Thứ Hai, 25/11/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 20/8/2012 18:8'(GMT+7)

“Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”

Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước cao nhất tại tuyến huyện (61,5%) và thấp nhất ở tuyến trung ương (11,9%). Tổng quan tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên toàn quốc cho thấy, số tiền mua thuốc ngoại nhập chiếm 61,2% tổng số tiền mua thuốc trong các bệnh viện và lên tới 88,1% ở bệnh viện tuyến trung ương.

Theo số liệu thống kê, năm 2008, Việt Nam đã chi khoảng 1,1 tỷ USD cho dược phẩm. Năm 2009, con số này tăng lên khoảng 1,2 tỷ USD. Dự kiến năm 2013, chi phí này sẽ tăng lên khoảng 1,7 tỷ USD. Vào năm 2013, kim ngạch nhập khẩu thuốc sẽ vượt 1,37 tỷ USD so với con số 923 triệu USD trong năm 2008.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sản xuất dược trong nước đã đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng và chữa bệnh. Đã sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắc xin, sinh phẩm và những dạng bào chế công nghệ cao, chất lượng ngày càng nâng cao trong khi giá thuốc rẻ hơn hẳn so với thuốc nhập khẩu cùng loại. Ngành Dược đang nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ của thế giới để mở rộng sản xuất các nhóm tác dụng dược lý cho các bệnh đang có xu hướng tăng lên ở Việt Nam như tim mạch, tâm - thần kinh, tiểu đường. Thuốc trong nước đã sản xuất được trên những dây chuyền đạt tiêu chuẩn của WHO, bảo đảm về chất lượng và giá rẻ hơn thuốc nhập ngoại cùng loại.

Theo Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, mục tiêu đến năm 2015, tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước trong tổng số tiền mua thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương 3%/năm; tuyến tỉnh, thành phố 4%/năm; tuyến huyện 5%/năm. 100% cơ sở sản xuất – kinh doanh thuốc tân dược trong nước đạt tiêu chuẩn GMP, GSP, GLP. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 60% nhu cầu sử dụng. Xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước mỗi năm tăng từ 10 – 15% so với năm trước.

Việc kiểm soát chi phí thuốc có ý nghĩa quan trọng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kỳ vọng: Đây là cơ hội chấn chỉnh lại công tác cung ứng thuốc, kê đơn thuốc trong các bệnh viện, thay đổi “văn hóa” sử dụng thuốc.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phân tích: Quỹ Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chịu áp lực lớn về gia tăng chi phí, trong đó chi phí thuốc chiếm tới 60%). Do đó, ông đề xuất, Bộ Y tế cần công bố danh mục dữ liệu phục vụ công tác đấu thầu cập nhật, mã hóa thuốc để thống nhất quản lý trong toàn quốc. Các sơ sở khám chữa bệnh, chủ đầu tư thực hiện đấu thầu thuốc cần tăng cường lựa chọn thuốc hợp lý và định hướng ưu tiên sử dụng thuốc trong nước theo quy định; bác sĩ, nhân viên y tế tham gia phong trào người Việt sử dụng thuốc sản xuất trong nước có hiệu quả…/.

Tin, ảnh: Ngọc Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất