(TCTG)- Chiến lược bao gồm một hệ thống quan điểm có tính chủ đạo, định hướng về quản lí, những phương pháp và biện pháp cơ bản, nhằm bảo đảm thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Do vậy, có được một chiến lược chính xác, có sự đồng thuận cao trong thời điểm này là rất quan trọng và rất thiết thực !
Trong thời gian vừa qua, sau khi “Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020” được công bố, đã có khá nhiều ý kiến về dự thảo chiến lược này được đăng trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hầu hết là ý kiến đóng góp của các học giả, nhà kinh tế. Với bài viết này, tác giả muốn đưa ra quan điểm của mình với tư cách là một công dân và mong muốn có thêm nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết hơn nữa, từ các góc nhìn khác nhau cho các dự thảo văn kiện, trình Đại hội Đảng lần thứ XI.
Chiến lược là gì & Tại sao cần chiến lược
Theo từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam “Chiến lược bao gồm một hệ thống quan điểm có tính chủ đạo, định hướng về quản lí, những phương pháp và biện pháp cơ bản, nhằm bảo đảm thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra”. Theo định nghĩa của trang web http://en.wikipedia.org/ “Chiến lược là phương hướng và phạm vi hành động của một tổ chức về dài hạn để nhằm mục tiêu đạt được lợi thế kinh doanh thông qua việc xác định nguồn lực hiện có thể sử dụng trong môi trường xác định để nhằm thỏa mãn nhu cầu và đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên liên quan”.
Có thể nhận thấy, các điểm chung của hai định nghĩa này là chiến lược phải có tính định hướng, chủ đạo xuyên suốt trong thời gian dài và hướng tới mục tiêu cụ thể. Điểm khác biệt trong định nghĩa thứ hai là có nhấn mạnh đến sự hạn chế của nguồn lực. Đây chính là điểm mấu chốt lí giải tại sao chúng ta cần có chiến lược. Giống như một gia đình, khi không có nhiều tiền chúng ta phải cần nhắc sử dụng số tiền đó như thế nào cho hiệu quả. Thế khi chúng ta có nhiều tiền (nhiều nguồn lực) chúng ta có cần chiến lược không? Nếu muốn phát triển bền vững, tất nhiên chúng ta không thể không nghĩ đến việc kiếm thêm tiền ngay cả khi có nhiều tiền. Do vậy, chiến lược có thể tóm tắt bằng việc xác định xem chúng ta phải kiếm tiền và tiêu tiền như thế nào. Giống như có ai đó đã nói “bạn kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng bằng việc bạn giữ lại được bao nhiêu”.
Một lí do khác cần có chiến lược là mọi người trong một tổ chức phải nhận thức rõ được vai trò của mình trong tổ chức, để từ đó có thể chủ động đưa ra các quyết định phù hợp với việc thực hiện chiến lược. Việc một cá nhân tự nhận thức được vai trò của mình, tự đưa ra quyết định trong các trường hợp cần thiết, không cần sự giám sát, mà không phương hại đến chiến lược phát triển chung là rất quan trọng. Chính việc thấu hiểu các giá trị chung mà mọi người có thể tự đưa ra quyết định phù hợp mà không cần sự chỉ đạo, ý kiến của người khác. Văn hóa này sẽ giúp cho việc thực hiện các mục tiêu chung trở nên nhanh và hiệu quả hơn.
Theo những luận điểm được phân tích như trên, chúng ta có thể có nhận xét gì về chiến lược kinh tế-xã hội 2011-2020. Theo quan điểm của tác giả, chúng ta có thể cần trao đổi thêm về một số điểm sau.
Chiến lược chưa nhìn thẳng vào những khó khăn
Như đã phân tích ở trên, một chiến lược chính xác cần có sự phân tích khách quan và chính xác về các hạn chế của nguồn lực. Khi phân tích khía cạnh này, chúng ta thường dễ rơi vào thái cực lạc quan hơn thực tế một chút để làm yên lòng mọi người. Tôi cũng đồng ý với một số nhận xét cho rằng phần phân tích này của chiến lược còn chung chung kiểu “môi trường ở nhiều nơi ô nhiễm nặng”. Điều này ngược với tư duy quản lí của một số nền kinh tế khác. Khi muốn có sự thay đổi, đôi khi người lãnh đạo cần tạo ra những khủng hoảng giả tạo để buộc mọi người phải quan tâm đến sự thay đổi đó. Như người Nhật, ngay trong sách giáo khoa đã dạy cho học sinh biết rằng, nước Nhật không có tài nguyên (không có tài sản thừa kế) nên mọi người phải nỗ lực, sáng tạo để đưa đất nước phát triển. Người viết không có số liệu chính xác về nguồn tài nguyên của nước ta. Nhưng nếu trong chiến lược phát triển chúng ta dám đưa vào những nhận định như “than đã hết, rừng đã hết, đất nông nghiệp đã hết, nước đã ô nhiễm hết và không được phá thêm một cây rừng, một dòng sông nào nữa”, thì có lẽ mọi người có thể sẽ hiểu rõ hơn định hướng của nhà nước, cũng như vai trò của ca nhân mình đối với chính bản thân mình và cộng đồng.
Mô hình chiến lược “lưỡi câu chùm”
Thực tế thì thuật ngữ “chiến lược” và “chiến thuật” được khai sinh bởi quân đội chứ không phải các nhà kinh tế học. Khi nói đến trận đánh chiến lược là chúng ta muốn nói đến tinh thần buộc phải thắng, để làm cơ sở cho các bước đi tiếp theo. Việc buộc phải thắng, yêu cầu tập trung mọi nguồn lực cần thiết cho trận thắng đó. Tuy nhiên, trong dự thảo chiến lược, chúng ta khó có thể xác định được đâu là hướng đi chủ đạo của chúng ta trong thời gian tới. Điều này cũng đã có một vài học giả có những nhận xét tương tự như cho rằng chiến lược có quá nhiều ưu tiên, hoặc giống mô hình “gai mít” (http://vnr500.vn/2010-10-10-van-phong-nghi-quyet-in-dau-trong-chien-luoc-phat-trien).
Nói một cách hình tượng, xác định hành động chiến lược phần nào cũng giống như người đi câu cá. Trước khi câu, người câu cần xác định trong ao có thể có loại cá gì và với mỗi loại cá cần có lưỡi câu, dây câu, mồi câu và qui trình thả mồi riêng.
Nhìn ra xung quanh, chúng ta có thể thấy Singapore đã thành công với chiến lược phát triển kinh tế dịch vụ, kinh tế trí thức và giờ là kinh tế sáng tạo (http://app.mica.gov.sg/Default.aspx?tabid=66). Ở mức độ thấp hơn, nhưng có thể thấy Thái Lan cũng thành công với chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ cho các thị trường phát triển, dù phải phụ thuộc vào các thị trường này trong giai đoạn đầu.
Chiến lược 2011-2020 cũng đã thừa nhận chúng ta cần chuyển từ mô hình tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu. Vậy đâu là mũi nhọn tăng trưởng chiều sâu? Một điểm bất cập nữa của dự thảo là không xác định được mối quan hệ giữa các mục tiêu. Từ đó mới có thể xác định được thứ tự ưu tiên của các mục tiêu cụ thể.
Chiến lược không gắn với mức độ trưởng thành của nền kinh tế
Trong phần trên đã nêu, chiến lược chung qui cũng để trả lời câu hỏi kiếm tiền như thế nào và tiêu tiền như thế nào? “Sinh - Lão - Bệnh” là tư tưởng của triết học phương Đông, nhưng có vẻ người phương Tây áp dụng nhuần nhuyễn hơn. Trong khi người phương Đông vẫn đang tự hào về nền văn minh lâu đời của mình mà không có sự thay đổi, người phương Tây lại luôn nhận biết chính xác chu kì phát triển của mình để có những đổi mới trong các lĩnh vực. Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là một bằng chứng.
Trong phạm vi một gia đình, khi cha mẹ quyết định phương thức kiểm tiền & tiêu tiền trong gia đình như thế nào thường cũng đều cân nhắc xem con cái mình đang ở tuổi nào. Với những đứa trẻ mới sinh, cha mẹ có thể ở nhà chăm sóc đứa trẻ thay vì đi làm kiếm tiền. Với những đứa trẻ, cha mẹ cũng hạn chế quyền tự chi tiêu.
Vậy khi đưa ra các chiến lược cho việc kiếm tiền & tiêu tiền, chúng ta đã đánh giá mức độ trưởng thành của nền kinh tế Việt Nam hay chưa. Trong dự thảo không có đề cập nhiều đến vấn đề này. Tuy nhiên, theo các học giả phân tích thì có quá nhiều bất cập nếu chúng ta đặt ra quá nhiều mục tiêu kinh tế cho những “đứa con doanh nghiệp”. Bằng chứng là có nhiều quan điểm phản đối việc coi “doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước là lực lượng kinh tế chủ đạo”. Về vấn đề này, người viết cũng đã có bài phân tích riêng trên địa chỉ http://vnr500.vn/2010-09-23-sau-vinashin-con-dua-tre-to-xac-nao- (24/09/2010).
Tổ chức thực hiện chiến lược không rõ ràng
Một trong những điều kiện thành công khi thực hiện chiến lược như đã đề cập ở trên là mọi cá nhân liên quan phải thực hiện thấu hiểu tinh thần chủ đạo của chiến lược. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, dự thảo chiến lược đã được nhiều người biết đến và thảo luận hơn. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ các nội dung trong mục VI - Tổ chức thực hiện chiến lược thì khó có thể tìm thấy một sự đổi mới nào trong công tác tuyên truyền, tạo nhận thức thống nhất về nhận thức và hành động trong việc thực hiện chiến lược thay thế cho những hội nghị quán triệt khô cứng. Chúng ta có thể dễ dàng biện giải cho những thất bại là chủ trương đúng nhưng các cấp thực thi không đúng. Cho dù có như thế thì cũng không thể nói đó là một chiến lược thành công.
Để chiến lược thực sự đi sâu vào nhận thức của mọi người, các cấp lãnh đạo cần có nhiều hơn nữa những cuộc tiếp xúc, những cuộc nói chuyện trước các tầng lớp. Đặc biệt là việc thể hiện các quan điểm nhất quán về các vấn đề làm tổn hại đến việc thực thi chiến lược đã đề ra. Việc này rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo cam kết.
Kết luận
Mười năm đối với một đời người cũng không hẳn là quá dài, đối với sự phát triển của một đất nước lại càng ngắn. Tuy nhiên, nếu chúng ta lãng phí khoảng thời gian đó thì chúng ta có thể mất 50 - 60 mươi năm hoặc lâu hơn nữa để giải quyết hậu quả. Trước đây mỗi khi về quê, nhìn cảnh lam lũ, thậm chí tha hương kiếm ăn của nhiều nông dân thuộc thế hệ anh chị, người viết nghĩ rằng thế hệ con cái họ chắc sẽ tốt hơn. Nếu nhìn qua, chúng ta cũng thấy rằng cuộc sống có nhiều điểm tốt hơn 20 năm trước, bằng chứng là mọi người đã no đủ hơn, hầu hết các gia đình đều có ti vi, xe máy, v.v.. Nhưng thực ra, những giá trị mà những vật chất đó mang lại cho thế hệ sau thực sự là gì khi nhiều thanh niên đâu có xem ti vi (trừ khi đó là bóng đá). Hơn 20 năm trước, người viết đã mượn được những cuốn tiểu thuyết “Tắt đèn”, “Nắng đồng bằng”, “Mẫn và tôi”… từ chính những anh chị nông dân đó. Sự đánh giá được mất là rất khó khăn, khi chúng ta chưa có được sự nhất quán trong việc xác định các giá trị cốt lõi. Do vậy, có được một chiến lược chính xác, có sự đồng thuận cao trong thời điểm này là rất quan trọng và rất thiết thực!.
Ths. Bùi Minh Khuê