(TCTG) - Đã từ nhiều năm nay, người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Việt Nam phải chạnh lòng mỗi khi so sánh quy mô thị trường trong nước với thị phần khiêm tốn dành cho hàng hóa nội địa. Những cụm từ, "thua trên sân nhà", "lép vế", "bị hàng ngoại lấn át"... được vận vào hàng hóa trong nước lâu dần trở thành quen. Các doanh nghiệp thì mải mê hướng đến thị trường xuất mà quên mất tiềm năng ngay trong nhà mình; người tiêu dùng sính ngoại, chấp nhận với giá "cắt cổ" để mua lấy mác ngoại... tất cả đã trở thành thói quen.
Tuy nhiên, thói quen không có nghĩa là không sửa được. Đặc biệt, thói quen đó lại không có lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và hơn thế nữa lại không có lợi cho quốc gia thì cần phải sửa... Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước vượt lên chiếm lĩnh thị trường nội địa và "đánh thắng hàng ngoại".
Động thái từ các doanh nghiệp
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng đã có những động thái khá rõ ràng trong chiến lược kinh doanh và mua sắm. Không chỉ các thành phố lớn, mà ngay tại các vùng nông thôn, trước đây vốn là "sân nhà" của hàng ngoại, hàng lậu, hàng kém chất lượng, thì giờ đây với chính sách kích cầu của Chính phủ, thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều doanh nghiệp không khỏi "ngỡ ngàng" bởi hàng hóa được bán rất chạy. Thống kê của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ DN BSA cho thấy, chỉ ba ngày diễn ra hội chợ hàng chất lượng cao vừa được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp đạt hơn 750 triệu đồng doanh thu. Trong hai ngày bán hàng tại Trà Vinh, toàn bộ hàng đã bán hết, doanh thu gần 900 triệu đồng. "Cái được nhất của chương trình đưa hàng về nông thôn là những lo ngại của người dân về hàng giá rẻ, kém chất lượng, lỗi mốt, hàng nhái hoặc đại hạ giá... đã không còn" - ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, cơ quan chủ trì chương trình Xúc tiến thương mại nội địa của Bộ Công Thương khẳng định.
Có nhiều năm lăn lộn trên thị trường nội địa, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc bán hàng khu vực Nam Mêkông - Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết: "Chiến lược kinh doanh của Mỹ Hảo là lấy người tiêu dùng nội địa làm định hướng cho sản xuất của đơn vị". Đây là tiền đề giúp Mỹ Hảo đạt mục tiêu tăng trưởng khả quan, bình quân hơn 20%/năm, đồng thời cạnh tranh một cách "sòng phẳng" với các "đại gia" trong ngành hóa, mỹ phẩm có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Lướt qua các cửa hàng và siêu thị thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dễ dàng nhận thấy, hàng hóa ở đây được bày bán đa dạng, phong phú và bắt mắt, nhưng bất ngờ hơn là các sản phẩm đều là “Made in Vietnam”. Bà Nguyễn Thị Thành, Phó Giám đốc chuỗi siêu thị Hapro cho biết, hàng hóa Việt Nam giờ đã đẹp hơn, chất lượng hơn nên cũng thu hút được người tiêu dùng hơn. "Ở chuỗi siêu thị của chúng tôi, từ đồ ăn, thức uống, đến những mặt hàng tiêu dùng cao cấp như máy móc, đồ điện tử vốn trước kia do hàng ngoại chiếm ưu thế, thì nay đã nhường lại cho các mặt hàng sản xuất trong nước", bà Thành nói.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C cho hay, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã dần thay thế được các sản phẩm của Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Người tiêu dùng cũng chú trọng nhiều hơn đến việc lựa chọn các mặt hàng sản xuất trong nước.
Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), với mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh, hàng may mặc trong nước giờ không hề thua kém các sản phẩm nước ngoài. Vinatex đang tập trung đưa các sản phẩm của ngành không ngừng vươn xa và "cắm rễ" trên mọi miền của đất nước. Theo ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Hiện tại, mạng lưới của Vinatex đã phát triển tới gần 30 tỉnh, thành phố, với tổng số 55 siêu thị, hơn 20 cửa hàng thời trang lớn nhỏ. "Chiến lược sắp tới của chúng tôi là tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ, đưa hàng tới tận các khu dân cư và tiếp cận mọi đối tượng khách hàng" - ông Giang cho biết.
Chiến thắng bằng cách nào?
Một vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất là trong cuộc “chấn hưng” nội hóa này, các doanh nghiệp phải là người đi đầu trong việc sản xuất các mặt hàng phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều nhà sản xuất băn khoăn, mặc dù làm ra những mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhưng họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và công bố những mặt hàng kém chất lượng, hàng lậu. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong các lĩnh vực thuế, hải quan, quản lý thị trường để “chung tay” đánh bật hàng lậu, hàng giả đang tràn lan như hiện nay. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải tự đánh giá lại toàn bộ khâu sản xuất của mình, tự đánh giá uy tín thương hiệu của mình đã định vị như thế nào trong lòng người tiêu dùng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đang có Chương trình xúc tiến thị trường nội địa, như điều tra kinh doanh, thói quen tâm lý người tiêu dùng để giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược trong việc bán hàng sao cho hiệu quả nhất. Song song với đó, Bộ cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các buổi hội thảo để người tiêu dùng quen với hàng Việt và tạo thói quen sử dụng hàng trong nước. Sau khi có cuộc vận động cần chú trọng hơn cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng, sản phẩm mẫu mã phù hợp với thói quen của người Việt Nam.
Hàng tiêu dùng sản xuất trong nước có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, chủng loại phù hợp với người tiêu dùng, sản phẩm đa dạng ở nhiều phân khúc khác nhau để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cùng với đó giá cả hàng nội địa đa dạng hơn hàng ngoại nhập, từ giá thấp đến giá cao, nên phù hợp cho mọi đối tượng người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều người tiêu dùng từ xưa đến nay vẫn rất trung thành với hàng sản xuất trong nước đều có chung nhận định, công tác quảng bá hàng nội còn kém, bao bì sản phẩm còn chưa bắt mắt và thu hút người tiêu dùng so với các sản phẩm nước ngoài.
Để tạo văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam, nhà sản xuất phải chú trọng đầu tư cho chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và giữ chất lượng ổn định, ngoài ra cần tăng cường quảng cáo, tạo dấu ấn riêng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đánh giá vằ nắm vững tâm lý để đưa ra các sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng. Từ đó, sẽ biết đối tượng mình phục vụ là ai? Và ai sẽ sử dụng chúng ở mức độ như thế nào?
Đỗ Quỳnh Chi, Bộ Tài chính