Thứ Bảy, 9/3/2013 12:16'(GMT+7)
Nguồn vốn tín dụng và câu chuyện “cần câu, con cá”
Từ nhiều năm nay, việc trao cho người nghèo “cần câu," "con cá,” hay vừa
trao “cần câu” vừa chỉ cách “bắt cá" là một trong những giải pháp được
lãnh đạo nhiều địa phương ở vùng núi phía Bắc quan tâm.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo thông qua nguồn vốn hỗ từ Ngân hàng Agribank những năm gần đây cho thấy, để giảm nghèo bền vững không đơn thuần là chuyện trao cho các hộ nghèo “cần câu” hay “con cá”...
Phấp phỏng với cây... đặc sản
Vốn được thiên nhiên ban tặng, vùng đất Khuổi Mù (Bắc Quang, Hà Giang) chỉ thích hợp trồng cây cam sành. Đây cũng là giống cam gánh trách nhiệm lo toan cho cuộc sống của gần 40 hộ dân đồng bào Dao trên núi Ngòi Lịp.
Thấy lợi nhuận, năm 2005, anh Nguyễn Văn Phò ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) bàn với vợ lên Khuổi Mù mua lại 2 ha đất rừng với hi vọng thoát nghèo. Tuy nhiên, vì thiếu vốn, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật nên sau 3 năm đầu tư, gia đình anh cũng đành chấp nhận trồng cam với mục đích đổi gạo.
Những ngày đầu bỏ vốn, bỏ sức nơi đồi núi hoang vu, không điện, không đường sá đi lại, chị Nguyễn Thị Hằng, vợ của Phò thấy tương lai sao mà mù mịt quá. Cũng vì sợ thất bại nên không ít lần chị đồ với chồng rằng "Dù cố gắng thì ngàn năm sau, anh vẫn không 'thay máu' được vùng đất này." Rồi chị bàn chồng bỏ cuộc, quay về Hàm Yên kiếm việc đắp đổi sống qua ngày.
Bất chấp lời gàn của vợ, năm 2007, anh mạnh dạn tín chấp nhà ở vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank Chi nhánh Hàm Yên, tiếp cận kỹ thuật trồng trọt, đầu tư phân bón, thuốc men và mở rộng diện tích.
"Những thiếu thốn về sức người có thể cố, chứ vốn thì nan giải lắm. Cũng may, có những cán bộ tín dụng của Ngân hàng đã tin vào khả năng thành công của mình, rồi họ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi," anh Phò phấn khởi nhớ.
Có vốn, có đất làm, Phò đầu tư tất vào trồng cam, song cứ đến mùa hái quả, cánh thương lái dưới xuôi lên lại nhăm nhăm ép giá, rồi đến từng nhà gạ gẫm họ bán với giá rẻ. Không ít gia đình vì cần gạo đành chấp nhận bán cả vườn khi cây vừa ra hoa, mà quên đi mùa hái quả. Riêng Phò, anh liều chăm sóc với hy vọng tới mùa thu hoạch sẽ thắng lớn...
Anh Phò bảo có vụ anh cũng thu được vài trăm triệu đồng. Tuy vậy, có những vụ anh mất trắng vì sâu bệnh, hay bị thương lái thu mua với giá rẻ. Điển hình như năm 2007, anh phải nhắm mắt bán gần 4 ha cam với giá 1.000 đồng/kg.
Tần ngần nhìn những đồi cam đang óng quả, anh vừa thao thao nói: "Mình gắn bó với cây cam sành ở đây gần chục năm nay rồi, vui, buồn cũng nếm đủ. Nói thật, trồng cam ở đây cũng như đánh bạc. Có năm trời cho thì thắng lớn. Tuy vậy, cũng không ít vụ thất thu. Và năm nay, dù cam được mùa, song giá vẫn phấp phỏng lắm..."
Cũng như anh Phò, hơn 10 năm trước, vùng quê của bà Hà Thị Khai ở xóm Ngọc Đẩu, xã Thục Luyện (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng rất nghèo. Dù là vùng đất có tiếng trồng chè ở dãy Đông Bắc, song vì kinh tế khó khăn, hạn chế về khoa học kỹ thuật nên số hộ trồng chè khống đếm đầy trên đầu ngón tay.
“Cái khó bó cái khôn chú ạ. Trước đây gia đình hí hụi trồng 1 ha chè, song cũng chỉ hi vọng đủ ăn từng bữa. Còn trồng để làm giàu là điều mà tôi cũng như hàng trăm hộ dân trong vùng không ai dám nghĩ tới,” bà Khai thật thà.
Tuy vậy, năm 2007, sau khi chính quyền địa phương "hiến kế" giúp người dân thoát nghèo thông qua vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, bà đã mạnh dạn tín chấp nhà ở vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank Chi nhánh Thanh Sơn (Phú Thọ) để đầu tư phân bón, tiếp cận khoa học kỹ thuật và mở rộng quy mô trồng chè.
Giọng nói vẫn run run, bà Khai bảo: "Từ ngày có vốn mở rộng quy mô trồng chè lên gần 3 ha, mua phân bón và máy sấy về sơ chế sản phẩm tại nhà, gia đình tôi khấm khá hơn với thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm. Tuy vậy, 3-4 năm đầu không có đầu ra, lo ngại nên vợ chồng tôi cũng có những lần tính đến chuyện bỏ cuộc..."
Từ thành công của gia đình bà Khai, một số gia đình ở Thục Luyện cũng mạnh dạn đầu tư vào trồng chè với hy vọng thoát nghèo. Đáng mừng rằng hiện nay, chè được coi là cây mũi nhọn của địa phương này. Tuy vậy, theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã thì số hộ trồng chè chỉ chiếm 5% trên tổng số 1.337 hộ dân.
Có "cần câu," sao dân vẫn nghèo?
Năm 2012, kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều biến động, song ngân hàng Agribank vẫn tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc vay vốn, làm ăn. Tuy nhiên, do không có đầu ra, sản phẩm tồn kho nhiều nên đa phần hộ vẫn phải tự thân đi tìm thị trường nhỏ lẻ, để tiêu thụ sản phẩm.
“Từ trước tới nay, hầu hết sản phẩm chè của chúng tôi đều bán cho tư nhân, nhiều khi họ còn ép giá nên thu nhập cũng thất thường lắm. Cũng vì sản phẩm tồn kho nhiều nên không ít hộ dân trồng chè ở Thục Luyện nghèo vẫn hoàn nghèo,” bà Khai thở dài nói.
Không riêng gì bà Khai, mà nhiều hộ dân trồng cam sành ở Bắc Quang (Hà Giang), hay nuôi lợn và trồng ngô ở Hàm Yên (Tuyên Quang)… cũng không khỏi lo lắng khi sản phẩm làm ra bị ép giá, hoặc phải bán sang Trung Quốc với giá rẻ.
Theo ông Vũ Văn Minh, Giám đốc Agribank Phú Thọ, thì nhiệm vụ cốt lõi của ngân hàng này là đồng hành với người nông dân nên Agribank luôn tích cực nắm bắt các chương trình hỗ trợ lãi suất để thúc đẩy đầu tư tín dụng và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là sản phẩm người dân làm ra lại không thuận lợi trong việc tiêu thụ, cũng như tìm kiếm thị trường. Điều này không chỉ khiến bà con thấp thỏm, mà ngân hàng cũng quan ngại.
“Để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, cũng như đi vào cuộc sống thì cần phải tiêu thụ được sản phẩm mà người dân làm ra. Sản phẩm có lưu thông, thì mới xoay vòng được nguồn vốn hiệu quả,” ông Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Agribank Hà Giang cũng cho rằng thị trường tiêu thụ các sản phẩm là yếu tố quan trọng để luân chuyển nguồn vốn. Tuy nhiên, tại Hà Giang, hiện nay doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp rất ít, khiến việc quay vòng nguồn vốn vẫn khó khăn.
“Đối với ngân hàng, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho người dân vay vốn trồng trọt, chăn nuôi. Thậm chí ngân hàng còn cầm tay chỉ việc, cũng như định hướng cho người dân sử dụng nguồn vốn để đầu tư hiệu quả. Tuy vậy, cái khó vẫn là rào cản thị trường,” ông Hải cho biết.
Giám đốc Agribank Hà Giang cũng đưa ra giải pháp, để đồng vốn ngân hàng đi vào cuộc sống, giúp dân thoát nghèo, lãnh đạo các địa phương cần tạo điều kiện về mặt tín chấp tài sản, để người dân nghèo không có khả năng trả nợ được vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế với những mục đích chính đáng.
"Về phía ngân hàng, cùng với việc tư vấn cho người tài trợ thương mại, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh thanh toán biên mẫu đối với Trung Quốc, để bà con có thể bán được sản phẩm và phát triển kinh tế," ông Hải hứa hẹn./.
Hùng Võ (Vietnam+)