Thứ Bảy, 30/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 11/9/2009 10:57'(GMT+7)

Mở bể than 210 tỷ tấn: Không đánh đổi lúa lấy than

Một cảnh khai thác than ở Quảng Ninh. Ảnh: vfej.vn

Một cảnh khai thác than ở Quảng Ninh. Ảnh: vfej.vn

ĐBSH sẽ sụt lún nghiêm trọng?

- Là một thành viên tham gia phản biện, ông có ý kiến gì xung quanh bản Đề án bể than sông Hồng của TKV?

Dự báo trữ lượng than ở khu vực này là 210 tỷ tấn với 100 vỉa than, mỗi vỉa dày vài mét.

Quan ngại lớn nhất của chúng tôi với việc khai thác bể than sông Hồng là vấn đề sụt lún, biến vựa lúa đồng bằng sông Hồng thành hồ chứa nước nhiễm mặn. Thậm chí, cũng có người dự báo nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ phải di dân tới nơi khác ở.

Cái đáng lo là ở chỗ khả năng sụt lún sẽ không diễn ra ngay lập tức, mà từng bước, mỗi ngày một ít. Và sẽ một ngày nào đó, cả vùng đồng bằng rộng lớn của chúng ta sẽ chìm trong chua mặn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiên đoán ban đầu, còn việc sụt lún ra sao phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ khai thác ra làm sao, công nghệ thế nào.

Tại đề án, TKV cũng nêu giải pháp, trong trường hợp đất sụt do khai thác, sẽ đổ đất để bù vào. Thế nhưng, giải pháp này có vẻ hơi hài hước. Không hiểu họ sẽ lấy đất ở đâu, nhất là với một khối lượng khổng lồ như vậy. Hoặc giả thử có thể làm được cái việc đó thì cũng chưa chắc đã tái canh tác ngay được.

- Ông vừa nhấn mạnh tới khả năng khai thác bể than đồng bằng sông Hồng sẽ có thể dẫn tới nguy cơ sụt lún đất. Ông có thể mô tả kỹ hơn về nguy cơ này thế nào?

Phải lưu ý, nền địa chất ở ĐBSH là đất xốp. Nếu có sụt lún xảy ra sẽ không sụt thẳng. Mà giống như việc một ngôi nhà bị sụt, nó sẽ kéo theo nhà bên cạnh, dù ít hơn và dẫn tới một phản ứng dây chuyền sang cả khu vực xung quanh. Chúng tôi gọi hiện tượng này là sụt lan tỏa, sụt kéo theo. Khi ấy, chúng ta sẽ không lường hết được tác hại.

- Nhưng thưa ông, hiện nay khoa học kỹ thuật trên thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn. Liệu chúng ta có thể có cách nào để xử lý việc sụt lún nếu tiến hành mở bể than đồng bằng sông Hồng không?

Khu vực dự kiến sẽ khai thác than ở ĐBSH.

Khó lắm. Về lí thuyết, có thể chống sụt lún bằng phương pháp chèn lò, lấp bằng phù sa. Tuy nhiên, ngay cả khi làm được thì cũng chỉ giải quyết được một phần, không thể bù đắp hết. Chính phần thiếu hụt đó sẽ gây nên hiện tượng sụt lún.

Địa chất thủy văn: Đối tác Nhật cũng “bó tay”

- Bên cạnh nguy cơ gây sụt lún đất, còn điều gì khiến ông quan ngại về tính khả thi của dự án này?

Cốt lõi của việc khai thác than ở ĐBSH chính là vấn đề nước và vấn đề đá.

Về nước, theo tính toán của các nhà khoa học đã được công bố nhiều năm nay, lượng nước chảy vào công trình khai thác mỏ sẽ là 20.000 m3/h. Hiện nay, về mặt khoa học, chúng ta chỉ có thể bơm tháo khô được lượng nước 6000 – 10.000 m3/h. Với lượng nước trên 10.000 m3/h, khoa học vẫn đang bó tay, chưa có cách gì xử lý được. Nếu không tháo khô được mỏ, làm sao chúng ta khai thác? Đó là vấn đề hết sức nan giải.

Từ những năm 1980, Việt Nam đã muốn kiểm tra xem bể than ĐBSH có khả năng khai thác được không. Chúng ta có đặt vấn đề nhờ Hội đồng Tương trợ kinh tế SEV giúp đỡ, tuy nhiên họ cho biết không có khả năng để giúp Việt Nam.

Trong các năm 1998 – 2001, đối tác NEDO của Nhật Bản cũng đã tiến hành khảo sát, thăm dò một phần bể than ĐBSH, thế nhưng họ cũng nói rằng, việc xử lý vấn đề nước ở khu vực này là quá khả năng. NEDO đã rút lui, không tiếp tục kế hoạch ở bể than ĐBSH.

- Ông có biết lí do NEDO rút lui?

Vào thời điểm đó, đối tác Nhật Bản cũng đã nghe về tổng lượng nước chảy vào công trình khai thác mỏ là 20.000 m3/h và họ hi vọng con số này là không có thật. NEDO đã tiến hành thăm dò địa chất, trong đó một nửa số mũi khoan là để kiểm tra địa chất thủy văn. Cuối cùng, họ đành bỏ phí 15 triệu USD (giá vào thời điểm năm 2001).

Thủy văn công trình: 20.000 m3/h hay 6.000 m3/h

- Với đề án mở cửa bể than ĐBSH, phải chăng họ đã có phương án xử lý được vấn đề nước?

Theo đề án của TKV, họ mới thử nghiệm công nghệ xử lý 6000 m3/h, không phải là 20.000 m3/h. Muốn biết có làm được hay không, theo tôi, phải thử nghiệm nghiêm túc.

- Liệu có việc, ở địa điểm này lưu lượng thủy văn công trình là 6.000 m3/h trong khi ở địa điểm khác, lượng nước lên tới 20.000 m3/h?

Không có chuyện đó. Đặc trưng địa chất ở ĐBSH là có nhiều "cửa sổ", nghĩa là nhiều nơi không có lớp đất sét cách nước. Việc có nhiều "cửa sổ", đồng nghĩa với việc khối lượng nước sẽ cùng đổ dồn qua các "cửa sổ" đó để tràn vào các vỉa than. Hơn nữa việc có nhiều "cửa sổ" địa chất thủy văn, thì lượng nước sẽ không thể chỉ là 6.000 m3/h được.

Ngay trong bản báo cáo địa chất kết quả khảo sát, tìm kiếm, thăm dò than ĐBSH của tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tháng 5/2006 cũng dẫn nghiên cứu của NEDO cho biết, lượng nước chảy vào công trình khai thác mỏ là 20.000 m3/h. Trong khi đó, bản đề án của TKV chỉ viết vỏn vẹn: Lượng nước là 6000 m3/h. Tôi không rõ cơ sở khoa học để TKV đưa ra con số 6000 m3 nước/h là căn cứ thế nào.

Không thể nghĩ đơn giản rằng nước chảy vào công trường khai thác mỏ thì bơm ra. Đây là nước chua, đã nhiễm mặn, phải qua xử lý. Chúng ta không thể bơm ra như khi chống lụt, mà cần có đường dẫn và hệ thống xử lý. Hiện nay, đề án của TKV chỉ nêu chung chung là bơm ra ngoài, nhưng thải nước ra như thế nào, xử lý ra sao, cũng chưa thấy nó nêu một cách thuyết phục.

Khi rút nước ở dưới tầng sâu khai thác mỏ, vô hình chung, chúng ta đã gọi nước biển vào, làm mặn hóa ĐBSH. Cả một thảm thực vật lớn sẽ thay đổi. Hướng thay đổi như thế nào, xảy ra trong bao lâu, TKV cũng cần cùng các bên liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng.

- Trên thế giới đã có nước nào từng khai thác than ở điều kiện như vậy chưa, thưa ông?

Nhật Bản đã khai thác thành công ở khu vực đảo Hockaido, dưới lòng Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều kiện đất đá của họ hoàn toàn khác. Đất trên và dưới vỉa than của Nhật Bản đều cứng rắn.

Trong khi đó, đất đá ở ĐBSH có đặc tính mềm, bở. Hệ thống vách trụ để khai thác mỏ khó. Nguy cơ sập lò là hiện hữu. Mặc dù có thể khắc phục được địa chất công trình nhờ vào công nghệ và kinh nghiệm khai thác than lâu năm của Việt Nam, tuy nhiên, chi phí sẽ đội lên, rất tốn kém.

Không chấp nhận đánh đổi

- Thưa ông, việc Việt Nam sẽ thiếu than là nguy cơ hiện hữu, nếu không có nguồn bù đắp thì chúng ta sẽ phải bỏ tiền để nhập khẩu. Việc mở cửa bể than đồng bằng sông Hồng đang được bàn bạc. Theo ông, để có thể đưa ra quyết định đúng, chúng ta cần phải làm gì?

Cần kiểm chứng và xác minh lại các con số, nhất là về địa chất thủy văn và địa chất công trình. Hiện nay đang tồn tại nhiều luồng quan điểm rất khác nhau, do vậy cần phải thử nghiệm.

- VUSTA cũng nói rằng họ sẽ làm 4 dự án thử nghiệm để có được câu trả lời. Theo ông khi thử nghiệm TKV cần tập trung vào những vấn đề nào?

Theo tôi, chúng ta cũng không cần phải tiến hành thử nghiệm ở quá nhiều. Chỉ cần 2 dự án thử nghiệm là đủ.

Đúng là chúng ta cần phải làm thử nghiệm chứ không phải thăm dò. Mà mỗi thử nghiệm chỉ cần làm với 150 triệu tấn than. Chúng ta có đủ lượng than C1, C2 để thử nghiệm mà không cần phải thăm dò.

Sau khi tiến hành thử nghiệm, nếu giải đáp được các câu hỏi về nước, về đất, về tác động môi trường… và vẫn đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả kinh tế thì hãy làm. Nếu không, chúng ta phải kiên quyết dừng lại.

Khai thác than chỉ có thời hạn nhất định, chỉ trăm năm và chứa đựng nhiều hiểm họa. Trong khi đó, vựa lúa có thể khai thác cả nghìn năm. Hãy cứ thử nghiệm cho thấu đáo. Nếu kết luận cuối cùng là khai thác than mà có lợi và giữ được lúa thì chúng ta làm. Còn không thì không bao giờ chấp nhận đánh đổi.

  • Thu Hà – Hoàng Phương ( VietNamNet)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất