giáo dục đạo đức – (Đức trị Hồ Chí Minh), và coi đó cũng là một trong những biện pháp góp phần làm cho mỗi phần tốt của con người được phát triển, phần xấu trong mỗi con người ngày một giảm dần. Thực thi pháp luật, muốn đảm bảo được vô tư, khách quan và công bằng, thì trước pháp luật, vua hay thứ dân phải đều bình đẳng và theo Hồ Chí Minh chừng nào làm được như vậy, chừng đó nước mới mạnh, dân mới yên. Người chủ trương xây dựng một Nhà nước kểu mới, trong Nhà nước đó mọi người dân được quyền bình đẳng trước pháp luật, nên đối với những kẻ tham ô, tham nhũng và bất liêm thì phải “thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”[5]. Quyết định thi hành án tử hình đại tá Trần Dụ Châu, dù làm trái tim Hồ Chí Minh đau đớn, song nhân trị và pháp trị trong con người Hồ Chí Minh luôn nhất quán một mục tiêu “phục công, thủ pháp, chí công, vô tư” để mang lại hạnh phúc và bình yên cho nhân dân.

Nhà nước Việt Nam DCCH do Hồ Chí Minh sáng lập và xây dựng là một nhà nước mà ở đó Đảng cầm quyền, song dân là chủ. Trong nhà nước đó, cán bộ, công chức là “công bộc”, đầy tớ cho nhân dân chứ không phải đè đầu, cưỡi cổ dân như dưới thời Pháp, Nhật. Không chỉ phải làm cho dân có ăn, có chỗ ở, có mặc và được học hành, Đảng và Nhà nước còn phải yêu dân, kính dân và quán triệt yêu cầu mà Hồ Chí Minh đã từng đề nghị: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[6]. Phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ - đó là nhà nước không có đặc quyền, đặc lợi, thật sự trong sạch, kiên quyết chống các biểu hiện cửa quyền, quan liêu,v, v.. Vì vậy, sớm tiên liệu và chỉ ra những khiếm khuyết, sai lầm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước mắc căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đã nêu ra biện pháp để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, trong đó chú trọng việc rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, v.v.. và thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình.

Không chỉ yêu cầu và nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên phải luôn xứng đáng là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân, Hồ Chí Minh còn là tấm gương một người đầy tớ, một công bộc mẫu mực của nhân dân: thật sự cần kiệm liêm chính, giản dị, tiết kiệm, thật sự trong sạch, và luôn hướng lòng mình đến chí công vô tư. Đối với Người, không có gì cao cả và vinh dự hơn là tận tụy phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Người coi đó là niềm vui, là lẽ sống của cuộc đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có đội ngũ cán bộ liêm khiết “công bình, chính trực”, thạo việc để vì nhân dân phục vụ. Người đã nhiều lần nhấn mạnh đến hai yếu tố “đức và tài” của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước và yêu cầu người cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, phải giỏi chuyên môn, dám làm và dám chịu trách nhiệm, có năng lực lãnh đạo, thực hiện đường lối quần chúng, v.v..Từ đó, Người nhấn mạnh: ngoài những cán bộ của các cơ quan dân cử, làm việc theo kỳ hạn, công chức nhà nước cần phải qua một kỳ thi tuyển để bổ nhiệm và các ngạch, bậc hành chính. Tiêu chuẩn thi tuyển công chức theo sắc lệnh 76/ SL do Người ký gồm 6 môn: chính trị, kinh tế, pháp luật, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn là một yêu cầu khá toàn diện và yêu cầu đó đến nay vẫn thật sự thiết thực và thời sự.

66 năm đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Nhà nước Việt Nam DCCH, nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ngày một trưởng thành và phát triển. Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, tuy nhiệm vụ của nhà nước có sự khác nhau, nhưng đó luôn là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mang bản chất giai cấp công nhân được xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đất nước chuyển mình từ thời chiến sang thời bình, từ đấu tranh giành độc lập dân tộc chuyển sang xây dựng CNXH, và giờ đây là đổi mới và hội nhập toàn diện. Sự thay đổi đó kéo theo những yêu cầu và nhiệu vụ mới đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính, phát huy dân chủ thực sự đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo tạo mọi điều kiện phát huy mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, v.v..Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định quyết tâm xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương”[7].

Ths. Tạ Quang Giảng

Đại học Nông nghiệp Hà Nội



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.3, tr.1

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2001, t.7, tr.114

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t.7, tr.150

[4] Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.133

[5] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.641

[6] Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.56-57

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011 tr.85-86

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất