Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 13/7/2011 17:40'(GMT+7)

Nhiều biện pháp sáng tạo lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 26-12-2010, Câu lạc bộ Phong Thủy Huỳnh Mai tổ chức khánh thành 2 cây cầu và bàn giao 10 giếng nước sạch cho bà con huyện Thới Lai, Cần Thơ

Ngày 26-12-2010, Câu lạc bộ Phong Thủy Huỳnh Mai tổ chức khánh thành 2 cây cầu và bàn giao 10 giếng nước sạch cho bà con huyện Thới Lai, Cần Thơ

Cuối năm 2008, huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) được thành lập trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của huyện Cờ Đỏ, gồm 13 xã, thị trấn trực thuộc, trên tổng diện tích 25.566,30 ha diện tích tự nhiên và 120.964 nhân khẩu. Trong gần 3 năm qua, từ một huyện nghèo mới thành lập, Đảng bộ huyện Thới Lai đã nhanh chóng xây dựng, củng cố, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền từ huyện đến xã, ấp. Dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Đảng bộ huyện Thới Lai đã tập trung lãnh đạo bằng nhiều biện pháp sáng tạo, kiên quyết; phát huy vai trò, hiệu lực của cả hệ thống chính trị, vận động nhân dân thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, giúp nhiều hộ thoát nghèo, tạo đà đi lên và hướng phát triển mới trên địa bàn huyện.

Ngay từ đầu năm 2009, Ban Thường vụ Huyện ủy Thới Lai đã ra Nghị quyết số 06 về việc lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế hộ. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; cải tạo mương, ao nuôi cá và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng vùng lúa chất lượng cao, kết hợp nuôi trồng thủy sản; đưa cây màu xuống ruộng thay cho vụ lúa hè thu; chuyển đổi một số diện tích đất gò cao sang trồng màu...

Để nhân dân phát triển kinh tế theo chủ trương đã đề ra, Huyện ủy đã lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết, trước hết là tiến hành rà soát qui hoạch từng vùng, đầu tư xây dựng và nâng cấp đê bao kiểm soát lũ. Đồng thời, Huyện ủy chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cách chọn cây, con giống chất lượng cao từng bước chuyển đổi sản xuất.

Từ sự nỗ lực vận động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đến nay nhân dân đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất trên 70% diện tích. Nhiều hộ dân cũng mạnh dạn chuyển đổi được hàng ngàn ha đất từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang trồng 2 lúa,1 màu và 2 lúa, 1 cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đồng chí Trương Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình, toàn xã có 2.397 ha đất ruộng. Trước đây, toàn bộ đất ruộng nhân dân sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa. Từ năm 2009 đến nay, theo chủ trương của Đảng bộ huyện, Đảng ủy lãnh đạo UBND, các ban, ngành, đoàn thể và các ấp vận động nhân dân chuyển đổi hơn 100 ha ruộng ở vùng đất gò cao sang sản xuất 2 lúa, 1 màu, chuyển đổi 1.100 ha ruộng sang sản xuất 2 lúa, 1 cá. Các mô hình sản xuất này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1 ha đất đạt khoảng 62,3 triệu đồng (tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2005). Từ đó, nhiều hộ gia đình giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi xã, thị trấn đã vận động bà con cải tạo được trên 100 ha vườn, ao, mương, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ vận động nhân dân đẩy mạnh việc đưa giống lúa mới vào sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ, đến nay, giá trị sản xuất bình quân mỗi ha đất sản xuất ở huyện Thới Lai đạt trên 60 triệu đồng/năm. Cùng với việc tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ năm 2009 đến nay, Đảng bộ huyện Thới Lai đã chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động. Bình quân mỗi năm toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho trên 6.000 lao động, qua đó đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng ở huyện Thới Lai chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tín chấp cho đoàn viên, hội viên vay vốn từ các ngân hàng để phát triển kinh tế. Hiện nay, các tổ chức đoàn thể trong huyện đang tín chấp cho trên 20.000 đoàn viên, hội viên vay hơn 110 tỉ đồng từ các ngân hàng để phát triển sản xuất. Được đào tạo nghề, có vốn, nhiều đoàn viên, hội viên đã mạnh dạn đầu tư vào buôn bán nhỏ, chăn nuôi, làm vườn... đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Các cấp ủy đảng phân công những đảng viên có điều kiện giúp đỡ, hướng dẫn các hộ nghèo vay vốn và sử dụng vốn vay hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ của huyện còn 8,49% (năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cờ Đỏ cũ chiếm đến 17,13%). Đồng chí Huỳnh Ngọc Thạch, Bí thư Huyện ủy Thới Lai, khẳng định: Thành công bước đầu tạo lực, tạo thế để Thới Lai có hướng phát triển nhanh, bền vững trong tương lai... Đây là là kết quả của sự gắn kết, hòa quyện “Ý Đảng, lòng dân”. Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 06 của Huyện ủy về phát triển kinh tế hộ nhằm tạo điều kiện cho những hộ không có đất sản xuất cũng có thể phát triển kinh tế hộ hiệu quả. Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra, mỗi năm huyện phấn đấu giảm 1% hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp trên từng diện tích đất nông nghiệp, quan tâm hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động ngoại thành.

Bùi Văn Bồng/ TC Xây dựng Đảng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất