Tuyên Quang là tỉnh miền núi , giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống phân tán trên một địa bàn rộng nên người dân tiếp cận các dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế . Chính vì thế, đội ngũ y tế thôn, bản là lực lượng đi đầu trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, phòng chống các loại dịch bệnh, khám chữa bệnh ban đầu tại khu dân cư, đảm bảo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có 19 thôn, dân số hơn 7.600 người, mỗi thôn có 1 nhân viên y tế thôn, bản. Nhiều năm nay xã không xảy ra dịch bệnh lớn, không có người sinh con thứ 3, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trong 3 năm trở lại đây giảm từ 32% xuống còn hơn 12%.
Là nhân viên y tế thôn Tiền Phong, xã Thắng Quân, chị Vũ Thị Bình đã gắn bó với công việc được gần 20 năm. Chị phụ trách hơn 100 hộ dân với gần 430 nhân khẩu, trong đó hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, nên bà con chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe. Hàng ngày, chị đến từng hộ gia đình tuyên truyền về cách ăn uống hợp vệ sinh, cách diệt bọ gậy phòng chống sốt rét, vận động các hộ gia đình làm công trình phụ hợp vệ sinh, khuyến khích các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hướng dẫn các bà mẹ nuôi con đúng cách… Chị đã trở thành cầu nối giữa người dân với trạm y tế cơ sở và được bà con tin tưởng. Chị Bình tâm sự: “Gần 20 năm làm công tác y tế thôn, bản, nhiều lúc gặp khó khăn vì phải đi nhiều, bỏ bê việc gia đình, nhưng lại thấy vui vì được đóng góp công sức của mình bảo vệ sức khỏe cho bà con”.
Chị Đặng Thị Phương, thôn 8, làng Chẩu 1, xã Thắng Quân cho biết: Gia đình tôi có con nhỏ 3 tuổi, vì chưa biết chăm sóc đúng cách nên cháu bị suy dinh dưỡng, được sự tư vấn, hướng dẫn của các nhân viên y tế thôn về cách chăm sóc, cách nấu ăn cho trẻ, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng… Sau một thời gian thực hiện, giờ đây con tôi đã tăng cân và ít ốm đau hơn trước.
Đánh giá về hoạt động của nhân viên y tế thôn, bản, bác sỹ Nguyễn Thị Nguyệt, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thắng Quân, khẳng định: Đội ngũ y tế thôn, bản đã hỗ trợ được rất nhiều công việc cho trạm y tế. Trước đây, cán bộ trạm phải thường xuyên xuống các bản để nắm bắt tình hình dịch bệnh, nhưng địa bàn rộng, nhiều khi không phát hiện kịp thời. Giờ đây, mọi vấn đề liên quan đến dịch bệnh đã có các nhân viên y tế thôn, bản thông tin hàng ngày, hoặc qua các buổi giao ban hàng tháng, trên cơ sở đó trạm có kế hoạch chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Các chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe vì thế cũng thuận lợi hơn. Bà Đỗ Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tuyên Quang là tỉnh miền núi nên hoạt động y tế thôn, bản còn nhiều khó khăn. Đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, với mức phụ cấp còn thấp nên nhân viên y tế thôn bản phải rất quyết tâm và yêu nghề mới có thể đảm nhiệm được công việc của mình. Ngoài thực hiện chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản theo quy định của nhà nước, tỉnh Tuyên Quang có quyết định hỗ trợ nhân viên y tế phố, thị trấn bằng 0,2 mức lương tối thiểu. Ngành y tế tỉnh cũng thường xuyên lồng ghép các chương trình y tế để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bộ y tế thôn, bản có năng lực, được tham gia nhiều chương trình, dự án để tăng thêm thu nhập, yên tâm công tác.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có gần 2.100 nhân viên y tế, phủ kín các thôn, bản, góp phần quan trọng và hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe người dân ở miền núi. Nếu năm 2006, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi ở Tuyên Quang bị suy dinh dưỡng về cân nặng là 29,2% và suy dinh dưỡng về chiều cao là 34,7% thì đến nay, số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng giảm còn 20% và trẻ bị suy dinh dưỡng về chiều cao là 29,8%; số lượng người bị sốt rét giảm 14% so với cùng kỳ năm 2011…
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, về lâu dài rất cần các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ và có chính sách hỗ trợ đặc biệt hơn để họ gắn bó lâu dài với nghề . /.
TTXVN