Thứ Năm, 26/9/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 17/11/2016 21:55'(GMT+7)

Người thầy tâm huyết gìn giữ văn hóa dân tộc Dao

Thầy Lê Văn Sam trên lớp dạy tiếng Dao.

Thầy Lê Văn Sam trên lớp dạy tiếng Dao.

Sinh năm 1947, đến nay đã gần ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng thầy giáo Lê Văn Sam vẫn tâm huyết, say mê với công việc sưu tầm, nghiên cứu, phát triển văn hóa đồng bào dân tộc Dao trên quê hương Đất Tổ.

Là người con của dân tộc Dao, với sự hiểu biết sâu sắc về đời sống, văn hóa của dân tộc mình, thầy Sam là một trong số ít người đang tiếp tục duy trì và “truyền lửa” cho các thế hệ con em trên quê hương Thanh Sơn - Phú Thọ, bởi thầy luôn tâm niệm: Bảo tồn văn hóa chính là cách tốt nhất để giữ lấy nguồn cội của dân tộc.

Sinh ra ở xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, năm 1964, thầy Lê Văn Sam tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với vai trò Trung đội trưởng Dân quân tự vệ xóm Náy, xã Yên Lương. Sau đó, thầy liên tiếp trải qua nhiều công việc khác nhau như: Làm kế toán trưởng rồi Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp; tham gia công tác trong ngành y tế với nhiều năm làm y tế thôn bản; rồi chuyển ngành làm giáo viên dạy học ở Trường tiểu học Yên Lương…

Từ năm 1977, thầy cùng gia đình chuyển về định cư và tiếp tục công việc dạy học tại xã Yên Sơn. Trong những năm tháng khó khăn, ngoài việc “đứng bục”, là trụ cột gia đình, thầy Lê Văn Sam vẫn phải bươn chải từ làm thuê đến phụ xây để nuôi gia đình. Nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đã khiến thầy có lúc nghĩ đến việc phải nghỉ dạy. Nhưng được sự động viên của gia đình, người thân cùng với tinh thần ham học, yêu nghề, thầy Sam đã vượt lên để giữ vững và hoàn thành tốt sứ mệnh “trồng người” với mong muốn được truyền đạt kiến thức và văn hóa cho thế hệ mai sau...

Nhiều năm trở về trước, Yên Sơn là một trong những xã vùng cao nghèo khó ở tỉnh Phú Thọ, vì xa trung tâm, nên từ kinh tế, giao thông đến việc học hành của con em các làng bản đều gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, cùng với các xã Yên Lương, Tân Lập thì vùng đất Yên Sơn là nơi lưu giữ được nhiều bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Dao của thầy. Trong quá trình dạy học, với niềm đam mê tìm hiểu văn hóa dân tộc mình và các dân tộc anh em, thầy Sam đã dày công đi đến từng làng, bản để tìm hiểu, học hỏi về lịch sử, phong tục tập quán văn hoá của đồng bào.

Với kiến thức phong phú và hiểu biết sâu sắc về lịch sử và đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Dao, năm 2015, thầy Lê Văn Sam chính thức được kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ.

Với niềm say mê và tình yêu văn hóa dân tộc, cùng với kinh nghiệm có được sau mỗi chuyến đi điền dã, thầy Sam sớm nhận ra những giá trị, nét đặc sắc trong văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Dao trên quê hương Thanh Sơn. Để có được những vốn kiến thức phong phú, sâu rộng, thầy thường xuyên tìm gặp già làng, trưởng bản để học hỏi, trao đổi. Thầy còn lại lặn lội về tận các bản làng ở Hòa Bình, Sơn La để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, đời sống tín ngưỡng văn hóa, qua đó tìm ra nét tương đồng và khác biệt trong cộng đồng người Dao các vùng miền.

Trong những chuyến đi như thế, thầy đã thu thập, ghi chép được hàng ngàn trang tư liệu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào. Đây là những cứ liệu quan trọng để thầy hoàn thành cuốn sách viết về lịch sử, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa người của Dao Tiền; cung cấp tư liệu cho Hội Văn nghệ dân gian của tỉnh; viết báo tuyên truyền về những giá trị văn hoá tốt đẹp của các cộng đồng dân tộc thiểu số…

Trong những năm qua, thầy còn đầu tư công sức để phục dựng và truyền dạy những điệu múa cổ truyền của người Dao cho con em địa phương, cho đội văn nghệ xã và huyện. Thầy còn đến một số địa bàn có cộng đồng người Dao sinh sống ở tỉnh Hòa Bình để thực hiện việc truyền dạy này.

Không dừng lại ở đó, hiện nay, hằng tuần thầy Sam còn tham gia giảng dạy lớp tiếng Dao dành cho cán bộ công chức là công an các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập của tỉnh Phú Thọ. Để có thêm tư liệu giúp cho công việc nghiên cứu và giảng dạy, thầy Sam thường xuyên sưu tầm tư liệu sách, báo, tạp chí viết về lịch sử, địa lý, văn hóa, văn học của người Dao, tham gia các lớp tập huấn… thông qua những nguồn tư liệu đó, thầy biên soạn lại thành phương ngữ cho phù hợp với các đối tượng học viên tham gia học tập.

Thầy Lê Văn Sam chia sẻ: Học tiếng Dao không khó, bởi âm tiếng Dao phát âm thẳng như tiếng Kinh, nhưng để học được đòi hỏi người học phải tập trung, kiên trì và có niềm đam mê. Dạy và học tiếng Dao trong bối cảnh hiện nay không chỉ có ý nghĩa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn đem lại hiệu quả cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, dân vận. Bên cạnh cần phải biết ngôn ngữ, nếu am hiểu được tín ngưỡng, phong tục của đồng bào sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền../.

Bài, ảnh: Phùng Huyền Trang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất