Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 20/9/2009 15:6'(GMT+7)

Một số suy nghĩ về mối quan hệ tôn giáo với dân tộc ở nước ta hiện nay

Chùa Trúc Lâm (Nha Trang). Ảnh: VOV

Chùa Trúc Lâm (Nha Trang). Ảnh: VOV

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Ước tính khoảng 80% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có gần 20 triệu tín đồ của 6 tôn giáo như: Phật giáo khoảng 10 triệu tín đồ, Công giáo gần 6 triệu tín đồ, Cao Đài khoảng 2,3 triệu tín đồ, Hòa Hảo khoảng 1,3 triệu tín đồ, Đạo Tin Lành gần 1 triệu tín đồ, Hồi giáo 70.000 tín đồ. Ngoài ra còn hàng triệu người theo các tôn giáo bản địa như Tịnh độ cư sỹ, Bửu sơn Kỳ hương, Tứ ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo và các tôn giáo mới du nhập vào như đạo Bahai... Các tổ chức tôn giáo ở nước ta đã xây dựng được một lực lượng chức sắc, các nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp đông đảo. Số chức sắc, chức việc này là lực lượng lãnh đạo các tổ chức tôn giáo như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 25 Giáo phận Công giáo, 9 Hội thánh Cao Đài, Hội thánh đạo Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh đạo Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh... đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.(1)

Các tôn giáo có mối quan hệ quốc tế rộng rãi. Trước hết là Giáo hội Công giáo Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ về mặt tổ chức và là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Giáo triều Va-ti-can (Công giáo thế giới với khoảng 1,15 tỉ tín đồ ở 180 nước). Các hệ phái Tin Lành ở Việt Nam đều có nguồn gốc từ Tin Lành ở nước ngoài, nhất là Tin Lành Mỹ, Tin Lành Tây Âu, Bắc Âu và Tin Lành Hàn Quốc (Tin Lành thế giới hiện có 550 triệu tín đồ ở hơn 100 quốc gia). Giáo hội Phật giáo Việt Nam có mối quan hệ với Phật giáo thế giới nhất là Phật giáo các nước láng giềng như: Phật giáo Cam-pu-chia, Phật giáo Lào, Phật giáo Trung Quốc (Phật giáo thế giới có khoảng 350 triệu tín đồ, chủ yếu ở châu Á). Hồi giáo Việt Nam có mối quan hệ với Hồi giáo thế giới, nhất là Hồi giáo khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực tôn giáo đông nhất thế giới (Hồi giáo thế giới khoảng 1,3 tỉ tín đồ ở 50 quốc gia, trong đó Đông Nam Á là một trong những khu vực Hồi giáo lớn nhất). Ngoài ra, các tôn giáo ở Việt Nam còn chịu tác động của các cá nhân, tổ chức tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài (hiện có khoảng trên dưới 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài mà đa số là tín đồ, chức sắc của các tôn giáo).

Hiện cả nước có khoảng 60.000 chức sắc của 6 tôn giáo cụ thể: Phật giáo: 33.000 chức sắc; Công giáo: 15.000 chức sắc; Cao Đài: 8.000 chức sắc; Tin Lành: 405 chức sắc và Hồi giáo: 600 chức sắc... Ngoài ra, còn khoảng trên 200.000 chức việc là tín đồ hoạt động tôn giáo không chuyên nghiệp ở cơ sở của các tôn giáo.

Khái quát một số nét về các tôn giáo ở Việt Nam để thấy đây là vấn đề lớn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có chủ trương, chính sách thích hợp trong hoàn cảnh và điều kiện mới, nhất là khi nước ta mở cửa, hội nhập quốc tế và các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để tập hợp quần chúng nhằm chống phá cách mạng nước ta với âm mưu "diễn biến hòa bình".

Để giải quyết tốt mối quan hệ tôn giáo ở nước ta cũng như mối quan hệ giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo; đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo ở trong nước với đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ngoài và mối quan hệ đồng đạo trong và ngoài nước... là công tác quan trọng nhằm vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, vừa đấu tranh chống lại những âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận của đồng bào các tôn giáo trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Do đó, thực hiện công tác quản lý về tôn giáo phải dựa trên quan điểm lịch sử khoa học, nhận thức toàn diện căn nguyên lịch sử sâu xa, căn nguyên xã hội, tâm lý phát sinh và sự tồn tại của tôn giáo, nhận thức toàn diện hiện tượng xã hội tôn giáo có ảnh hưởng tương đối lớn đối với một bộ phận quần chúng nhân dân.

Hơn 20 năm đổi mới, hội nhập với quốc tế, Việt Nam đã có nhiều thay đổi về cơ cấu đoàn kết xã hội và lợi ích xã hội thay đổi, quan niệm, tư tưởng của nhân dân ngày càng có xu hướng đa dạng, một số người tìm kiếm sự an ủi tâm lý từ tôn giáo..., ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống của một bộ phận nhân dân ngày càng tăng lên. Cùng với sự phát triển của các tôn giáo, các hoạt động xâm nhập của các thế lực thù địch cũng ngày càng can thiệp sâu hơn vào đời sống chính trị ở nước ta. Trong một mức độ nhất định, sự can thiệp của các thế lực này đã làm cho tính phức tạp của vấn đề tôn giáo ngày càng trở nên nổi cộm, đòi hỏi chúng ta phải nắm chắc và xử lý đúng đắn vấn đề tôn giáo, vừa không thể dùng biện pháp hành chính để quản lý tôn giáo, đồng thời cũng không thể từ bỏ vai trò quản lý đối với các hoạt động của tôn giáo mà cần tăng cường làm tốt công tác tôn giáo của Đảng, đoàn kết chặt chẽ phần lớn những người theo tôn giáo xung quanh Đảng và chính quyền, cùng phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Để thực hiện tốt công tác tôn giáo trong tình hình hiện nay, chúng ta cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, thực hiện đúng đắn và toàn diện quan điểm, chủ trương, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước là “Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân”. Đây là một chủ trương, chính sách cơ bản và lâu dài của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là quyền lợi cơ bản mà Hiến pháp đã dành cho mỗi công dân. Phải thực hiện thống nhất giữa nghĩa vụ và quyền lợi, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với quần chúng theo tôn giáo, tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục pháp luật và đạo đức công dân, phổ cập tri thức văn hóa và khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là tri thức khoa học - công nghệ hiện đại, làm cho quần chúng theo tôn giáo ngày càng có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Hai là, tiếp tục thực hiện công tác quản lý tôn giáo theo pháp luật. Hoạt động tôn giáo là hoạt động liên quan và ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, liên quan tới lợi ích chung của xã hội và lợi ích quốc gia. Do đó, mọi hoạt động của các tổ chức tôn giáo cần phải quản lý theo pháp luật, kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm hoạt động tôn giáo được tiến hành có trật tự. Tôn giáo cần phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; hoạt động tôn giáo không được cản trở trật tự xã hội, trật tự công cộng và sinh hoạt bình thường của người dân.

Ba là, tạo điều kiện, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo trong nước giao lưu, mở rộng đối ngoại với các tổ chức tôn giáo trên thế giới. Cổ vũ và ủng hộ các tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu đối ngoại và tuyên truyền đối ngoại trên cơ sở chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là độc lập, tự chủ, bình đẳng, hữu nghị, đem lại sự hiểu biết và ủng hộ ngày càng lớn của các nước trên thế giới về sự đúng đắn của chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng là sự bảo đảm quan trọng để các tổ chức tôn giáo và tín đồ các tôn giáo không chịu sự chi phối và khống chế của thế lực bên ngoài. Cần chỉ đạo và ủng hộ các tổ chức tôn giáo tự giác kiên trì nguyên tắc này, giúp đỡ và ủng hộ các tổ chức tôn giáo phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm quyền lãnh đạo của những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo thuộc về cácchức sắc yêu nước, yêu tôn giáo.

Bốn là, định hướng và giúp đỡ tôn giáo thích ứng với xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì xã hội xã hội chủ nghĩa không phải là giáo điều, cứng nhắc, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người. Xã hội xã hội chủ nghĩa hết sức cụ thể và thiết thực. Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời sống hạnh phúc. Cổ vũ và ủng hộ các tổ chức tôn giáo phát huy truyền thống tốt đẹp yêu nước, yêu tôn giáo, đoàn kết tiến bộ, phục vụ xã hội, cống hiến vì sự nghiệp đoàn kết, phát triển kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, giữ vững độc lập, thống nhất đất nước. Giúp đỡ, ủng hộ các tổ chức tôn giáo đưa ra sự lý giải đối với giáo lý tôn giáo phù hợp với yêu cầu tiến bộ xã hội, tăng cường sự hiểu biết của quần chúng theo tôn giáo đối với Đảng và Chính phủ. Ủng hộ các tôn giáo tham gia phản đối và ngăn chặn các thế lực lợi dụng tôn giáo hoạt động phi pháp gây nguy hại đối với Tổ quốc và lợi ích của nhân dân. Cảnh giác và phòng ngừa âm mưu của các thế lực thù địch trong nước và quốc tế thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ hội nhập, tăng cường quan hệ quốc tế, chúng ta càng cần nêu cao tinh thần cảnh giác nhằm ngăn chặn sự thâm nhập của các tổ chức, cá nhân lợi dụng tôn giáo kích động đồng bào tôn giáo chống đối chính quyền và chế độ./.
 
------------------------------
 
(1) Thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2003

Nguyễn Mạnh Quang

Ủy viên Ban Thường trực, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Theo TCCS điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất