Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Tư, 15/2/2012 21:49'(GMT+7)

Người phụ nữ giỏi việc hội, đảm việc nhà

Chị Dung bên khung dệt cổ truyền. Ảnh: QK

Thanh Nưa là xã biên giới địa bàn rộng, gần 1.500 hộ ở 27 thôn bản, xa nhất là bản Nậm Ti đi bộ gần hết một ngày đường mới về đến trung tâm xã. Với 4 dân tộc anh em chung sống là Thái, Kinh, Mông và Khơ Mú. Nơi đây còn gặp nhiều khó khăn trình độ dân trí còn thấp, đời sống của người đồng bào nhất là các bản vùng cao biên giới còn nghèo.

Chị Lưu Kim Dung tâm sự: Được đảng bộ, chính quyền giao phó, chị em phụ nữ tin tưởng trao nhiệm vụ công tác hội, mừng thì ít, lo thì nhiều bởi thực trạng nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ chưa cao, tư tưởng trông chờ ỷ nại, chậm đổi mới của một bộ phận phụ nữ và đời sống một bộ phận gia đình hội viên còn gặp khó khăn. Bắt đầu từ đâu, phải làm gì và làm như thế nào để góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho 30 chi hội, gần 1.200 hội viên quả là trách nhiệm nặng nề đặt lên đôi vai người nữ cán bộ hội.

Để làm tốt công tác vận động giáo dục chị luôn sâu sát cơ sở chia sẻ, nắm hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, đời sống gia đình hội viên. Chị xác định trước hết tập trung công tác tuyên truyền, bởi hội viên chỉ nâng cao nhận thức và chuyển biến thành hành động khi được tuyên truyền vận động thuyết phục . Phương châm trong công tác tuyên truyền vận động của chị là: “Tới thôn bản, đến từng nhà, nghe hội viên nói, nói cho hội viên hiểu, làm cho hội viên tin ”. Chị thường xuyên cập nhật thông tin, học tập vận dụng sáng tạo các điển hình tiên tiến vào xây dựng Hội phụ nữ xã. Chị chủ động tổ chức và phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Trạm y tế xã, trạm biên phòng và đội ngũ giáo viên ở 6 trường học đóng chân trên địa bàn để cùng tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ công tác hội. Với các hình thức thông qua các hội nghị, học tập, tọa đàm, hội thi, gắn với các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, sử dụng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền miệng của hội. Phát hiện, cổ vũ, động viên việc làm mới, điển hình trong công tác hội.

Để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác hội, Lưu Kim Dung cùng tập thể Ban chấp hành hội tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, của già bản, người có uy tín. Tìm giải pháp cụ thể để xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa cho gia đình hội viên. Tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng cơ sở chi hội, hội viên. Xây dựng chương trình công tác tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội: “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; Xây dựng người phụ nữ Thanh Nưa có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa nhân hậu”; “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập”

Điểm nổi bật trong hoạt động là chị gắn kết việc chăm lo lợi ích hội viên với tạo phong trào thi đua thông qua hoạt động câu lạc bộ. Chị cùng Ban chấp hành tổ chức 4 câu lạc bộ : Câu lạc bộ Vì sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ; Câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS; Câu lạc bộ không sinh con thứ 3; Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật. Tạo nhân tố mới trong sản xuất, chị lãnh đạo Hội đẩy mạnh hoạt động nhóm : nhóm trồng khoai lang, nhóm trồng chuối, nhóm trồng cây mây. Với sự giúp đỡ của Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên ( CCP) chị đã thành lập và đi vào hoạt động Tổ sản xuất làm men vi sinh đã làm hơn 500 liều, sản xuất được 170 tấn phân, trị giá gần 500 triệu đồng trên cơ sở tận dụng chất thải trong sinh hoạt và phân gia súc. Phải khẳng định rằng sản xuất phân vi sinh chẳng những làm cho thôn bản sạch sẽ vệ sinh, môi trường trong lành mà góp phần cải tạo đất canh tác làm cho lúa màu trĩu bông, sai quả . "Tiếng lành đồn xa" hội phụ nữ các xã trong huyện Điện Biên và các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Ảng đến tham quan học tập, triển khai áp dụng vào địa phương đơn vị mình.

Sinh ra ở Thị trấn Phong Thổ - Lai Châu, năm 1980 Lưu Kim Dung về làm dâu con của Bản Mển. Với mong muốn làm một điều gì đó góp phần thay đổi đời sống nghèo khó trên quê hương chồng, chị quyết tâm thực hiện chương trình Đề án năm 2004 ACTIONAID VIET NAM (AAV) đầu tư vào nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xã với mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho các dân tộc thiểu số và phụ nữ. Khi bắt đầu triển khai Đề án có người chưa tin dè bỉu: "Mày chỉ tinh tướng, ở nơi khác về biết gì, chúng tao ở đây từ bao đời nay, thổ cẩm làm ra là để dùng, có ai mua mà bán". Không nản lòng, chị nghĩ "Chắc bà con chưa hiểu mình thôi, thành công trong công việc chính là sức mạnh thuyết phục và tạo niềm tin cho đồng bào trong xã". Chị tâm sự : Hàng ngày nhìn thấy dân bản nghèo khó, nhiều hộ gia đình củ mài, củ sắn thay cơm, áo con trẻ chẳng lành, về làm dâu trên quê hương chồng, quyết tâm khôi phục nghề truyền thống thổ cẩm, vừa tao công ăn ăn việc làm, xóa đói nghèo cùng chung tay xây dựng quê hương Thanh Nưa luôn thôi thúc bản thân. Gương mẫu đi đầu vận động kiên trì thuyết phục, quyết tâm khôi phục nghề thổ cẩm truyền thống. Với số vốn ban đầu 64 triệu đồng từ chương trình Đề án và Đại sứ quán Ôxtrâylia hỗ trợ. Nghề làm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thanh Nưa được khôi phục đi vào hoạt động có nền nếp. Đến nay hơn 100 hộ gia đình hội viên có việc làm trong lúc nông nhàn, thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Việc khôi phục và xây dựng nghề truyền thống thổ cẩm thành công, ngày càng tăng niềm tin yêu , mến phục của đồng bào các dân tộc trong xã với nàng dâu - Chủ tịch hội Lưu Kim Dung. Ngày nay du khách đến Thanh Nưa khi ra về ai cũng không quên mua cho mình một sản phẩm thổ cẩm đẹp: vải, túi, khăn, váy , áo... để làm kỷ niệm. Từ phát triển nghề truyền thống, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhiều hộ gia đình hội viên đã thoát nghèo vươn tới no ấm, giàu có, dựng và xây được nhà cửa khang trang, có điều kiện chăm sóc và nuôi con ăn học. Điển hình là gia đình chị Quàng Thị Căm, Hoàng Thị Hằng, Lò Thị Thao có mức thu nhập hằng năm từ 100 đến 300 triệu đồng...Là đơn vị dẫn đầu về hoạt động công tác hội của phụ nữ toàn tỉnh, với những thành tích đã đạt được, Hội Phụ nữ xã Thanh Nưa được Trung ương, tỉnh và huyện Hội tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Không chỉ là cánh chim đầu đàn trong việc chung của xã và công tác Hội. Chẳng những “Giỏi việc Hội, chị còn "đảm việc nhà”. Vừa công tác, vừa bố trí việc nhà khoa học. Anh Lún chồng chị công tác ở Phòng Nội vụ huyện, chị công tác hội ở cơ sở. Bận rộn nhưng chị không bao giờ xao nhãng công việc gia đình với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Chị chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, động viên tạo điều kiện để anh Lún công tác tốt, phấn đấu để hai vợ chồng cùng tiến bộ. Chị dành tình thương, sự ân cần chu đáo với các con, nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi, trưởng thành, noi gương bố mẹ cùng vươn ươn lên trong công tác và cuộc sống.

Hơn 30 năm, trên nhiều cương vị công tác, chị Lưu Kim Dung đã được tặng nhiều Kỷ niệm chương: Vì sự phát triển tiến bộ phụ nữ, Đại đoàn kết các dân tộc, Bằng khen của Trung ương Hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên và nhiều giải thưởng khác. Năm 2011 chị vinh dự được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhưng danh hiệu thân thương, gần gũi và trìu mến nhất mà bà con dân bản Thanh Nưa dành tặng chị đó là "Mẹ Dung" - Người mẹ hạnh phúc.

Đỗ Quang Khải (Ban Tuyên gáo Tỉnh ủy Điện Biên)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất